Tin tức

Thừa Thiên Huế: Tập trung nguồn lực cho đô thị tương lai

Thừa Thiên Huế: Tập trung nguồn lực cho đô thị tương lai

Ngày cập ngày: 01/01/2011 07:49 AM

Đồng bộ, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đối với các chương trình, dự án lớn. Đó là phương châm hành động của tỉnh nhà trong việc phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương khi hội đủ điều kiện.

Ba trọng tâm phát triển đô thị

Đề cập đến quỹ thời gian chỉ còn 3 năm để thực hiện thành công Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện một lần nữa xác định quan điểm phát triển là phải ưu tiên mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, với ba trọng tâm đã được xác định là TP Huế, Hương Trà và Thuận An trên tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ. Trong đó, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để huy động tối đa mọi nguồn lực cho hạ tầng đô thị được xem là giải pháp mang tính bứt phá. Cùng với đó là việc hoàn thiện quy hoạch đô thị, tập trung đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông, điện, nước, viễn thông để kết nối đô thị hạt nhân Huế với Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền...
Trong trục liên thông kể từ cửa ngõ phía bắc, Thừa Thiên Huế đã có khu công nghiệp Phong Điền, khu công nghiệp Hương Sơ, khu tiểu thủ công mỹ nghệ - làng nghề Dạ Lê, khu công nghiệp Phú Bài, khu đô thị Chân Mây Lăng Cô. Các khu công nghiệp và đô thị này, dù quy mô và thời gian hình thành khác nhau, công suất sử dụng khác nhau nhưng với sự hiện diện và đi vào hoạt động của mình, đã tạo nên một sắc thái mới, sinh động trong đời sống sản xuất và đóng góp phần mình trong tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Nhìn tổng thể, các khu CN- TTCN - làng nghề và khu đô thị mới này đã tạo nên sự vận động và chuyển dịch trong xu thế phát triển với hàng loạt những vấn đề kéo theo. Điều này được thể hiện ở việc tăng và đa dạng hóa sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giảm tỷ trọng nông nghiệp (năm 2010, tỷ trọng này đã giảm từ 16,8% xuống còn 15,2% nhưng giá trị tuyệt đối vẫn tăng 1,5%), thay đổi cơ cấu ngành nghề lao động theo hướng CNH từ 60% lao động nông lâm ngư năm 2006, tỷ lệ này đã hạ xuống 37% vào năm 2010. Công nghiệp và xây dựng ở mức 29,7% và dịch vụ 33,3%. Đồng thời, tạo lập những trung tâm đô thị và có tính đô thị trong việc hình thành nên những thiết chế văn hóa - y tế - giáo dục mới cũng như các cơ sở hạ tầng phục vụ. Từ đó, bước đầu hình thành nếp sống thị dân như là một sự chuẩn bị hòa nhập với nhịp sống đô thị.

Một góc đô thị Huế. Ảnh: Văn Lợi
Trong sự vận hành và phát triển, các địa phương nằm trong trục lưu thông này không thể có sự lựa chọn nào khác hơn là cũng phải vận động và phát triển, được kích cầu để phát triển. Hương Thủy đã được công nhận là thị xã. Hương Trà được công nhận là đô thị loại 4. Thị trấn Phong Thu (Phong Điền) đã đặt mình và vận động để hòa nhập với xu thế phát triển với mục tiêu đã được xác định: xây dựng diện mạo mới cho cửa ngõ phía bắc. Chân Mây- Lăng Cô vẫn tiếp tục quá trình xúc tiến các hạng mục, dự án có sự đầu tư lớn của các nguồn vốn FDI.
Tập trung mọi nguồn lực để phát triển đô thị
Việc xác định và xây dựng các trục đô thị mới cũng đã được bàn bạc, thảo luận và tìm hướng, tìm nguồn để đầu tư. Trong sự xác định này, có thể kể đến các trục đô thị mới như Thị xã Tứ Hạ, Thuận An trong tương lai. Trong sự phân cấp của mình, các địa phương khác trên địa bàn tiếp tục có hướng để quy hoạch và mở rộng đô thị như Quảng Phước (Quảng Điền), Phú Đa (Phú Vang), khu thị tứ Bình Điền trong sự phát triển về phía tây TP Huế...
Sự tập trung đầu tư và những nỗ lực tích cực trong thời gian qua đã mang lại một dáng vóc mới cho TP Huế - đô thị hạt nhân - không chỉ trong diện mạo đô thị mà cả về an sinh xã hội. Việc thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị đã song hành với việc xây dựng các khu dân cư mới ở Kim Long, Bãi Dâu, Phú Hậu, Hương Sơ, trả lại sự phong quang cho khu vực Thượng Thành, Ngự Hà. Hàng loạt các khu đô thị mới đã được quy hoạch và hình thành, tạo nên những khu dân cư đông đúc và hiện đại ở Kiểm Huệ, Quốc lộ 49, đông nam Thủy An, An Vân Dương, Hương Sơ...


Khách sạn Celadon Palace đạt tiêu chuẩn 5 sao bên tuyến đường Hùng Vương.Ảnh: Văn Lợi
Trong kế hoạch phát triển để thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, TP Huế sẽ được tập trung nguồn lực để tiếp tục các dự án chỉnh trang đô thị và chuẩn bị các điều kiện để giải tỏa các khu vực bờ sông Hương (đoạn chợ cá - Đông Ba) và chỉnh trang đường Chương Dương, sông Ngự Hà, hệ thống công viên, lề đường, bó vỉa, điện chiếu sáng, cây xanh...trên các trục đường chính và các dự án cầu Phú Cam, Bao Vinh, Ba Bến, đường ra sông Phát Lát. Tỉnh cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cầu đường bộ qua sông Hương, khởi công cầu Ga; cải tạo nâng cấp các tuyến giao thông đến các khu du lịch, điểm tham quan. Bên cạnh đó là việc xúc tiến xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao như trung tâm hội nghị quốc gia, khu triển lãm...và xem đây như là tiền đề cho sự phát triển đô thị tương lai.
Có thể nhận thấy sự quyết tâm của tỉnh trong việc tăng nguồn thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ các dự án khi đưa chủ trương “chuyển quyền sử dụng đất, không giao, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư ở các khu đô thị” vào thực hiện ngay từ năm 2011. Bổ sung cho chủ trương này, đã có một số ý kiến từ các cơ quan cấp tỉnh là phải hoàn chỉnh giao thông đô thị cả về hạ tầng và cảnh quan phía Chân Mây - Lăng Cô, nâng cấp bền vững chứ không chỉ là giải pháp tạm thời đối với tuyến đường tránh Huế khi đây cũng là một kênh nhìn nhận về sự phát triển; mở rộng đường vào sân bay Phú Bài và các khu quy hoạch, khu đô thị mới để nâng tầm diện mạo, cảnh quan và bất động sản ở khu vực này thực sự thu hút được các nhà đầu tư. Ngay trong việc chuyển quyền sử dụng đất, công tác quy hoạch phải đi trước một bước để trở thành đối trọng trong việc hình thành các khu đô thị mới, hiện đại nhưng tiện ích và mang được đặc trưng vùng Huế.
Tất cả những động thái này cho thấy, không chỉ là một khối lượng công việc đồ sộ mà cả một nguồn lực lớn sẽ được tập trung cho đô thị tương lai...
 
Trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 và kỳ họp HĐND tỉnh khóa V vào tháng cuối năm 2010 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, phải chú ý đến vấn đề môi trường, an sinh xã hội khi xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong vài năm tới; phải đặt văn hóa với đặc thù độc đáo, riêng có của Thừa Thiên Huế không chỉ như trục lõi trong quan điểm phát triển đã được xác định là thành phố cảnh quan, di sản, thân thiện với môi trường vào năm 2020 mà còn phải xác định, đó là lợi thế cạnh tranh vượt ngoài tính vùng miền...
 

Hạnh Nhi (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan