Tin tức

Xuất khẩu 2011: Đòn bẩy từ chất lượng

Xuất khẩu 2011: Đòn bẩy từ chất lượng

Ngày cập ngày: 05/02/2011 06:54 AM

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong câu lạc bộ tỷ USD đã tới ngưỡng nên việc nâng cao chất lượng, giảm dần số lượng sẽ làm đòn bảy nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2011.

Kim ngạch xuất khẩu dự báo tăng trên 10%

“Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011, dự kiến sẽ đạt khoảng 78 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 38 tỷ USD, chiếm khoảng 48,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13 % so với năm 2010.  Thủy sản dự kiến kim ngạch đạt khoảng 6 tỷ USD; lượng gạo xuất khẩu 6,5 triệu tấn; cà phê 1,1 triệu tấn, cao su 800.000 tấn...”- Trong cuộc trò chuyện ngày đầu xuân mới Tân Mão 2011 về tình hình xuất nhập khẩu năm qua và những kế hoạch cho năm tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết.

Theo Thứ trưởng: “Đón năm 2011, hoạt động xuất nhập khẩu có những thuận lợi như sự phục hồi của kinh tế thế giới đặc biệt là của các thị trường xuất khẩu truyền thống đang tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng với việc triển khai tích cực của các Bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu như đã từng bước phát huy tác dụng. Nhờ đó, nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây tăng mạnh (lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, sản phẩm cơ khí…)”.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho rằng, hoạt động xuất - nhập khẩu năm 2011 cũng sẽ gặp một số khó khăn, thách thức do xu thế toàn cầu hoá và hội nhập. Trong đó, “có những khó khăn nhìn thấy như cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới; bảo hộ thương mại ngày càng nhiều và phức tạp. Ví dụ, các nước phát triển như Mỹ, EU sẽ đưa ra những chính sách ưu ái các công ty trong nước và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của nước ngoài. Việc các nước nhập khẩu bắt đầu áp dụng các rào cản thương mại và các quy định mới sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thêm nữa, năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Ngoài ra, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là mặt hàng dầu thô; tình trạng thiếu lao động phổ thông cho một số lĩnh vực sản xuất như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn tiếp diễn; tình trạng thiếu điện... sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn không ít. Thiên tai và dịch bệnh sẽ tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống.

Gia tăng giá trị các mặt hàng xuất khẩu

Theo Bộ Công thương, trong năm 2010, nhóm mặt hàng hạn chế xuất khẩu như: khoáng sản, dầu thô… đã giảm trên 8,5% về giá trị so với cùng kỳ và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong câu lạc bộ tỷ USD như: gạo, cà phê, thủy sản… đã tới ngưỡng nên việc nâng cao chất lượng, giảm dần số lượng sẽ làm đòn bẩy nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2011.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 tăng hơn 16,6% so với năm 2009 nhưng do cách đặt mục tiêu xuất khẩu năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước nên dễ bị nhà nhập khẩu ép giá. Bởi vậy,  từ giai đoạn 2011-2015 sẽ phải thay thế lại cơ cấu xuất khẩu đó là xuất khẩu sẽ theo hướng xuất được nhiều tiền hơn nhưng sản lượng sẽ giảm xuống.

“Thời kỳ xuất tấn, xuất tỷ đã qua rồi, giờ phải chú trọng đến lợi nhuận”- ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam chia sẻ: “Từ trước đến nay xuất khẩu gỗ chỉ bán theo giá FOB, tức là hàng hóa của chúng ta được đưa lên tàu là hết trách nhiệm nên lợi nhuận cũng vì thế mà đạt rất thấp. Nhưng từ năm 2011, Hiệp hội sẽ thí điểm bán theo giá CIF để các doanh nghiệp trong nước phải chủ động làm nhiều dịch vụ hơn, qua đó sẽ tăng được lợi nhuận từ việc xuất khẩu này, tiến tới chỉ bán theo giá CIF”.
“Chúng ta thà lùi về chiến lược để có những bước đi chiến thuật còn hơn lúc nào cũng chịu thiệt” - ông Quyền kiến nghị.

Để giải bài toán này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, đối với xuất khẩu, Bộ Công Thương đã đề ra 5 giải pháp trọng điểm trong ngắn hạn. Trong đó, sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương triển khai các biện pháp về đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Phấn đấu nhập siêu hàng hoá năm 2011 không vượt quá 18% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh: “Cải thiện cán cân thương mại là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường tiềm năng, thị trường có nhu cầu hàng hóa phù hợp với hàng hóa do Việt Nam sản xuất; tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, các thị trường có hiệp định mậu dịch tư do đồng thời phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á - Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh.


Gạo - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - ảnh từ internet

Tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định thương mại song phương (FTA), nhất là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường rộng lớn này; gắn thị trường xuất khẩu với thị trường nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn nhằm giảm nhập siêu của cả nước.

Đặc biệt đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.

Phát triển công nghiệp với giá trị gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ là khâu trung tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta. Và phần công việc không kém phần khó khăn, phải đảm bảo ổn định nhập khẩu có kiểm soát các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đưa ra các biện pháp chặt chẽ kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, giảm dần nhập siêu”.

Tập trung nâng cao công tác dự báo về sản xuất, thị trường… làm cơ sở cho việc chỉ đạo phát triển sản xuất, xuất khẩu, nghiên cứu đánh giá khó khăn cho từng mặt hàng, từng thị trường để có biện pháp hợp lý, tháo gỡ kho khăn cho từng đối tượng tham gia hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Bộ cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính, tiền tệ để giảm lãi suất trong quý I năm 2011 xuống mức hợp lý, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Theo VOV


Tin tức liên quan