“Đánh thức” tiềm năng công nghiệp
Ngày cập ngày: 15/01/2011 09:05
Trải qua 5 năm với nhiều nỗ lực và phấn đấu, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã thực sự được đánh thức. Hàng loạt các dự án sản xuất bia, vật liệu xây dựng, dệt may, men Frít, khoáng sản được đầu tư mở rộng; các khu- cụm công nghiệp phát triển nhanh cùng với nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục. Từ dấu mốc này, giai đoạn 2011-2015 hứa hẹn sẽ là giai đoạn ngành công nghiệp tiếp tục tăng tốc theo hướng vừa đầu tư mở rộng quy mô vừa tăng năng lực sản xuất.
Tăng tốc trên các lĩnh vực
Một trong những nhóm ngành tăng trưởng cao trong 5 năm qua phải kể đến là ngành công nghiệp dệt may. Từ một vài DN có mặt đầu tiên trên địa bàn tỉnh như Công ty CP Dệt- May Huế, Công ty May xuất khẩu, Công ty CP Sợi Phú Bài, đến nay toàn tỉnh có gần 20 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may với quy mô lớn như Scavi, HPI, Phú Hòa An, Thiên An Phát, Thiên Phú An, Giày Da, Sợi Phú Thạnh, Phú Nam, Dệt Kim Huế... Theo đó, các DN dệt may trên địa bàn tỉnh hiện có quy mô 200 nghìn cọc sợi, hơn 150 chuyền may công nghiệp hoạt động 2-3 ca/ngày, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 174,20 triệu USD, tăng 91,63% so với cùng kỳ và chiếm 70,22% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đồng thời đã giải quyết việc làm cho trên 12 nghìn lao động.
Lĩnh vực sản xuất bia và nước giải khát cũng phát triển nhanh và ngày càng mở rộng quy mô. Từ tháng 9/2006, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bia Phú Bài giai đoạn 1 của Công ty TNHH Bia Huế với công suất 80 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư 415 tỷ đồng được khởi công và đến tháng 4-2008 đưa vào hoạt động đã đánh dấu cột mốc quan trọng đối với lĩnh vực này. Tiếp đến, tháng 4/2009, dự án Nhà máy Bia Phú Bài giai đoạn 2 khởi công và đến tháng 6/2010 đưa vào hoạt động, nâng công suất của công ty lên 230 triệu lít/năm đã khẳng định một sức mạnh và bước đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất bia của tỉnh.
Giai đoạn 2010-2015, ngành công thương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 14.280- 14.900 tỷ đồng;
tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 16% -17%.
Ngoài ra, một số DN đã đầu tư công nghệ sản xuất rượu, nước giải khát và bước đầu đã đạt được kết quả tốt, như Công ty CP Thanh Tân, Nhà máy Rượu Sake, rượu Thủy Dương..., nâng công suất lĩnh vực này lên trên 300 triệu lít/năm.
Cùng với sự sôi động của hoạt động công nghiệp tỉnh, lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác mỏ cũng là lĩnh vực phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ Nhà máy Xi măng Luksvaxi có công suất 800 triệu tấn/năm vào năm 2005, sau 5 năm đầu tư mở rộng đã nâng công suất lên 3,2 triệu tấn/năm; Nhà máy Xi măng Long Thọ ngày càng lớn mạnh, đạt công suất 16 vạn tấn năm; Nhà máy Xi măng Long Thọ II, Nam Đông, Đồng Lâm đang khởi động sẽ góp phần đưa lĩnh vực này ngày càng phát triển. Trong năm 2010 có 2 dự án quy mô lớn được khởi công xây dựng, đó là Nhà máy men Frít với kinh phí đầu tư 90 tỷ đồng, công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm đã đưa vào hoạt động vào đầu năm 2011; dự án Nhà máy Xỉ titan Huế với công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm vừa đưa vào hoạt động trong quý III-2010 đã góp phần tạo thêm sự sôi động và hiệu quả của ngành công nghiệp tỉnh trong nhiệm kỳ 2005-2010.
Sự phát triển nhanh của các khu - cụm CN
Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 7.075,9 tỷ đồng, tăng 25,5% so với năm 2009; trong đó đã thực hiện được các dự án quy mô lớn như xây dựng 3 nhà máy xi măng: Đồng Lâm, Nam Đông và Long Thọ II; cấp mới 11 giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký chiếm 1.305 tỷ đồng; thực hiện quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương và triển khai khôi phục và phát triển nghề.
|
Nói đến sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2005-2010 không thể không nhắc đến sự ra đời và phát triển nhanh của các khu công nghiệp (KCN), cụm CN-TTCN trên địa bàn tỉnh. Chỉ sau 5 năm thực hiện kế hoạch quy hoạch đầu tư phát triển lĩnh vực này của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, hàng loạt các KCN, cụm CN-TTCN hình thành và thu hút nhiều DN trong và ngoài nước đến tham gia sản xuất. Từ KCN Phú Bài với vài DN quy mô nhỏ tham gia sản xuất kinh doanh, đến nay trên địa bàn có 6 KCN là Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Điền, La Sơn, Quảng Vinh và Phú Đa đã và đang hoạt động hiệu quả, thu hút 59 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.265,6 tỷ đồng, doanh thu trong năm 2010 đạt khoảng 3.278 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 10 ngàn lao động. Sau 5 năm thực hiện quy hoạch phát triển cụm CN-TTCN, đến nay toàn tỉnh có 6 cụm CN-TTCN đã được đầu tư hạ tầng, đó là Hương Sơ, Thuỷ Phương, Tứ Hạ, Bắc An Gia, La Sơn và Hương Hoà với tổng vốn đầu tư chiếm 105,9 tỷ đồng. Cùng với công tác đầu tư hạ tầng cơ sở, đến nay đã có 111 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 38 dự án đang thực hiện đầu tư và 40 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đã đầu tư lên đến 351 tỷ đồng.
5 năm qua, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, chỉ tiêu của ngành giai đoạn 2005-2010 đạt mức tăng trưởng khá, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 18,1%, đến năm 2010 tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt trên 98,7%. Đây là một trong những kết quả khả quan và là động lực để ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên và phát triển theo hướng bền vững. Một số nhóm ngành mới như sản xuất quặng zincon, rutile, áo Jacket, menfrit, xỉ titan, dăm gỗ nguyên liệu giấy, sợi... không ngừng gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cùng với mức tăng trưởng cao, một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ, như dự án Nhà máy Xỉ titan Thừa Thiên Huế, Nhà máy Thuỷ điện Hương Điền, Bình Điền, A Lưới và các dự án xi măng Đồng Lâm, Nam Đông, Long Thọ II; dự án phát triển các khu, cụm CN -TTCN tiếp tục đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trong thời gian đến.
Ông Võ Phi Hùng, TUV, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Với mục tiêu đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhiệm kỳ tới Sở Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp-TTCN, trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, nông sản, thực phẩm và đồ uống. Mặt khác, sẽ tập trung đầu tư các công trình, dự án có hiệu quả tạo nhân tố mới, đó là các dự án thủy điện, sản xuất bia, dệt may, chế biến sâu cát thạch anh và các dự án sản xuất xi măng quy mô lớn; đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cho các khu-cụm CN, khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống và làng nghề TTCN trên địa bàn toàn tỉnh.”
Bài, ảnh: Thanh Hương (Baothuathienhue)