Năm 2010 mặc dù tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn và biến động song kinh tế TT Huế vẫn tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%, cao hơn năm 2009 1,3%. Nhờ sự tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đã vượt kế hoạch đề ra, đưa TT Huế chính thức gia nhập câu lạc bộ những tỉnh thành phố thu 3.000 tỷ.
|
Thu ngân sách cao giúp Thừa Thiên Huế đầu tư cho phát triển |
Năm 2010, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh TT Huế đạt 3.010 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 2.647 tỷ đồng, tăng 21,9%, thu thuế xuất nhập khẩu 150 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2009. 2 lĩnh vực đang được TT Huế tập trung phát triển mạnh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế là dịch vụ và công nghiệp đều có sự tăng trưởng khá. Năm 2010, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch có quy mô lớn, đặc biệt là thành công của Festival 2010 đã giúp ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng. Lượng khách du lịch đến Huế cả năm là gần 1,5 triệu, trong đó khách quốc tế hơn 612 nghìn lượt. Doanh thu của ngành du lịch đạt mức 917 tỷ đồng. Hoạt động thương mại cũng khá sôi nổi với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 14.670 tỷ đồng, tăng 32,7%. Ngành công nghiệp xây dựng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định dù ở trong điều kiện điện, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp trong năm đạt 7.100 tỷ đồng tăng hơn năm 2009: 25,5%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt hơn 248 triệu USD, tăng đến 70,6% so với năm 2009. Chính tác động của các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đã làm tăng nguồn thu ngân sách, và nguồn thu tăng thể hiện rõ sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong cơ cấu nguồn thu của năm nay, thu từ lực lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù giảm 7,8%, song vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng hơn 852 tỷ đồng. Số thu trong khu vực này chủ yếu tập trung vào công ty Bia Huế, năm 2010, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng bia giảm từ 75% xuống còn 45%, song nhờ sản lượng tiêu thụ tăng nên công ty vẫn nộp 740,5 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng nguồn thu ngân sách của địa phương. Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước trung ương và địa phương năm nay có giảm, những vẫn gần 277 tỷ đồng. Trong lực lượng doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách, phần lớn đều là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp tiếp tục đi đúng hướng, và đang phát huy hiệu quả.
Thu từ khu vực ngoài quốc doanh năm 2010 đạt hơn 318 tỷ đồng, tăng 26,2%. Một số thu khá cao trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Điều này cũng thể hiện sự bức phá đi lên của lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời cũng cho thấy công tác chống thất thu ngân sách của tỉnh TT Huế ngày càng có hiệu quả.
Để bước chân vào con số 3.000 tỷ trong năm 2010, có rất nhiều yếu tố tác động, song nhìn chung đó là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lâu dài cho hạ tầng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, thu hút đầu tư và việc phát triển, khai thác có hiệu quả những nguồn lực mới. sự phát triển kinh tế xã hội trên bình diện cả nước nói chung và TT Huế nói riêng đã bắt đầu có những khởi sắc mới, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là sau khi tỉnh triển khai các chương trình kinh tế trọng điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo bước đột phá trong quá trình xây dựng TT Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Một yếu tố quan trọng khác là những doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất trong ngành công nghiệp của tỉnh đã có sự đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh phát triển thị trường, như việc đưa vào vận hành dây chuyền 2 nâng công suất lên 160 triệu lít của nhà máy bia Phú Bài, Luks xi măng, một số nhà máy thủy điện đi vào hoạt động…
Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2010 và các năm trước, năm 2011, TT Huế phấn đấu thu ngân sách đạt từ 3.300 đến 3.500 tỷ đồng, tăng từ 10-16%. Để đạt được con số này, cần phải thực hiện một hệ thống các giải pháp KT-XH tổng hợp.
Ngân sách Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội, đây là công cụ điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế xã hội, định hướng phát triển sản xuất, điều tiết thị trường, bình ổn giá cả, điều chỉnh đời sống xã hội. Đánh giá kết quả thu ngân sách từ năm 2006-2010, tỉnh ta đều có mức tăng thu bình quân hàng năm khá và ổn định trên 20%. So với năm 2006, thì đến năm 2010 thu ngân sách đã tăng hơn 2,3 lần. thấy TT Huế có những tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế, và những tiềm năng này đang được khai thác một cách hiệu quả, tạo những động lực lớn mang tính đột phá trong quá trình phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Con số 3.010 tỷ của năm 2010 là tiền đề để TT Huế tiếp tục xây dựng chỉ tiêu đến năm 2015 thu ngân sách đạt khoảng 6000-6.500 tỷ đồng, tạo cơ sở quan trọng cho nền kinh tế trong quá trình phát triển, sớm đưa TT Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
NGỌC HUY (TRT)