Tin tức

Thừa Thiên Huế: Phát triển các đô thị động lực

Thừa Thiên Huế: Phát triển các đô thị động lực

Ngày cập ngày: 06/01/2011 07:18 PM

Cùng với thành phố Huế thì Bình Điền, Tứ Hạ, Thuận An và Hương Thủy được xác định là cụm đô thị động lực để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố, theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Qua 18 tháng triển khai xây dựng, bộ mặt của 4 đô thị nói trên đã và đang được hình thành.

Bình Điền, từ đô thị sơ khai đến đô thị động lực

Bình Điền, một xã miền núi huyện Hương Trà, nằm bên con đường 49A Huế đi A Lưới. Nhớ lại gần 10 năm trước, chúng tôi đến xã Bình Điền để phản ánh tình trạng khó khăn của hệ thống y tế vùng cao. Ngày đó, Trạm Y tế Bình Điền nằm bên một triền đồi, với một dãy nhà cấp 4 dột nát. Giờ đây, Bệnh viện Đa khoa Bình Điền vừa được xây dựng mới hoàn thành đưa vào sử dụng, với đầy đủ những trang thiết bị y tế, phòng điều trị và đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa. Cùng với bệnh viện, Trường THPT Bình Điền cũng vừa xây mới khang trang đưa vào sử dụng đầu năm học vừa qua. Cách trung tâm Bình Điền không xa, Thủy Điện Bình Điền, với công suất 47MKW cũng vừa được đưa vào hoạt động, góp phần cho sự phát triển trên lĩnh vực công nghiệp của xã. Từ ngày có công trình Thủy Điện Bình Điền, vùng trung tâm xã đã không còn bị ngập lụt. Đây là điều kiện tốt trong việc quy hoạch, xây dựng và phát triển để Bình Điền sớm trở thành đô thị động lực.
Chợ Bình Điền sẽ được nâng cấp xây lại mới, với diện tích 8.600m2, thiết kế 2 tầng, kinh phí xây dựng ước khoảng 13 tỷ đồng. Về giao thông, ngoài việc hoàn thành bê tông hóa, nhựa hóa mạng lưới giao thông nông thôn, một con đường trục dài 330 mét, rộng 27 mét giao cắt với QL49A, với kinh phí 5,5 tỷ đồng, sẽ được triển khai xây dựng trong năm 2011. Ngoài ra, nằm trong Dự án nâng cấp QL49A Huế-A Lưới đang được triển khai, đoạn qua trung tâm xã dài 3 km đã được quy hoạch mở rộng ra 27 mét… Bên cạnh đó, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Bình Điền, với diện tích hơn 30 ha đang được xúc tiến xây dựng. Đây sẽ là nơi tập trung các ngành nghề chế biến nông lâm sản-thực phẩm, điện, điện tử, cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng… Với những công trình đã và đang được đầu tư, thì một ngày không xa, Bình Điền sẽ trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… của các xã miền trung du, phía Tây của Thừa Thiên Huế. Ông Lê Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Điền cho hay: - “Theo định hướng quy hoạch của tỉnh thì không gian đô thị Bình Điền sẽ được mở rộng qua xã Bình Thành, Hương Bình …”.

Cửa ngõ phía Nam thành phố Huế qua TX Hương Thủy
Kết luận 48 của Bộ Chính trị xác định Bình Điền là đô thị động lực đã thổi một luồng sinh khí mới, khơi dậy nhiều tiềm năng ở vùng đồi núi này. Sự vui mừng, phấn chấn hiện rõ trên từng khuôn mặt của người dân. Dọc hai bên đường trung tâm xã đã hình thành san sát những cửa hàng mua bán, nhà hàng ăn uống, vui chơi giải trí; cửa hàng xăng dầu; các cơ sở cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy; các dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông… Anh Hoàng Luyến, gốc TP Huế đến làm nghề cơ khí và định cư ở đây đã gần 20 năm nói vui với chúng tôi rằng: - “Số mình ở thành phố thì đi đâu cũng sẽ là thành phố thôi…”. Anh đang có kế hoạch mua sắm thêm máy móc, thiết bị, tìm thêm nhân công, mở rộng sản xuất tại cơ sở mình, để đáp ứng nhu cầu xây dựng, dự kiến sẽ rất phát triển ở nơi đây… Cùng với anh Luyến, nhiều nhân tố mới trong phát triển sản xuất kinh doanh đã bắt đầu nổi lên trên vùng sơn cước này; trong đó, có doanh nghiệp Tuấn Bình, Minh Hiền… chuyên kinh doanh các ngành nghề mộc mỹ nghệ, xây dựng, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, kinh tế hộ gia đình, với các mô hình vườn rừng, vườn đồi không ngừng được củng cố, phát triển; trong đó, có hơn 200 hộ tham gia trồng cao su, với diện tích gần 300 ha, trong đó có hộ đang thu bình quân trên dưới 400.000 đồng mỗi ngày…
 
Tính đến cuối năm 2010, Bình Điền có gần 400 hộ/gần 800 hộ làm nghề kinh doanh buôn bán; doanh thu các ngành năm 2010 đạt 50 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 12,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ dùng điện đạt 100%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 96%; tỷ lệ phát triển dân số được duy trì 1,1%... tất cả đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đại hội Đảng bộ xã Bình Điền lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 xác định cơ cấu kinh tế theo hướng “ Dịch vụ-Công nghiệp, TTCN, nông nghiệp”; phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 22,3%, đưa Bình Điền trở thành đô thị loại V trước năm 2015.
 
Những đô thị đồng bằng
So với Bình Điền thì các đô thị động lực khác có điều kiện để phát triển hơn, bởi đã có nền móng đô thị từ trước. Hương Thủy đã được công nhận là thị xã từ đầu năm 2010. Theo đó, Tứ Hạ và Thuận An đang phấn đấu thành thị xã trong năm tới.
Hệ thống đường nội thị Tứ Hạ đến nay khá hoàn chỉnh, khang trang, bề thế, với gần 40 tuyến đường, đã được đặt tên và đánh số nhà, có tổng chiều dài hơn 30 km… tiếp nối với QL1A, đường phía Tây Huế và các trung tâm kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Cùng với hạ tầng giao thông, nhiều công trình kiến trúc, nhà ở, trường học, bệnh viện… phục vụ nhu cầu dân sinh đã không ngừng hoàn thiện. Về phía Tây của thị trấn tập trung những nhà máy, khu công nghiệp tiểu thủ công nghiệp; trong đó, có nhiều nhà máy có quy mô lớn đang hoạt động có hiệu quả. Có thể kể đến là nhà máy xi măng Kim Đỉnh có công suất 2,4 triệu tấn/năm; Nhà máy bê tông ly tâm, sản xuất thiết bị xây dựng điện và đúc công nghiệp của Công ty cổ phần Phương Minh; Nhà máy sản xuất gạch tuynen của Công ty cổ phần Coxano-Trường Sơn; Nhà máy sản xuất bột trét tường và sơn cao cấp của Công ty cổ phần Sơn Đại Phát; Nhà máy may xuất khẩu, Nhà máy sản xuất bao bì nhựa; Nhà máy sản xuất gạch siêu nhẹ… Đi cùng với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các loại hình dịch vụ không ngừng phát triển. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ đã giải quyết một lượng lớn lao động, tạo động lực để phát triển đô thị trên địa bàn.

Thuận An ngày một khang trang, hiện đại
Cách thành phố Huế 13 km, Thuận An đang tập trung khai thác những tiềm năng lợi thế của mình để phát triển các loại hình dịch vụ, hình thành ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương. Các loại hình: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; lễ hội cầu ngư… đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Riêng “Festival Thuận An biển gọi” được tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua đã thu hút trên 10.000 lượt khách. Các hoạt động thương mại, tín dụng, ngân hàng; dịch vụ giao thông vận tải… khác tiếp tục được phát triển, với tổng giá trị các ngành dịch vụ, thương mại hàng năm ước đạt trên dưới 80 tỷ đồng. Các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như: chế biến thủy hải sản, đóng tàu thuyền; đánh bắt xa bờ… được củng cố phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Riêng 5 năm trở lại đây, nền kinh tế của thị trấn Thuận An có tốc độ phát triển khá cao. Trong đó, dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng 38% GDP; công nghiệp, TTCN-xây dựng chiếm tỷ trọng 27,5% và ngư-nông-lâm nghiệp chiếm 34,5%.
Hiện tại, có rất nhiều dự án của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã và đang đầu tư vào Thuận An. Cùng với Siêu thị Thuận An của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Thuận An đã mở cửa gần một năm nay, hiện tại Công ty cổ phần Tin học Viễn thông Hải Phòng vừa xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động Resort Tam Giang trên diện tích 8 ha, với quy mô 70 phòng… Ngoài ra, còn có một resort khác của Công ty cổ phần Dịch vụ Thuận An đang xây dựng sắp hoàn thành… Cùng với phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư nâng cấp, với hệ thống đường giao thông trục, giao thông nội thị, đường vào các khu dân cư, các điểm du lịch sinh thái; hệ thống nước máy, điện trung hạ áp, với tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt trên 417 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cảng Thuận An cũng đang được đầu tư nâng cấp, đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm, vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 5.000 DWT.
 
Ông Tôn Thất Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh nhận định: Qua hơn một năm triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ trong cụm đô thị động lực. Đó là bộ mặt các đô thị đang hiện hữu từng ngày; cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng hướng; các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hình thành, hoạt động ngày một nhiều, giải quyết công ăn việc làm cho người dân; lĩnh vực y tế, giáo dục đang từng bước hiện đại, chuyên sâu; các chỉ tiêu về xã hội như: Thu nhập, dân số, tỷ lệ hộ dùng điện, dùng nước hợp vệ sinh… đều cơ bản đạt được. Đây là tiền đề quan trọng để đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Đặng Thành (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan