Tin tức

Hương Thủy tập trung phát triển hạ tầng đô thị và phát triển kinh tế

GIAI ĐOẠN 2006-2010:
Hương Thủy tập trung phát triển hạ tầng đô thị và phát triển kinh tế
Ngày cập ngày: 26/01/2011 04:17 PM
(TTH) - Được xác định là một trong những đô thị vệ tinh quan trọng của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hương Thủy không ngừng nỗ lực phấn đấu trên các mặt chính trị - kinh tế - xã hội, góp phần tích cực xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Những thành tựu nổi bật

Còn nhớ cách đây không lâu, nhiều tuyến đường nội thị của thị xã Hương Thủy vẫn là đường cấp phối, đường cát ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn. Mấy năm trở lại đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng dô thị dần được hoàn thiện, đường sá được trải nhựa, nâng cấp, mở rộng, nhiều tuyến đường được đầu tư xây mới, bê tông sạch sẽ, đi lại thuận tiện. Đến nay, đường nhựa và bê tông chiếm 61% hệ thống giao thông toàn thị xã; nhiều tuyến đường đã được đặt tên, các tuyến Tân Trào, Trưng Nữ Vương, 2/9, Thuận Hóa... được đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đô thị, đèn tín hiệu giao thông.
Vóc dáng đô thị Thủy Dương nhìn từ cầu vượt Thủy Dương-Tự Đức
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 5.200 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương và tỉnh 3.960 tỷ đồng, phần thị xã 1.240 tỷ đồng (trong đó: nhân dân đóng góp 372 tỷ đồng). Riêng năm 2010, tổng vốn đầu tư cho phát triển đô thị chiếm 207 tỷ đồng.
Từ năm 2005 trở lại đây, Hương Thủy đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nội lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đưa lại thành quả quan trọng hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng đạt mức khá cao, tạo được chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp và kinh tế đô thị. Giai đoạn 2006-2010, Hương Thủy đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 17,64%/năm, trong đó khu vực dịch vụ có bước tăng trưởng vượt bậc, tăng từ 10,70% năm 2005 lên 17,12% năm 2010. Riêng ngành công nghiệp-xây dựng có tốc độ tăng trưởng 19%/năm, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chiếm trên 31% GDP ngành toàn tỉnh. Đặc biệt, cụm TTCN và làng nghề Thủy Phương đã thu hút được 44 dự án đăng ký với tổng số vốn gần 4.000 tỷ đồng. Nông nghiệp cũng có bước chuyển biến tích cực như sản lượng lúa chiếm 13,2%; sản lượng gỗ khai thác chiếm 10% trong GDP. Một số chỉ tiêu phát triển xã hội đạt mức tiến bộ hơn so mức chung toàn tỉnh như 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ và đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99%...
Theo ông Phan Văn Thông, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Hương Thủy: “Nhờ khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của địa phương, nhất là huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đã tạo bước phát triển mạnh và toàn diện về mọi mặt. Trong đó có những mặt có tính đột phá nhất là công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng đô thị...”
Tập trung hoàn thiện hạ tầng đô thị
Trong định hướng phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015, thị xã Hương Thủy tập trung xây dựng phát triển đô thị, phấn đấu trở thành 1 trong những đô thị động lực, đô thị mới của tỉnh. Theo đó, Hương Thủy đang tập trung triển khai công tác quy hoạch (QH), từ QH chung, QH phân khu trung tâm, QH trung tâm hành chính đến QH 1 số khu đô thị mới, nhất là dọc tuyến đường Quang Trung. Đặc biệt là việc QH và xây dựng khu xử lý rác thải tại Phú Sơn (diện tích 40 ha) để góp phần giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp-hiện đại cho thị xã.
Đường Tân Trào trên địa bàn Phường Phú Bài được mở rộng khang trang.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến 2015 của thị xã Hương Thủy: GDP tăng bình quân hàng năm trên 18%; GDP bình quân đầu người đạt 61,98 triệu đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu 2.800-3.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 14.000 tỷ đồng. Xây dựng 70% trường đạt chuẩn Quốc gia. Giải quyết việc làm cho 1.000-1.200 lao động/năm. Tỷ lệ đô thị hóa 72%, xây dựng nông thôn mới từ 3-4 xã...
Để xây dựng Hương Thủy xứng tầm là đô thị vệ tinh của tỉnh, hiện, địa phương đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng CNH- HĐH và đô thị hóa để vừa phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chỉnh trang bộ mặt đô thị. Theo đó, nhiều công trình đã và sẽ được nâng cấp, xây dựng mới; đặc biệt là sân bay, khu công nghiệp, khu đô thị mới, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, bệnh viện... Đây được xem là nền tảng tạo động lực mới, thúc đẩy kinh tế xã hội cũng như diện mạo thị xã Hương Thủy phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, nhờ có sự đầu tư lớn của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, nên tốc độ đô thị hóa, nhất là ở phường Phú Bài, các phường dọc Quốc lộ 1A và ven thành phố Huế chuyển biến khá nhanh. Trong chiến lược phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, Hương Thủy được xác định là một trong những đô thị vệ tinh của TP Huế, đảm nhận vai trò giảm áp lực về dân số cho thành phố Huế để bảo tồn di tích, hỗ trợ các hoạt động kinh tế như công nghiệp, dịch vụ đô thị, sân bay, phát triển du lịch, nhà ở, đào tạo nghề… tạo điều kiện thúc đẩy các huyện phía Nam của tỉnh phát triển.
Ông Phan Văn Thông, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Hương Thủy cho biết thêm: “Để phát triển xứng tầm là đô thị vệ tinh trong tương lai, bên cạnh sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân thị xã, thì giải pháp quan trọng hiện nay là tập trung phát triển dịch vụ để tạo ra bước đột phá, đồng thời tiếp tục cùng với tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào công nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành khác phát triển”.
Liên Minh (BaoThuaThienHue)


Tin tức liên quan