Thừa Thiên Huế: Khai thác thế mạnh vùng biển và đầm phá để phát triển bền vững
Ngày cập ngày: 20/01/2011 08:00 PM
Những năm qua, khai thác biển và đầm phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh để Phú Vang phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của địa phương.
Đổi thay theo hướng bền vững…
Thực hiện Quyết định số 1955/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Huyện ủy Phú Vang đề ra mục tiêu: “Tập trung nguồn nhân lực đẩy nhanh việc xây dựng 13 xã, thị trấn thuộc vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của huyện Phú Vang trở thành vùng kinh tế tổng hợp. Trong đó, lấy du lịch và phát triển thủy sản làm kinh tế mũi nhọn, theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đến năm 2020 tạo sự thay đổi đáng kể ở 13 xã, thị trấn vùng đầm phá ven biển”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở các xã, thị trấn ven biển và đầm phá của Phú Vang được chú trọng đầu tư nâng cấp khá đồng bộ; với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, Phú Vang đã xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Trường Hà, cầu Thuận An 2, nâng cấp Quốc lộ 49A… tạo sự thuận lợi trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa, kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh.
Khoảng 3 năm trở lại đây, ngành du lịch phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia. Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã và đang được xây dựng ở thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận. Những khu du lịch đi vào hoạt động tạo được ấn tượng tốt đối với du khách. Tiêu biểu có thể kể đến khu resort Tam Giang - Thuận An. Việc đầu tư xây dựng và quản lý tốt các bãi tắm, như: Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh giúp cho du lịch biển ở Phú Vang phát triển nhanh. Các kỳ Festival Thuận An biển gọi (nằm trong hoạt động của các Festival Huế) còn giúp nâng cao vị thế của bãi tắm Thuận An và Phú Thuận trong mắt du khách.
Ngành thủy sản của địa phương cũng phát triển theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm đánh bắt tự nhiên; đánh bắt xa bờ có chuyển biến, sản lượng khai thác biển bình quân tăng hàng năm; riêng năm 2010, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 19.500 tấn; công tác khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản gắn với việc sắp xếp giải tỏa nò sáo có tiến bộ; việc trồng rừng phòng hộ ven biển, vùng cát được quan tâm. Ông Huỳnh Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang), cho biết: “Khoảng 3 năm trở lại đây, cơ sở vật chất một số ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hậu cần nghề cá ở Phú Vang nói chung và Phú Thuận nói riêng được đầu tư, mở rộng. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự chuyển biến, nhất là chế biến thủy - hải sản; đóng và sửa chữa tàu thuyền, khai thác khoáng sản có bước phát triển khá, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn vùng ven biển và đầm phá nên đã giải quyết được nhiều việc làm, góp phần ổn định đời sống cho ngư dân”.
Thuận An đang chuyển mình thành đô thị
Với quan điểm phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả bằng việc thu hút các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển, đưa 13 xã, thị trấn thuộc vùng đấm phá Tam Giang - Cầu Hai của huyện sớm trở thành một trong những vùng có nền kinh tế - xã hội mạnh của tỉnh đến năm 2020, hiện Phú Vang đang huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó sẽ tập trung xây dựng thị trấn Thuận An thành thị xã vào năm 2013, xây dựng các thị trấn trung tâm tiểu vùng là Phú Đa, Vinh Thanh và điểm đô thị Vinh Hà. Đầu tư đồng bộ các cơ sở hạ tầng các làng cá nằm ở 13 xã, thị trấn này để sớm hình thành các đô thị nghề cá.
Mục tiêu đến năm 2020
Theo Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”, Phú Vang đang tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế có tiềm năng, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thủy sản – TTCN và nông nghiệp. Xây dựng các xã, thị trấn vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của huyện thành vùng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nhà thuyền, du lịch thể thao biển, du lịch ẩm thực góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế du lịch, du lịch biển, đầm phá của địa phương.
Phú Vang đang tập trung nguồn lực để phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực trên cơ sở phát huy cao các lợi thế của vùng đầm phá và biển, kết nối với du lịch di sản, cảnh quan của tỉnh để phát triển tổng hợp du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch biển; tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng cao; hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, các trung tâm du lịch thể thao; kết nối các làng nghề hình thành tuyến du lịch biển và đầm phá. Hoàn thành công tác định cư dân thủy diện, vùng sạt lở gắn với tổ chức lại sản xuất theo quy hoạch, sắp xếp lại các điểm dân cư. Sắp xếp, bố trí lại sản xuất ngành thủy - hải sản theo hướng ổn định và giảm dần khai thác ven bờ; không ngừng hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, nuôi trồng, chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, chuyển dịch dần lao động sang ngành du lịch và dịch vụ du lịch, đảm bảo phát triển bền vững. Hình thành các điểm công nghiệp cơ khí sửa chữa tàu, thuyền, chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung ở thị trấn Thuận An, Phú Thuận. Khôi phục và phát triển ngành TTCN và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Xây dựng và phát triển thương hiệu một số sản phẩm truyền thống của các làng nghề, như: Rượu gạo làng Chuồn, rượu gạo Vinh Thanh, nước mắm Phú Thuận...Ổn định sản xuất và đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng thủy diện và vùng sạt lở. Nâng cao dân trí của các xã, thị trấn vùng ven biển và đầm phá.
Ông Phan Văn Quang, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “UBND huyện Phú Vang đã lên kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1955/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”. Theo kế hoạch này, UBND huyện đã đưa ra danh mục các nhiệm vụ và phân công các đồng chí lãnh đạo UBND huyện phụ trách thực hiện. Việc thực hiện Quyết định số 1955 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội ở 13 xã, thị trấn nằm ven biển và đầm phá của huyện Phú Vang. Ban Thường vụ Huyện ủy và các đồng chí lãnh đạo UBND huyện được phân công phụ trách theo kế hoạch trên đang ra sức nỗ lực làm tốt các công việc mình được giao phó”
Bài, ảnh: Hào Vũ (Baothuathienhue)