Tin tức

Thừa Thiên Huế: Với nỗ lực kêu gọi đầu tư năm 2010 và thúc đẩy phát triển kinh tế
Thừa Thiên Huế: Với nỗ lực kêu gọi đầu tư năm 2010 và thúc đẩy phát triển kinh tế
 
Cập nhật lúc 07:44 | 14/01/2011 (GMT+7)
 

Năm 2010, kinh tế TT Huế đã có những chuyển biến tích cực hơn với tốc độ tăng trưởng trên 12,5%. Đạt được chỉ tiêu này ngoài sự phát triển nội lực, trong năm qua, tỉnh TT Huế cũng đã nổ lực trong việc kêu gọi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn 2011 -2015 và những năm tiếp theo. Một trong những nỗ lực ấy vào cuối tháng 3 năm 2010, tỉnh TT Huế đã tham gia diễn đàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung lần thứ nhất với chủ đề vận hội mới cho sự phát triển thịnh vượng.

 
Vùng kinh tế trọng điểm miền trung là một vùng đất giàu tiềm năng, có bờ biển dài hơn 500 km, với hàng loạt đô thị trung tâm là Huế, Đà Nẵng, Hội An,Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các khu kinh tế lớn như: Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội.Vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, hình thành các khu công nghiệp gắn liền với biển.Tuy nhiên, trong những năm qua sự phát triển của các địa phương trongVùng Kinh tế trọng điểm miền Trung chưa đạt được hiệu quả như tiềm năng vốn có. Tốc độ phát triển kinh tế còn thấp, đời sống nhân dân khó khăn, chưa khai thác tối đa hiệu quả từ các cảng nước sâu, cảng biển quốc tế…Các tỉnh, thành còn “dẫm chân nhau” trong kêu gọi đầu tư, đua nhau xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không…ưu đãi đầu tư theo cơ chế riêng làm kìm hãm sự phát triển của toàn vùng thay vì liên kết, hợp tác cùng phát triển.  

Lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền trung cũng đã cam kết phát triển kinh tế và đối ngoại dựa trên nền tảng của từng địa phương và vùng kinh tế để tạo lực trong quá trình hội nhập.Tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2010 – 2020 tăng trưởng nhanh, bền vững, giảm bớt khoảng cách so với mức phát triển trung bình của cả nước, GDP bình quân đầu người bằng hoặc vượt mức bình quân cả nước, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, chuyển hoá miền trung cơ bản thành vùng công nghiệp.   

Cùng với những chính sách đẩy mạnh quan hệ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cuối tháng 11 năm 2010, tỉnh TT Huế cũng đã tổ chức chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP Hồ Chí Minh với nội dung “kêu gọi đầu tư về du lịch và dịch vụ, bất động sản, các dự án trong khu đô thị mới, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao” nhằm huy động nguồn lực đưa tỉnh TT Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trước năm 2015 theo Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt là, tại các vùng trọng điểm về kêu gọi đầu tư tại thành phố Huế, Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô, các Khu công nghiệp, Vùngven biển đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Khu du lịch sinh thái vườn quốcgia Bạch Mã…

Hiện nay rên địa bàn tỉnh TT Huế đã có khoảng 328 dự án với tổng mức vốn đăng ký khoảng 80 ngàn tỷ đồng ; trong đó Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô có 36 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 35 ngàn tỷ đồng, trong đó các khu công nghiệp có 60 dự án với tổng vốn đăng ký 10 ngàn tỷ đồng; 232 dự án ngoài Khu công nghiệp và Khu kinh tế với tổng vốn đăng ký khoảng 35 ngàn tỷ đồng. Về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI có 69 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 2 tỷ 450 triệu đô la Mỹ. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, tỉnh luôn đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư hơn nữa trong năm 2011 thông qua các chương trình hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.  

Thu hút đầu tư và đẩy mạnh các mối quan hệ kinh tế giữa các địa phương trong vùng là hoạt động đang được TT Huế chú trọng đẩy mạnh. Đây cũng sẽ là hướng đi để TT Huế tạo lực nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Phương Diệu (TRT)

Tin tức liên quan