Tin tức

Cần phanh phui việc chiếm dụng hàng chục tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư IMG Huế

Cần phanh phui việc chiếm dụng hàng chục tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư IMG Huế

Ngày cập ngày: 21/01/2011 07:04 PM

Những ngày đầu năm 2011, tại Công ty cổ phần Đầu tư IMG Huế (tiền thân của các công ty TNHH PETRO Quảng Ngãi, MT Land Huế rồi đến các công ty cổ phần Đầu tư Việt Long Huế và IMG Huế) ở đường số 7, Khu đô thị mới (KĐTM) An Cựu (An Cuu City), phường An Đông (Huế), nhiều nhóm người là lãnh đạo, đại diện Công ty cổ phần Hương Thủy, Xí nghiệp Điện nước Hương Thủy và các công ty TNHH Xuân Lộc, Hoàng Ngọc, Kỷ Nguyên Xanh cùng một số cá nhân mua nhà tại KĐTM... liên tục kéo đến đòi nợ hàng chục tỷ đồng mà lâu nay chủ đầu tư chây ỳ không thanh toán.

Khi chủ đầu tư nợ như... “chúa chổm”

Sau khi nhận gần chục lá đơn của các doanh nghiệp kèm theo hàng trăm trang văn bản, chứng từ liên quan dày đến cả gang tay, một trong những vị giám đốc mà chúng tôi tìm đến đầu tiên là ông Lê Văn Xê, Giám đốc Công ty cổ phần Hương Thủy. Vốn là doanh nghiệp nổi tiếng trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, đầu tư và xây dựng nên với va vấp này, ông bày tỏ nỗi bức xúc hơn ai hết. Số là, ngày 15-11-2009, doanh nghiệp ký kết hợp đồng với chủ đầu tư để thi công xây dựng phần thân nhà và sân vườn văn phòng với trị giá hơn 4,5 tỷ đồng. Hơn bảy tháng sau, đơn vị thi công bàn giao đưa công trình vào sử dụng và thanh lý hợp đồng với giá trị còn lại hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn “bặt vô âm tín”.
Tình cảnh đáng thương hơn cả lại rơi vào Xí nghiệp Điện nước Hương Thủy (Công ty cổ phần Hương Thủy). Mới chào đời chưa đầy một năm, ngày 4/6/2010, doanh nghiệp phấn khởi khi ký kết hợp đồng “béo bở” đầu tay với chủ đầu tư để thi công điện chiếu sáng, hệ thống chống sét, nối đất an toàn và cấp thoát nước nhà văn phòng với giá trị hơn 820 triệu đồng. Hơn tháng sau, đơn vị thi công bàn giao công trình đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chịu trả hơn 300 triệu đồng. Do xí nghiệp mới thành lập, ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc xí nghiệp này phải huy động tiền từ các thành viên của đơn vị để bảo đảm thi công. Bởi vậy, hiện không những người “đứng mũi chịu sào” lâm vào cảnh... nợ nần thúc ép mà “con thuyền” nhỏ bé cũng đang chực chờ phá sản.
Vốn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi và san lấp mặt bằng, ngày 16/8/2009, Công ty TNHH Hoàng Ngọc ký hợp đồng với chủ đầu tư để thi công tuyến đường mặt cắt 100m và 56m với giá trị hơn 5,2 tỷ đồng. Chín tháng sau, đơn vị thi công bàn giao đưa vào sử dụng công trình và thanh lý hợp đồng với giá trị còn phải thanh toán hơn 1,5 tỷ đồng, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn “im hơi lặng tiếng”. Ông Hoàng Xuân Hiến, Giám đốc doanh nghiệp này, còn tiết lộ: “Trước đó gần ba năm, sau khi ký kết hợp đồng với chủ đầu tư thi công san lấp nền đường và nền công trình KĐTM, doanh nghiệp được thanh toán bằng tám căn nhà loại liền kề, biệt thự phố và vườn trị giá hơn 6,7 tỷ đồng cùng tiền mặt. Mặc dù chúng tôi thanh toán toàn bộ tiền, vậy mà đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư giao nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà để bán nhằm tiếp tục đầu tư vốn kinh doanh nên rất khó khăn”.
Công trình KĐTM An Cựu vào những ngày đầu năm mới 2011(Ảnh: TL)
Tương tự, Công ty TNHH Xuân Lộc - doanh nghiệp xây dựng - cũng không phải là ngoại lệ. Theo trình bày của ông Phan Thế Lộc, Giám đốc doanh nghiệp này, năm 2008, doanh nghiệp ký kết ba hợp đồng với chủ đầu tư để thi công bể cảnh, đường đi dạo, vỉa hè quanh công viên, quảng trường và khán đài tennis; nhà dịch vụ và phục vụ bể bơi, sân, hàng rào quanh bể và lắp đặt điện nước; xây lắp hệ thống cống hộp kỹ thuật tuyến đường mặt cắt 100m và 56m thuộc KĐTM. Sau khi các công trình này nghiệm thu với tổng giá trị hơn 12,2tỷ đồng và đưa vào sử dụng cả năm trời, chủ đầu tư mới chỉ thanh toán bằng các nhà lô G3, G4 trị giá hơn 2,9 tỷ đồng cùng tiền mặt và còn nợ đơn vị thi công hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, “thấp cổ bé họng” nhất trong số các doanh nghiệp nói trên là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Minh An (gọi tắt Công ty Minh An) chuyên sản xuất, kinh doanh và cung cấp nhôm, kính, Inox cũng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của chủ đầu tư. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc doanh nghiệp này, kể: Tháng 3/2010, doanh nghiệp ký kết hai hợp đồng với chủ đầu tư để thi công các vách ngăn, cửa nhôm kính, lam nhôm nhà văn phòng với giá trị hơn 1,1 tỷ đồng; nhôm kính Phòng khám Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Huế với giá trị hơn 73 triệu đồng. Song, nửa năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn còn nợ đơn vị thi công cả thảy hơn 578 triệu đồng khiến doanh nghiệp tư nhân này phải lãnh đủ món nợ vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng và liên tục nợ lương công nhân hàng tháng.
Cần ngăn chặn kịp thời
Dự án KĐTM nói trên được chủ đầu tư khởi công vào năm 2006. Từ vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả, sau hơn ba năm đầu tư xây dựng, nơi này đang hình thành đô thị văn minh hiện đại với cơ sở hạ tầng quy mô hoàn chỉnh, xứng tầm là một trong những KĐTM hàng đầu khu vực miền Trung. Nơi đây từng được chủ đầu tư quảng bá như là không gian sống lý tưởng với dự án đô thị kiểu mẫu theo mô hình của Phú Mỹ Hưng tại Huế, gồm: các khu biệt thự, nhà liên kề và các toà tháp cao tầng…
Dù vô số công trình lớn nhỏ được các nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư trong thời gian dài và mặc các doanh nghiệp không biết bao lần gửi văn bản đề nghị, liên lạc điện thoại và kể cả cử cán bộ hoặc lãnh đạo thân chinh đến gặp chủ đầu tư yêu cầu thanh toán hợp đồng nhưng phía đối tác vẫn không xác định thời hạn như đã cam kết rồi quanh co khất nợ lần này đến lần khác khiến các nhà thầu như ngồi trên đống lửa. Theo phản ánh của những người trong cuộc, chủ đầu tư sử dụng số tiền đáng ra phải thanh toán cho họ để đầu tư vào việc khác. Chẳng hạn, trong công văn gửi Công ty cổ phần Hương Thủy, chủ đầu tư nại ra việc chậm trễ và xin gia hạn thời gian thanh toán, do đang tập trung các nguồn lực cũng như nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường mặt cắt 100m và 56m thuộc KĐTM để bàn giao cho UBND tỉnh (!?).
Cùng với việc đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau trong nội bộ lãnh đạo chủ đầu tư, chỉ trong thời gian ngắn, nơi này liên tục thay xoành xoạch đến tám giám đốc và bốn lần đổi tên doanh nghiệp càng khiến việc đòi nợ của các nhà thầu trở nên vô vọng. Bởi, chỉ còn thời gian ngắn nữa là Tết Tân Mão 2011, nhưng các nhà thầu vẫn không biết xoay chạy những đâu để kiếm ra tiền trả lãi cho ngân hàng, thanh toán vật tư và nhân công. Gần đây, các nhà thầu cùng đường nên mới gửi đơn hàng loạt trình báo kiểu làm ăn bất minh của chủ đầu tư đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh nhờ can thiệp.
Vậy, do đâu mà suốt thời gian dài, chủ đầu tư cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của các nhà thầu nói trên cũng như còn không ít nhà thầu khác nữa mà trong phạm vi bài báo này, chúng tôi chưa có điều kiện liệt kê ra hết? Hiện, dư luận cho rằng, với hàng loạt vụ việc khuất tất nói trên, đây không phải là những quan hệ mua bán trao đổi bình thường giữa các doanh nghiệp với nhau mà có dấu hiệu của hành vi gian dối, lừa đảo nhằm mục đích chiếm dụng, cưỡng đoạt công sức và tài sản của các nhà thầu. Do đó, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp các đơn vị thi công sớm thu hồi khoản nợ kéo dài; đồng thời, lưu ý đến hoạt động của chủ đầu tư nhằm có biện pháp kịp thời ngăn chặn, cảnh báo để các nhà thầu và nhân dân trên địa bàn khỏi sa chân vào kiểu làm ăn nói trên.
Vĩnh Cự (Bao thuathienhue)


Tin tức liên quan