Chân Mây - Lăng Cô: Gần và... xa
Ngày cập ngày: 05/02/2011 17:27 PM
Ngổn ngang và sôi động. Đó là cảm giác chung của chúng tôi mỗi lần có dịp về Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (KKT CM-LC). Với hàng chục dự án (DA) hạ tầng và hàng loạt DA kinh tế lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang triển khai xây dựng, KKT CM-LC đang đổi thay từng ngày.
Tương lai không xa, khi nhiều DA lớn, đặc biệt là khu du lịch Laguna Huế đi vào hoạt động, CM-LC sẽ là một “thiên đường du lịch” bên cạnh sự phát triển của khu công nghiệp, cảng biển và khu đô thị mới Chân Mây... góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ra đời theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05-01-2006 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay KKT CM-LC bước qua tuổi thứ 5. Khoảng thời gian 5 năm quả là chưa dài đối với sự hình thành và phát triển của một KKT. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, sự nhập cuộc của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế... những năm qua KKT CM-LC đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận...
Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch và hạ tầng
“Hơn 3 năm trở lại đây, KKT CM-LC đã trở thành điểm hẹn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong năm 2010, KKT CM-LC đã cấp mới 2 giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký 110 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn 1 DA với vốn đăng ký tăng 5.100 tỷ đồng; nâng tổng DA đăng ký đầu tư trên địa bàn lên 35 DA án với tổng vốn đăng ký hơn 32.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD; trong đó có 11 DA FDI với tổng vốn đầu tư 1,352 triệu USD, 24 DA trong nước với tổng vốn đăng ký 10.395 tỷ đồng.
|
Được xác định là vùng kinh tế động lực, là một cực phát triển của Thừa Thiên Huế trên hành trình hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương, liên tục trong nhiều năm qua, nhiệm vụ phát triển KKT CM-LC là một trong các chương trình trọng điểm của tỉnh. Theo đó, việc hoàn thiện quy hoạch (QH) và đầu tư hạ tầng cơ sở được xem là yếu tố quan trọng cho sự phát triển lâu dài và đúng hướng của KKT.
Tiếp sau QH chung KKT CM-LC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng với các QH chi tiết thị trấn Lăng Cô và làng chài, khu du lịch Laguna Huế, khu công nghiệp (KCN) và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây... năm 2010, BQL KKT đã tập trung hoàn thành các DA QH quan trọng như: QH chi tiết Cảng Chân Mây, xây dựng QH khu đô thị mới Chân Mây, khu vực ven đường Tây đầm Lập An... Ngoài ra, BQL KKT CM-LC đang triển khai lập DA đê chắn sóng cảng Chân Mây, DA hệ thống xử lý nước thải KCN và khu phi thuế quan...
Song song với công tác quy hoạch, việc thu hút và tập trung các nguồn lực đầu tư từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng KKT được đặc biệt quan tâm, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai DA. Năm qua, BQL KKT CM đã tập trung việc đầu tư xây dựng các trục giao thông chính: đường nối Quốc lộ 1 A vào Cảng Chân Mây, đường ven sông Bù Lu, đường ven sông Thừa Lưu, đường dưới chân đèo Phú Gia, đường nối khu đô thị mới với khu CN, đường ngoài KCN số 1... Tại CM-LC, ngoài các tuyến giao thông đang được tập trung thi công, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu cũng được xây dựng; trong đó, có Nghĩa trang nhân dân Chân Mây và các khu tái định cư Lập An, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến với diện tích khoảng 90ha, có khả năng tái định cư cho khoảng 2.000 hộ dân. Đến nay, đã hoàn chỉnh 440 lô bố trí tái định cư 94 lô... đồng thời hoàn thành công tác giải phóng 748 ha và tiến hành hỗ trợ tái định cư và ổn định cuộc sống cho người dân trong diện đền bù, thu hồi đất phục vụ nhu cầu phát triển của KKT... Ngoài ra, BQL KKT CM-LC đã lập danh mục DA đăng ký vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các DA hạ tầng quan trọng với tổng vốn 3.700 tỷ đồng; lập đề án kêu gọi vốn ODA đầu tư đê chắn sóng cảng Chân Mây; DA hệ thống xử lý nước thải KCN và khu phi thuế quan...
Theo BQL KKT CM-LC, năm 2010 có 28 DA được triển khai tại KKT; trong đó có 12 DA giao thông, 4 DA xây dựng khu tái định cư, 3 DA qui hoạch, 3 DA chuẩn bị đầu tư và 6 DA khác. Vốn bố trí cho các DA này là 106 tỷ đồng và đã giải ngân vào cuối năm đạt 100%.
“Điểm hẹn” của các nhà đầu tư
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước chưa thật sự hồi phục, năm 2010, hoạt động đầu tư dường như có bị chững lại. Tuy nhiên với Thừa Thiên Huế và KKT CM-LC nói riêng, hoạt động đầu tư vẫn diễn ra sôi động. Con số tổng mức đầu tư toàn tỉnh 9.200 tỷ đồng trên kế hoạch vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng, tăng 24,3% so năm 2009 cho thấy rõ điều đó. Cũng theo số liệu của UBND tỉnh, năm 2010, tổng vốn đầu tư trên địa bàn KKT CM-LC ước đạt 1.177 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng đầu tư toàn xã hội của tỉnh; trong đó các công trình đầu tư từ ngân sách Nhà nước ước đạt 314 tỷ đồng.
“Xây dựng và phát triển KKT, đô thị CM-LC tiếp tục là một trong các chương trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2011. Mục tiêu năm 2011 của chương trình này là từng bước hoàn thành các khu chức năng theo quy hoạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KKT. Phấn đấu tổng vốn đầu tư huy động 3.500 – 4.000 tỷ đồng... Theo đó, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch đô thị và quản lý QH. Về hạ tầng chung: hoàn thành đường ra cảng Chân Mây, đường trung tâm đô thị chân Mây, các khu tái định cư... Xúc tiến chuẩn bị đầu tư đê chắn sóng, Bến số 2 cảng Chân Mây. Hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện GĐ 1 KCN, khu phi thuế quan Sài Gòn- Chân Mây; hoàn thành xây dựng DA mở rộng kho cảng xăng dầu Chân Mây, cơ bản hoàn thành GĐ 1 DA Khu du lịch Laguna Huế, khởi công khu du lịch Bãi Chuối và một số DA nghỉ dưỡng dọc biển Lăng Cô...
|
Trong năm qua, BQL KKT CM-LC đã cấp mới và cấp bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 10 DN, nâng tổng số DN hoạt động trên địa bàn lên 79 DN với tổng vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng. Tổng số lao động tại các DN trên 1.230 người; trong đó có 10 lao động nước ngoài. Qua theo dõi, các DA đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT đã khẳng định những hiệu quả. Sự ra đời và hoạt động ổn định của các DN trên các lĩnh vực không chỉ tạo sự sôi động cho KKT và cảng Chân Mây nói riêng, mà còn góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp... Bên cạnh các DA đã đi vào hoạt động, nhiều DA được cấp phép cũng đang triển khai đầu tư xây dựng; đặc biệt là 3 DA lớn: Khu du lịch Laguna Huế, xây dựng hạ tầng KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây và mở rộng kho cảng xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, năm qua Tập đoàn Banyan Tree của Singapore đã tập trung triển khai đầu tư xây dựng Khu nghỉ mát Angsana. Dự kiến giai đoạn I của DA sẽ đi vào hoạt động vào năm 2012 với tổng giá trị đầu tư khoảng 200 triệu USD. DA đầu tư xây dựng hạ tầng KCN và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây của Công ty CP Đầu tư Huế - Sài Gòn cũng đang triển khai xây dựng và hoàn thiện khu nhà xưởng, văn phòng xây sẵn rộng 100.000m2. Tổng công ty Dầu Việt Nam đã khởi công xây dựng cảng cứng nhập xăng dầu cho tàu 30.000DWT và mở rộng kho cảng lên 50.000m2. Nhiều DA khác cũng từng bước triển khai đầu tư xây dựng... Hy vọng các DA trên; đặc biệt là Khu du lịch Laguana Huế sau khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra sự đột phá cho KKT CM-LC.
Hoàng Thành (Baothuathienhue)