Thành phố Chân Mây trong tâm tưởng, mà linh hồn là vịnh Lăng Cô – “nàng công chúa” ngủ quên đã được “đánh thức” cách đây gần chục năm, nhưng hiện vẫn còn trong tình trạng ngái ngủ…
Ngay cả việc mới đây, “công chúa” được câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) đưa vào danh sách các vịnh biển đẹp, và gần nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Phú Lộc đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là xây dựng nơi này thành một đô thị hiện đại, sinh thái, công nghệ cao với trung tâm là đô thị Chân Mây – Lăng Cô, thì hàm lượng của niềm hi vọng và chờ đợi phấp phỏng không còn nhiều như những tin vui trước đó…
“Chốn bồng lai tiên cảnh”
Ít người biết, vua Khải Định – vị vua thích du lịch nhất trong 13 vua triều Nguyễn- chính là người đầu tiên “phát hiện” ra khu nghỉ mát Lăng Cô, và “chốn bồng lai tiên cảnh” là chữ dùng của vua nói về bờ biển này khi lần đầu tiên ông đặt chân đến đây vào năm 1916, ngay sau khi lên ngôi. Vua Khải Định đã lệnh cho Bộ Công về Lăng Cô xây dựng một hành cung gọi là “Hành cung Tịnh Viêm” (làm dịu sự nóng nực) để nghỉ mát vào mùa hè. Sau đó gần 3 năm, trong một lần về “Hành cung Tịnh Viêm”, nhà vua tức cảnh sinh tình và đã viết một bài văn có giá trị cao về mặt văn học. Áng văn “ngự chế” này sau đó đã được khắc vào bia đá, dựng ở Lăng Cô để kỷ niệm, nay vẫn còn ở làng An Cư Đông.
Vua Khải Định viết: “…Ở đây, đất liền núi Phú (Phú Gia), bãi cát giăng ngang, nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía Nam giáp với Hải Vân quan, phía Bắc liền với cửa biển Cảnh Dương. Thôn yên đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng, bãi hạc đầm cò, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy những cụm mây kỳ ảo bay lên từ hang hốc như các tiên nữ đang múa ở non bồng, nhìn xuống nước thì gió trong xua sóng chạy, như muôn ngựa cùng chầu về trên biển…Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra…”.
Nhiều người ví Lăng Cô như một “nàng công chúa” ngủ quên suốt mấy trăm năm kể từ sau khi được vua Khải Định “phát hiện” vào năm 1916. Và công việc “đánh thức” “nàng công chúa” này được khởi động từ năm 2001, khi Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định thành lập khu kinh tế – thương mại Chân Mây – Lăng Cô, và đã quy hoạch để phát triển khu vực này từ những ngôi làng thuần nông thành một thành phố, chi ít cũng là loại 3 trong vòng 10 năm tới. Ông Nguyễn Văn Mễ – Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế thời điểm đó nhớ lại: “Đó là một quy hoạch có cơ sở bởi lúc đó hầm Hải Vân – cửa ngõ nối Lăng Cô với Đà Nẵng đã thông, cảng Chân Mây đang được xây dựng. Nhiệm vụ còn lại chỉ là việc làm sao đánh thức được tiềm năng của bờ biển Lăng Cô và tam giác vàng Lăng Cô – Cảnh Dương – Bạch Mã để phát triển du lịch, dịch vụ”.
Việc “đánh thức” Lăng Cô được khởi động ráo riết bằng việc quảng bá tiềm năng, ra những quyết sách ưu đãi và các cuộc kêu gọi đầu tư trong, ngoài nước. Tuy vậy sau gần 10 năm “đánh thức” với ba đời chủ tịch tỉnh, hình hài của một thành phố Chân Mây – Lăng Cô như quy hoạch vẫn còn nằm đâu đó trong tâm tưởng. Sự thay đổi có chăng là về mặt hạ tầng khi trung bình mỗi năm, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ưu tiên trên dưới 200 tỷ đồng để xây dựng mới và mở rộng hàng loạt tuyến đường, xây dựng hạ tầng cho các khu đô thị mới…
Bao giờ hết thôi mơ?
Và khi khái niệm “thành phố Chân Mây” ngày một “mờ” đi trong tâm tưởng của người dân để dành chỗ cho hàng trăm, hàng ngàn bộn bề lo toan khác của cuộc sống đời thường thì cuối năm 2008, câu chuyện thành phố lại được hâm nóng bằng quyết định phê duyệt quy hoạch Chân Mây – Lăng Cô trở thành một thành phố phát triển – thành phố xanh – thân thiện với môi trường mang tầm khu vực của Thủ tướng Chính phủ. Lần quy hoạch này, hình hài của thành phố Chân Mây đã rõ ràng hơn với những mảng màu xanh rất lý tưởng và đầy hi vọng. Đó là một khu công viên cây xanh rộng 198ha nằm dọc các triền sông. Hơn 32km bờ biển của vịnh Lăng Cô kéo dài từ vịnh Chân Mây đến bán đảo Sơn Chà, kể thêm các bãi biển Cảnh Dương, Tư Hiền, Cù Dù… với tổng diện tích hơn 2000ha, sẽ chỉ dành riêng cho các khu du lịch sinh thái.
Đầu tháng 12.2010, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Phú Lộc đến năm 2020 với mục tiêu đầu tư phát triển Phú Lộc trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái, công nghệ cao với trung tâm là đô thị Chân Mây – Lăng Cô. Cụ thể hơn, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô sẽ được tập trung đầu tư xây dựng thành một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển mang tầm cỡ khu vực, quốc tế. Ưu tiên phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Từng bước mở rộng cảng Chân Mây đáp ứng nhu cầu xuất – nhập khẩu hàng hoá và vận tải hàng hải quốc tế.
Đó là một tín hiệu vui, nhưng hàm lượng của niềm hi vọng và chờ đợi phấp phỏng không còn nhiều như những tin vui trước đó do giữa khát vọng của chính quyền và thực tế diễn ra có một khoảng cách quá lớn. Lấy ví dụ báo cáo mới nhất cho thấy, tính đến 31.10.2010, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 36 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng (phần lớn là dự án du lịch). Tuy nhiên trong số đó, đến thời điểm này chỉ có khoảng 2/3 dự án được khởi công xây dựng. Và cũng chỉ trên dưới 10 dự án khởi công và xây dựng thật, còn lại là… khởi công rồi để đó. “Có nhiều nhà đầu tư đổ lý do không triển khai được dự án là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhưng nói thật là cũng có rất nhiều nhà đầu tư do năng lực tài chính yếu nên đến đây để chiếm đất xí phần” – một lãnh đạo huyện Phú Lộc thừa nhận.
Và hệ luỵ kéo theo của việc các nhà đầu tư không đầu tư thật như đã nói đã gây rất nhiều khó khăn, xáo trộn cho địa phương về vấn đề việc làm, dân sinh, tái định cư, đền bù… bởi trên toàn huyện có hơn 3000 hộ dân bị ảnh hưởng, hơn 300 hộ dân phải di dời đến nơi ở khác để dành mặt bằng cho các dự án. Rồi hiện có rất nhiều nhà đầu tư đến xin đầu tư, nhưng huyện đã không còn đất ở các vị trí đẹp, trong khi nhiều nhà đầu tư chiếm đất ở các vị trí đẹp lại kéo dài không triển khai. Hay mơ ước 10 năm nữa là một “trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển mang tầm cỡ khu vực, quốc tế”, nhưng hiện ngành dịch vụ, du lịch vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng khi mỗi năm chỉ đóng góp vào ngân sách của huyện chưa tới 30% do dịch vụ hoạt động manh mún, chưa có nhiều đối tượng tham gia, khách du lịch ít (một năm có khoảng 250 ngàn lượt khách, trong đó chỉ vài chục ngàn khách lưu trú).
Điểm sáng nhất của thành phố Chân Mây là cảng Chân Mây sau gần 10 năm hoạt động đã bị quá tải, hàng hoá ứ đọng. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã “xin” Chính phủ “cho” lại cảng (trước đó chuyển giao cho Vinashin từ 2007) để đầu tư mở rộng thêm cầu cảng số 2. Nhưng với thực tế chỉ chủ yếu xuất các mặt hàng dăm gỗ, cát trắng, ti tan… tại địa phương và than, clinker, xi măng, gỗ long, muối của các doanh nghiệp trong nước…như lâu nay và cao điểm như năm 2010 cũng chỉ đón 21 lượt tàu du lịch quốc tế, với tổng lượt khách và thuỷ thủ đoàn là 25.000 người, thì giấc mơ biến Chân Mây trở thành một “trung tâm giao thương quốc tế lớn” cũng là chuyện… đến 10 năm nữa sẽ luận định tiếp!
Tường Minh (LĐO)