Tin tức

Tầm nhìn mới về phát triển vùng kinh tế Tam Giang – Cầu Hai

Tầm nhìn mới về phát triển vùng kinh tế Tam Giang – Cầu Hai

Cập nhật lúc 09:39 | 29/01/2011 (GMT+7)

Không đâu có một hệ thống đầm phá rộng lớn, phong phú, đa dạng về nguồn lợi thủy sản như ở Thừa Thiên Huế. Hơn 22 nghìn hecta, trải dài từ huyện Phong Điền về tận Phú Lộc. Ngoài phá là bờ biển với hơn 126km. Biển và đầm phá là một lợi thế lớn của Thừa Thiên Huế.

Đầm Cầu Hai nhìn từ máy bay
Đầm Cầu Hai nhìn từ máy bay
Số liệu điều tra cho thấy, vùng biển Thừa Thiên Huế có hơn 500 loại cá và các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, năng suất khai thác hợp lý là 40.000-50.000 tấn/năm. Đó là chưa kể đến 20km vùng núi đá ven biển Lăng Cô đến đảo Sơn Chà tạo thành vùng biển đa dạng sinh học, thuận tiện cho việc bảo tồn, phát triển các loài thủy sản quý.

Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế tập trung đầu tư cho sự phát triển kinh tế biển, đã giành được những thành tựu đáng kể. Số lượng tàu tham gia khai thác thủy sản tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, các đội tàu khai thác xa bờ được trang bị đồng bộ góp phần nâng cao sản lượng khai thác biển; mở rộng ngư trường đánh bắt. Huyện Phú Vang có chuyển động mạnh trong đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu thủy sản phát triển.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TV của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển và đầm phá đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, Thừa Thiên Huế đã giành được nhiều kết quả khả quan. Bảy chương trình kinh tế trọng điểm: Phát triển khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Phát triển du lịch ven biển đầm phá; Đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; Bảo tồn, bảo vệ môi trường biển và đầm phá; Tái định cư và xóa đói, giảm nghèo dân thủy diện ven biển và những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai; Sắp xếp nò sáo và chuyển nghề trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; Phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là thủy lợi, đê điều… đã đi vào cuộc sống của người dân. Diện mạo nông thôn vùng biển và vùng đầm phá khởi sắc rất rõ khi đời sống của người dân ngày càng ổn định, hộ giàu có tăng nhanh, trường học, trạm xá… được xây mới; nhiều loại hình dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh cả về mặt vật chất và tinh thần ở vùng quê ven phá này đã thay da đổi thịt.

Thực tế ấy chứng minh cho tư duy mới, tầm nhìn toàn diện về phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đề ra. Nhìn lại 5 năm về trước, khi qua Tam Giang-Cầu Hai, về bên kia các xã vùng ven biển, đời sống của cư dân vẫn còn tạm bợ lắm, đường đi lối lại còn khó khăn, bức tranh kinh tế chưa rõ nét. Những năm thập niên 1980, tư duy kinh tế biển và đầm phá còn nằm trong thế cứng, hướng mục tiêu vào khai thác hải sản trên biển, thu gom thủy sản trên phá Tam Giang bởi những nghề truyền thống, hiệu quả không cao. Thập niên 1990, tầm nhìn về kinh tế biển và đầm phá có mở ra nhưng cũng mới dừng lại ở kế hoạch lấn phá nuôi tôm mà chủ yếu là nuôi tôm sú. Đến lúc phong trào nuôi tôm sú bành trướng theo hướng tự phát trong dân, vấn đề nảy sinh là ô nhiễm môi trường vùng đầm phá. Tôm dịch bệnh chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi tôm trắng tay. Bài học thực tiễn ấy được Tỉnh ủy tổng kết, thảo luận xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tổng hợp cho vùng kinh tế Tam Giang – Cầu Hai. Không chỉ loay hoay chuyện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản mà kinh tế biển được hiểu và hành động mở hơn. Vùng ven biển và đầm phá trong cái nhìn toàn diện cả nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng CNH, HĐH hướng đến xây dựng nông thôn mới, đột phá vào khai thác tiềm năng về du lịch, dịch vụ, thương mại tổng hợp. Khâu đột phá ấy bắt đầu từ việc xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng đầm phá ven biển hiện ra mạnh mẽ, có tính đột phá. Sau 2 nhiệm kỳ, Đảng bộ và nhân dân dồn tâm sức khánh thành nhiều cây cầu nối thông các vùng, băng qua Tam Giang như cầu Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền, Thảo Long, Ca Cút…, Quốc lộ 49B, các đường ngang, hệ thống giao thông liên huyện, xã được xây dựng khá đồng bộ…

Song hành với đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch biển và đầm phá cũng được tỉnh quan tâm khai thác. Ngoài Lăng Cô trở thành vịnh biển đẹp nhất của Thế giới, tỉnh chú ý xây dựng, quảng bá các bãi biển khác như: Cảnh Dương, Thuận An, Chân Mây… kết nối nó như một thương hiệu du lịch sinh thái ven đầm phá, biển cả. Du lịch biển cao cấp đã hiện hữu ở Chân Mây-Lăng Cô, du lịch sinh thái biển hoang sơ đã kéo dài từ Phong Hải đến Cảnh Dương. Khách du lịch bắt đầu muốn khám phá du lịch sinh thái rú Chá, đảo Sơn Chà, sóng nước Tam Giang…

Tầm nhìn mới về vùng kinh tế Tam Giang – Cầu Hai được khẳng định là hệ thống đầm phá đẹp, liên hoàn. Trên phá Tam Giang có các đầm Sam, Thủy Tú, Hà Trung, Cầu Hai được đánh giá là vùng ven biển nhiệt đới, thuận lợi cho việc khai thác du lịch sinh thái. Nó kéo dài 70km, phong phú về động thực vật lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tiềm năng ấy không chỉ giữ vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Thừa Thiên Huế mà còn đóng vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Kinh tế biển phát triển trong tầm nhìn mới là điều đáng phấn khởi để các cấp, các ngành tập trung đầu tư khai thác. Thế nhưng, trước mắt nhiều vấn đề đặt ra, nhiều phần việc còn phải làm khi mà đô thị hóa đang mở ra, khi du lịch biển phát triển thì tác động của nó đến môi trường là vấn đề phải được tính đến. Khai thác thủy sản quá mức, sử dụng phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt, nuôi trồng thủy sản tự phát… là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường sống và gây bất ổn trong đời sống của người dân. Gần đây, nạn thủy tặc hoành hành chưa có biện pháp mạnh để xử lý, đang là mối lo cho người dân ven biển và đầm phá.

Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đã đi vào cuộc sống. Để biến Nghị quyết thành hành động cụ thể, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, dồn tâm sức cho kinh tế biển và đầm phá trong tầm nhìn cao hơn, xa hơn. Trong đó, đáng chú ý là tập trung khai thác thật tốt dịch vụ-du lịch đầm phá và ven biển. Một số cơ sở du lịch hiện nay ven đầm phá và biển có quy mô nhỏ, dịch vụ nghèo nàn, chưa có sự gắn kết, chưa có sự quy hoạch hợp lý, chưa kêu gọi được các nhà đầu tư lớn. Khai thác thế mạnh du lịch-dịch vụ biển và vùng đầm phá là bước đột phá của Thừa Thiên Huế trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Những năm rồi chúng ta có làm nhưng hình như chỉ mới làm dưới dạng quảng bá, khai trương trong các dịp lễ chứ chưa có một dự án hoàn chỉnh để mời gọi hợp tác đầu tư. Sóng nước Tam Giang, Lăng Cô huyền thoại biển, Thuận An biển gọi… nghe thì rất kêu, lãng mạn, hoành tráng, nhưng sau lễ thì chưa thấy hội đến.

Tất nhiên, khai thác tốt tiềm năng du lịch biển, đầm phá là rất khó. Khó nhất là ý tưởng và nguồn vốn. Cho nên, các ngành, các cấp cần đổi mới tư duy, tập trung cho việc đa dạng hóa các hình thức huy động và tạo vốn, có biện pháp khuyến khích nhân dân và các doanh nghiệp bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh.
Quảng bá thế mạnh về kinh tế biển,đầm phá bằng dự án cụ thể nhằm kêu gọi đầu tư là ý kiến của các chuyên gia kinh tế. Qua dự án, các nhà đầu tư hình dung rõ hơn, tính thuyết phục cao hơn và tính hiệu quả hiện ra kích thích nhà đầu tư “bung” vốn kinh doanh hoặc hợp tác liên kết đầu tư.

Kinh tế biển và đầm phá đang là bức tranh vừa hiện thực, vừa lãng mạn. Hãy chung sức làm cho bức tranh ấy lan lỏa khắp nơi.

Chiến Hữu (Baothuathienhue)

Tin tức liên quan