Tin tức

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Những “nút thắt” cần tháo gỡ

Ngày cập ngày: 28/01/2011 08:44 AM

Qua quản lý, giám sát các dự án (DA) sử dụng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn năm 2010 có nhiều khả quan hơn so với những năm trước. Nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân khoảng 70% kế hoạch, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khi nhìn vào tiến độ thực hiện, thanh, quyết toán nguồn vốn này, không khó để nhận thấy những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Không còn “vốn chờ công trình” hay “công trình chờ vốn”

Năm 2010 là năm có khá nhiều thuận lợi để tiến hành đẩy nhanh lộ trình xây dựng các công trình cơ bản. Tiếp tục thực hiện chính sách kích cầu của Chính phủ, đặc biệt là thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, nguồn vốn XDCB đầu tư trên địa bàn tỉnh ta tăng so với trước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn này theo kế hoạch gần 1.620 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 1.300 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các nguồn vốn. Nhờ vậy, nhiều công trình đảm bảo tiến độ, nhất là các công trình giao thông, du lịch và chỉnh trang đô thị phục vụ Festival 2010; công trình thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp học, ký túc xá sinh viên, bệnh viện tuyến huyện...

Thi công Thủy điện Hương Điền
Đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực và sử dụng vốn có hiệu quả; rà soát hỗ trợ các DN đẩy nhanh tiến độ các DA đầu tư; tháo gỡ vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh, quyết toán DA; rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế quản lý liên quan đến quản lý XDCB; đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát đầu tư XDCB. Đó là những giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011.
Theo Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế, tình hình quản lý đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm về trước. Phần lớn DA triển khai thuận lợi, tiến độ thi công công trình đạt và vượt kế hoạch; giải ngân vốn, nghiệm thu và quyết toán công trình tương đối kịp thời; tình trạng DA chậm thực hiện do nguyên nhân chủ quan giảm đáng kể.
Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư năm 2010 tương đối đảm bảo cho các DA triển khai theo đúng kế hoạch. Tuy có một số DA không được bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư, nhưng về cơ bản đa số DA vẫn được bố trí vốn ở mức đảm bảo nhu cầu tối đa cho khối lượng có thể thực hiện trong năm 2010; do đó không còn tình trạng “công trình chờ vốn” hoặc “vốn chờ công trình”.
Những “nút thắt” cần được tháo gỡ
Qua tiếp xúc với một số chủ đầu tư (CĐT) được biết, so với các năm trước, thủ tục hành chính không còn là nguyên nhân làm chậm tiến độ DA; tuy nhiên tiến độ một số công trình XDCB (kể cả công trình trọng điểm) vẫn còn chậm. Điển hình như DA khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải, DA hồ chứa nước Thủy Yên-Thủy Cam, DA thủy lợi Tây Nam Hương Trà, DA mở rộng cảng cá Thuận An... Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được bố trí chậm, thấp, trong khi tổng mức đầu tư của DA đã tăng nhiều, làm tăng nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương, kéo theo mất khả năng cân đối nguồn ngân sách tỉnh bố trí cho các DA này đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của DA. Các DA lớn tạo nguồn thu từ quỹ đất thực hiện còn chậm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB).
Năng lực một số CĐT và nhà thầu còn nhiều hạn chế, một số CĐT thiếu kiên quyết trong xử phạt vi phạm đối với nhà thầu. Một số DA thi công quá thời gian quy định; nguyên nhân chủ yếu do vướng về đền bù, GPMB và ngân sách tỉnh còn khó khăn; công tác lựa chọn nhà thầu một số gói thầu chưa chặt chẽ. Các văn bản hướng dẫn thực hiện của Nhà nước có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện DA. Sự phối hợp điều hành của một số ban, ngành cấp cơ sở, đặc biệt là sự phối hợp giữa hội đồng đền bù, GPMB các địa phương với CĐT còn thiếu đồng bộ. Đáng chú ý là vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình chậm được thanh toán, trong khi lãi vay ngân hàng tăng cao đang là khó khăn hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh...
Dự kiến nguồn vốn đầu tư XDCB năm 2011 do tỉnh trực tiếp quản lý, trong đó vốn ngân sách tập trung: 257 tỷ đồng; vốn cấp quyền sử dụng đất: 300 tỷ đồng; vốn hỗ trợ có mục tiêu: 325 tỷ đồng; nguồn vốn xổ số kiến thiết: 33 tỷ đồng; vốn sự nghiệp có tính chất XDCB: 32 tỷ đồng...
Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư XDCB năm 2011, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các DA chuyển tiếp và hoàn thành, như hạ tầng y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn; cấp nước cho nông thôn (vùng ven biển đầm phá, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ. Tiếp đến là các DA hạ tầng chỉnh trang đô thị Huế, các DA phục vụ cho việc nâng cấp lên đô thị loại IV thuộc huyện Hương Trà, thị xã Hương Thủy; một số DA chỉnh trang dọc trục QL1A thuộc hai huyện Phong Điền, Phú Lộc; các DA có tính chất kết nối các đô thị động lực và vệ tinh. Ngoài ra, vốn đối ứng cho các DA ODA; hạ tầng du lịch, dịch vụ; hạ tầng tái định cư phục vụ đền bù GPMB, tạo vốn từ quỹ đất. Được biết, các DA khởi công mới tập trung vào các nhóm DA chỉnh trang đô thị; hạ tầng nông nghiệp và nông thôn mới; hạ tầng tái định cư tạo vốn từ quỹ đất; các DA giáo dục, các thiết chế về văn hóa và phúc lợi xã hội; vốn đối ứng cho các DA ODA; các DA cấp bách thực hiện nhiệm vụ chính trị đột xuất của địa phương; các DA khắc phục lũ lụt và các DA tác động quan trọng đến sự phát triển KT-XH.
Theo các Sở Kế hoạch&Đầu tư, Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh, sẽ tiến hành điều chỉnh vốn đầu tư XDCB, theo nguyên tắc các DA chưa đủ thủ tục thi công, DA không có khối lượng thực hiện sẽ tiến hành điều chỉnh vốn để bố trí cho DA khác. Các cơ quan này sẽ rà soát tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh ngay vốn đầu tư của các DA không có khả năng giải ngân cho các DA có khối lượng hoàn thành nhưng chưa đủ vốn.
Bạch Quang (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan