Tin tức

Tăng cường hiệu quả đầu tư công

Tăng cường hiệu quả đầu tư công

Ngày cập ngày: 20/01/2011 07:51 AM

Đầu tư công đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh những ưu thế nổi trội, đầu tư công đang bộc lộ một số tồn tại về quản lý đồng vốn, gây lãng phí, tham nhũng, bội chi ngân sách Nhà nước. Thực trạng này đòi hỏi phải chú trọng tăng cường hiệu quả đầu tư công, để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.

Ghi nhận những kết quả đạt được

Đầu tư công đã mang lại hiệu quả trong đời sống và trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, các chương trình mục tiêu quốc gia tại các vùng kinh tế khó khăn nói riêng và cả nước nói chung, như: Chương trình 135, Chương trình trồng rừng, Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, xóa đói giảm nghèo; các đầu tư về hạ tầng giao thông, trường học, kiên cố hóa kênh mương, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo... đã mang lại kết quả rõ rệt. Tại các địa phương miền núi, Chương trình 135 và Chương trình trồng rừng đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Trồng rừng cơ bản phủ xanh đồi núi trọc, tạo chuyển biến trong lao động và công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc. Hầu hết các địa phương đều có trường học, lớp học, nhà công vụ giáo viên kiên cố thay thế tranh tre nứa lá trước đây. Phần lớn các hộ nghèo đều được khám chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố... Nhiều công trình dự án trọng điểm được đầu tư phục vụ tốt sản xuất đời sống, như Dự án cải tạo nâng cấp QL1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì... Thông qua đầu tư công, hạ tầng giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi khác ngày một phát triển nhiều hơn phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước, thúc đẩy đời sống kinh tế xã hội, mang lại no ấm cho người dân.

Dự án tái định cư Hương Sơ do UBND TP Huế làm chủ đầu tư
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, đầu tư công trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, bệnh viện, trường học... liên tiếp được đưa vào sử dụng, đã làm đổi thay tích cực bộ mặt nông thôn, thành thị; đời sống người dân từng bước được nâng cao. Riêng trong năm qua, cùng với việc hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Tam Giang và nhiều dự án quan trọng khác; các dự án như: Đường La Sơn-Nam Đông, cầu đường bộ Bạch Hổ, thủy lợi Tây Hưng, thủy lợi Tây Nam Hương Trà, hồ Tả Trạch; các chương trình kiên cố hóa trường học, ký trúc xá sinh viên, bệnh viện tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kế hoạch đề ra... Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm qua ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2009; trong đó, vốn Trung ương quản lý 1.200 tỷ đồng, còn lại do địa phương quản lý.
Tăng cường cải cách đầu tư công
Hiệu quả kinh tế xã hội mà đầu tư công mang lại rất rõ. Tuy nhiên, đầu tư công hiện nay còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện đầu tư tại một số công trình. Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đầu tư ở doanh nghiệp nhà nước vẫn có chi phí rất cao, mất nhiều thời gian và vẫn là miếng đất màu mỡ cho lợi ích nhóm. Một ví dụ điển hình nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư tăng lên gấp nhiều lần từ 1,5 tỷ USD năm 1997 đến năm 2005 tăng lên 2,5 tỷ và chốt lại 3,05 tỷ USD vào năm 2009. Mặc dù dự án này kéo dài 13 năm và chậm tiến độ 9 năm song vẫn được tuyên bố là đã giảm chi được 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian thực hiện đầu tư trong các DNNN thường kéo dài do phải trình duyệt nhiều cấp, song khi có sự cố thì không thấy có cấp nào chịu trách nhiệm.

Nhiều công trình giao thông, xây dựng phục vụ KT-XH
Hàng năm, Nhà nước đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ bản. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, riêng trong năm 2010, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 800 nghìn tỷ đồng, bằng 41%GDP, tăng 12,9% so với năm 2009; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ước đạt 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,5%; còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ths Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp-Kiểm toán Nhà nước cho biết: Những tồn tại trong đầu tư công tập trung trong công tác quy hoạch, công tác chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết định đầu tư, khảo sát thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí sử dụng vốn, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công, nghiệm thu... gây thất thoát lãng phí ngân sách Nhà nước.
Tại Hội thảo “Tái cơ cấu đầu tư công trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế” diễn ra tại Huế cuối tháng 12 vừa qua, các đại biểu tham dự hội thảo đã phân tích đánh giá về thực trạng đầu tư công trong thời gian qua; chỉ ra những nguyên nhân tồn tại và đề xuất các giải pháp, nhằm hạn chế sự lãng phí về ngân sách, tránh nguy cơ khủng hoảng nợ công… Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, một trong những giải pháp được các chuyên gia kinh tế đưa ra là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy nhanh việc cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện tuyển chọn công khai, theo những tiêu chí đã được cam kết như tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả đồng vốn; đồng thời, cải cách các quy định luật pháp về đầu tư, đấu thầu, giám sát, nghiệm thu... áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, để đầu tư công phát huy hiệu quả cao hơn!
Bài, ảnh: Đặng Thành (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan