Tin tức

Những kiến nghị của Hội Doanh nghiệp tỉnh tại Hội nghị gặp mặt Lãnh đạo Tỉnh với các Doanh nghiệp

NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA HỘI DOANH NGHIỆP TẠI HỘI NGHỊ GẶP MẶT CỦA LÃNH ĐẠO TỈNH VỚI CÁC DOANH NGHIỆP

        Hội Doanh nghiệp tỉnh với vai trò là cầu nối giữa các Doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong mọi mặt hoạt động, nhất là tham mưu, đóng góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách; thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế; giúp hội viên có điều kiện tiếp cận với chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, luật pháp kinh tế, thương mại quốc tế và quan hệ hợp tác với các tổ chức kinh tế trong nước, ngoài nước trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam. Trong buổi gặp mặt với Lãnh đạo Tỉnh với các Doanh nghiệp ngày 06/01/2011, Hội Doanh nghiệp tỉnh đã có những kliến nghị sau:

       1. Trong năm 2010, đặt biệt là giai đoạn cuối năm 2010, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều biến động bất lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, lạm phát trên hai con số nên chính phủ buộc phải thắt chặt tín dụng đã đẩy lãi suất huy động vốn của ngân hàng tăng cao, đỉnh điểm lên đến 18% và theo đó, lãi vay cũng được đẩy lên rất cao. Với lãi suất này, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó vay được vốn và kinh doanh có hiệu quả với lãi suất vay gần 20%. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đều bị đóng băng, dẫn đến việc huy động vốn cho kinh doanh chỉ còn cách duy nhất là phải vay từ ngân hàng. Trong lúc này, ngân hàng đã biết tận dụng lợi thế của mình để kinh doanh rất hiệu quả, hầu hết các ngân hàng đều báo cáo, lương cao, lãi cao và thưởng lớn trong tình hình các doanh nghiệp khác đang rất khó khăn đã tạo nên phản ứng tâm lý xấu trong cộng đồng các doanh nghiệp. Trong tình hình hiện nay và sắp đến, chúng tôi nhận định các doanh nghiệp một mặt buộc phải co cụm lại trong việc kinh doanh nhưng mặt khác cũng không thể không vay để duy trì sản xuất kinh doanh. Do đó, kính đề nghị chính phủ sớm có biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cũng nên chia sẽ khó khăn với các doanh nghiệp khác.

        2. Trong lĩnh vực đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều ngành hàng đang bị đầu tư vượt quá nhu cầu thị trường dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, giá bán thấp hơn giá sản xuất, hiệu quả kinh doanh thấp và lãng phí trong việc sử dụng vốn đầu tư. Ví dụ như ngành sản xuất gạch, tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy gạch trên địa bàn tỉnh hiện đã vượt gấp đôi tổng sản lượng nhu cầu thực tế. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng gặp phải khó khăn tương tự khi nhà nước cấp phép nhiều cây xăng trên cùng tuyến đường hoặc khoảng cách giữa các cây xăng quá gần nhau đã làm giảm rất nhiều hiệu quả kinh doanh của từng doanh nghiệp. Đề nghị các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu thị trường, dự báo quy mô để đầu tư đúng vào các ngành sẽ mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, cũng kính đề nghị lãnh đạo tỉnh cần có quy hoạch ngành nghề kinh doanh phù hợp với nhu cầu thực tế, đưa ra các dự báo về nhu cầu của các ngành kinh doanh, thận trọng trong việc cấp phép kinh doanh đối với các ngành đang bão hòa để từ đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, môi trường đầu tư hiệu quả và ổn định.

        3. Hàng năm, tỉnh của chúng ta dành một khoản ngân sách rất lớn để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng và điều đó đã làm thay đổi diện mạo của toàn tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thi công xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn do các ban quản lý dự án nợ tiền thanh toán cho khối lượng công việc đã hoàn thành, đặt biệt trong tình hình lãi vay ngân hàng đang rất cao như hiện nay. Vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách để sớm trả nợ các công trình xây dựng cơ bản cho các doanh nghiệp, chỉ nên triển khai đầu tư cho các dự án đã có vốn, không đầu tư dàn trãi và thực hiện việc thanh toán theo tiến độ thi công được phê duyệt, trong trường hợp tỉnh chưa có đủ tiền để trả thì phải thanh toán lãi xuất ngân hàng khoản tiền trả chậm cho doanh nghiệp.

        4. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh TT Huế và TP Huế được công nhận là thành phố Festival. Tuy nhiên, ngành du lịch của Huế vẫn còn một số hạn chế về thông tin du lịch, thời gian lưu trú của khách thấp và chưa khai thác hết tiềm năng to lớn mà Huế đang có. Do đó, tỉnh cần có sự đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm cũng như phát triển đồng bộ hoạt động du lịch, ngoài du lịch văn hoá còn phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tôn giáo... để đa dạng hoá sản phẩm du lịch và để có thể “níu giữ” khách du lịch ở lại Huế dài ngày hơn. Cần lắp đặt thêm các bảng chỉ dẫn, bản đồ điện tử tại các khu vực trung tâm để mọi người nắm thêm thông tin và dễ dàng xác định được hướng đi, điểm đến, đồng thời có biện pháp mạnh trong việc giải quyết dứt điểm tình trạng đeo bám, đặc biệt là đeo bám khách du lịch. Và một điều tế nhị nhưng hết sức cần thiết là phải xây các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch trọng điểm. Ngoài ra, Huế - Đà Nẵng - Hội An đang được xem là vùng tam giác du lịch trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ nhưng thực tế trên lộ trình từ Huế đến các địa danh du lịch này vẫn chưa có các điểm dừng chân phù hợp. Do đó, để bảo đảm một sản phẩm du lịch hoàn hảo, chúng tôi thiết nghĩ tỉnh cũng cần nghiên cứu, xem xét đến vấn liên kết du lịch giữa các tỉnh, các vùng miền.

        5. Nhằm sớm hình thành diện mạo đô thị hiện đại cho thành phố, tạo điều kiện xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2014, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển cần tiến hành một cách đồng bộ, nhanh chóng. Đồng thời, đẩy mạnh công quảng bá hình ảnh, tiềm năng cơ hội của Tỉnh trong và ngoài nước, có biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút vốn đầu tư vào tỉnh. Cần chỉnh trang độ thị, quy hoạch thành phố và các vùng phụ cận để ngăn chặn tình trạng ùn tắt giao thông, thực hiện quyết liệt việc ngầm hóa mạng lưới viễn thông để cải thiện bộ mặt thành phố thêm khang trang và sạch đẹp.

        6. Tỉnh cũng cần quan tâm giải quyết nhanh các vấn đề liên quan đến di dời, giải quyết mặt bằng để giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian trong việc triển khai, ổn định hoạt động kinh doanh ví dụ như trường hợp di dời sang địa điểm mới của nhà máy Long Thọ. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông để đảm bảo giao thông an toàn, quá trình vận chuyển và hoạt động của các doanh nghiệp trên trục đường được nhanh chóng và thuận tiện. Ví dụ như đường ra vào cảng Chân Mây và đường 71 từ Hòa Mỹ vào nhà máy thủy điện Trường Phú. 

         7. Trong tình hình lạm phát tăng cao như hiện nay, kính đề nghị UBND Tỉnh tìm mọi biện pháp để bình ổn giá cả thị trường, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lưc cạnh tranh cho các Doanh nghiệp trong Tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

 


Tin tức liên quan