Theo phân bố địa hình, Thừa Thiên Huế tồn tại 3 loại hình đô thị bao gồm: Đô thị đồng bằng, đô thị biển và đô thị trung du, miền núi. Cùng với phân bố theo địa hình, các chuỗi đô thị Thừa Thiên Huế còn được phân bố theo hai trục kinh tế động lực. Trục Bắc-Nam dọc Quốc lộ 1 và ven biển bao gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Huế, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Chân Mây, Lăng Cô. Trục Đông-Tây bao gồm Huế, Bình Điền, A Lưới; Huế, Phong Điền, A Lưới theo đường 71; Huế, Nam Đông, A Lưới theo đường 74.
Những kết quả bước đầu
Chuỗi đô thị đồng bằng được bố trí dọc theo QL1A; trong đó, Huế được công nhận là đô thị loại I, Hương Thủy được công nhận là thị xã và Tứ Hạ đã được công nhận là đô thị loại IV. Bộ mặt đô thị các trung tâm các huyện Phong Điền, Sịa, Phú Đa, Phú Lộc… cũng định hình rõ nét.
Thành phố Huế ngày mỗi văn minh, hiện đại
Thành phố Huế và một số khu đô thị khác nói chung đã và đang từng bước trở thành trung tâm du lịch, văn hoá; trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước và khu vực. Ngành du lịch, dịch vụ được tập trung đầu tư. Trên địa bàn đã có 5 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao và hàng trăm khách sạn nhà khách khác, với trên 5.000 buồng, phòng, tăng gấp 2 lần so với năm 2000; Bệnh viện Trung ương Huế, hình thành hơn 100 năm, đơn vị anh hùng lao động đang ngày một chuyên sâu hơn, với đội ngũ giáo sư, bác sỹ có trình độ chuyên môn cao; trang thiết bị hiện đại đã thực hiện thành công nhiều ca điều trị phức tạp. Bệnh viện Quốc tế và Bệnh viện phía Bắc của tỉnh đang được đầu tư xây dựng. Đại học Huế có bề dày hơn 50 năm, hiện có hơn 10 trường đào tạo đại học và sau đại học cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước. Các dịch vụ thương mại, bưu chính-viễn thông, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm… phát triển mạnh và thu hút nhiều nhà cung cấp có thương hiệu lớn.
Chuỗi đô thị biển đang thể hiện rõ ở Chân Mây-Lăng Cô và đô thị Thuận An. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện có 30 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 27,4 nghìn tỷ đồng. Một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD như: Khu du lịch Laguna 875 triệu USD, khu du lịch Bãi Chuối (Công ty Cattigara) 102 triệu USD... Thuận An cũng đang phát huy lợi thế của đô thị ven biển. Nhiều dự án du lịch cao cấp đã và đang được đầu tư vào Thuận An như: Khu resort Tam Giang của Công ty cổ phần Tin học Viễn thông Hải Phòng có diện tích 8 ha, với quy mô 70 phòng và hệ thống quán bar, dịch vụ vui chơi giải trí; resort của Công ty cổ phần dịch vụ Thuận An và nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng khác có quy mô, chức năng tương tự…
Chuỗi đô thị trung du, miền núi thể hiện rõ ở A Lưới, Bình Điền và Khe Tre, với thế mạnh về lâm nghiệp, công nghiệp thủy điện, xi măng… làm động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội. Các khu đô thị trung du, miền núi được lập quy hoạch; trong đó, đô thị A Lưới đã hoàn thành việc đặt tên đường, định hướng đầu tư hạ tầng, đưa A Lưới từ đô thị loại V lên loại IV và trở thành thị xã A Lưới trước năm 2020.
Đô thị sinh thái, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường
Kts Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Về quan điểm là phải khai thác, phát huy các nguồn tài nguyên nổi trội, đó là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên lịch sử- văn hóa- nhân văn- kiến trúc. Thành phố Thừa Thiên Huế sẽ được xây dựng, phát triển theo hướng là đô thị văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được dáng dấp của một thành phố Cố đô, mang hình ảnh đặc sắc của văn hóa Việt Nam- văn hoá Huế; là đô thị sinh thái cảnh quan, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Xây dựng thành phố Thừa Thiên Huế theo “Mô hình chùm đô thị, đa trung tâm”, bao gồm đô thị thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Khoảng xanh trong lòng đô thị
Vùng nông thôn sẽ là các vành đai nông nghiệp, các vành đai xanh, cảnh quan gắn kết các đô thị, góp phần cải thiện môi trường đô thị. Phát triển nhiều loại hình nông thôn- sinh thái- du lịch, nhất là ở vùng ven các đô thị. Quy hoạch, chỉnh trang các làng xóm theo hướng: xây dựng đường sá thoáng, kiên cố, có đầy đủ các hệ thống điện, nước; hình thức kiến trúc nhà ở, công trình công cộng hài hòa với phong cảnh đồng quê, chắc chắn, bền vững. Các điểm dân cư nông thôn được phân bố, phát triển gắn với các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; các cơ sở chế biến nông - lâm - thủy hải sản qui mô vừa và nhỏ; các trung tâm dịch vụ và hệ thống giao thông tiện lợi.
Kts Huỳnh Quang nhận định, việc xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn đang có thuận lợi về quỹ đất, nên cần có sự quy hoạch phát triển phù hợp. Đô thị mới phải là đô thị hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người. Theo ông Quang, không gian khu đô thị không chỉ để ở mà còn có những không gian khác cho cộng đồng như cây xanh, công viên, hồ nước, bể bơi. Cần lưu ý đến việc quy hoạch xây dựng nhà ở, công sở; không nên xây dựng nhà liền kề trong đô thị; kết cấu các công trình phải phù hợp với điều kiện khí hậu ở Huế, nhằm hạn chế tác hại của thời tiết để mỗi công trình nói riêng, khu đô thị nói chung lâu xuống cấp.
|
Mô hình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế sẽ theo hướng là một tổng thể đa trung tâm, bao gồm: thành phố Huế hiện nay và khu vực mở rộng bao gồm nội thị của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Thuận An và thị trấn Bình Điền là cụm đô thị động lực, sẽ phát triển thành nội thị của thành phố Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 230 km2.
Đô thị Chân Mây - Lăng Cô là đô thị vệ tinh, cực phát triển phía Nam cùng với cụm đô thị trung tâm trở thành vùng động lực chính, thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn tỉnh. Các đô thị Phong Điền, Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, Khe Tre, A Lưới, Điền Hải, An Lỗ, Thanh Hà, Vinh Thanh, Vinh Hiền, La Sơn, A Đớt, Hồng Vân… là những đô thị vệ tinh.
Kts Huỳnh Quang, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Thừa Thiên Huế cho rằng, vấn đề bố trí không gian đô thị, gắn với phát triển kinh tế xã hội của đô thị Thừa Thiên Huế đã được định hình rất rõ; cấu trúc đô thị đã rất cân đối, hợp lý. Thành phố Huế là trung tâm du lịch, y tế, giáo dục chuyên sâu. Hương Thủy ở phía Nam, Tứ Hạ ở phía Bắc, cùng với Phong Điền, Phú Lộc là những đô thị công nghiệp. Phía Đông thành phố Huế bao gồm Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Hưng, Thanh Hà, Sịa… là những đô thị biển, đầm phá, gắn liền với nghề đánh bắt, nuôi trông thủy hải sản. Phía Tây bao gồm Bình Điền, A Lưới, Khe Tre… là các đô thị trung du, đồi núi, với thế mạnh về lâm nghiệp, công nghiệp. Chân Mây là khu đô thị phục vụ cho công nghiệp và dịch vụ du lịch, gắn với Lăng Cô, Bạch Mã, Cảnh Dương… Điều quan trọng là, phải tìm ra tính chất đặc thù của từng đô thị, nhằm khai thác các thế mạnh của từng vùng, tạo ra nhiều của cải vật chất phục vụ cho đời sống đô thị và xây dựng đô thị ngày một phát triển bền vững….
Thừa Thiên Huế trong tương lai sẽ là một thành phố, hội đủ các đô thị đồng bằng, đô thị biển và đô thị trung du, miền núi; với nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp; và sẽ là một đô thị sinh thái, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường!
Đặng Thành (Baothuathienhue)