Bao giờ lãi suất giảm?
Ngày cập ngày: 10/02/2011 07:38 PM
Hiện nay, lãi suất mà các doanh nghiệp đang vay nằm trong khoảng 17% - 18%/năm. Và theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là mức cao so với khả năng chịu đựng của họ.
Ông Kiêm cho rằng, hết quý 1/2011, lãi suất cho vay sẽ giảm xuống 15%/năm.
Niềm tin có căn cứ
Có mấy lý do sau để ông Kiêm đưa ra nhận định trên. Thứ nhất, cơ sở tính lãi suất bao giờ cũng là lạm phát, trong khi thông lệ, hết quý 1 hàng năm, lạm phát bao giờ cũng giảm. Khi lạm phát đang cao thì không bao giờ lãi suất hạ xuống được, còn khi lạm phát giảm thì lãi suất đương nhiên hạ theo.
Thứ hai, trong dịp Tết Nguyên đán, nguồn tiền doanh nghiệp thu về sau bán hàng được gửi vào ngân hàng nhiều hơn. Điều này có tác dụng trước hết là tạo thanh khoản tốt cho hệ thống ngân hàng thương mại, nhờ đó, chi phí vốn của ngân hàng thương mại sẽ giảm và tác động đến giảm lãi suất. Khi lãi suất giảm, sản xuất được phục hồi, hàng hóa dồi dào và giải quyết được căng thẳng của quan hệ tiền hàng.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietBank nói, nhu cầu thanh khoản chỉ dồn vào thời điểm trước Tết, còn sau Tết thì nhu cầu này không dồn nhập, căng thẳng như trước đó nên lãi suất sẽ giảm theo. Theo ông, gần như thành mùa vụ, thời điểm trước Tết Âm lịch, nhu cầu chốt khoản giải ngân dự án, chạy kế hoạch, trả nợ, trả lương của các doanh nghiệp rất gấp gáp nên sẵn sàng chấp nhận lãi suất mức cao. Trong đợt sốt lãi suất vừa qua, có doanh nghiệp phải vay với lãi suất tới 23% - 25%/năm.
Tiếp đó, vào những tháng giáp Tết do nhu cầu hàng hóa cao bên cạnh một lượng hàng hóa khá lớn được đưa vào dự trữ, làm cho yếu tố “cầu kéo” căng thẳng hơn và điều này cũng tác động tiêu cực đến kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, những yếu tố này gần như cân bằng, vì thế, áp lực lạm phát sẽ giảm đi.
Ông Hưởng phân tích thêm, lãi suất cao trong mấy năm gần đây còn do một vấn đề khác là “tâm lý đẩy”. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại nhân đà “té nước theo mưa”, thổi lãi suất lên, làm cho lãi suất cao giả tạo, trong đó, không loại trừ trường hợp lãi suất cho vay cao giả tạo do một số ngân hàng thương mại “thổi giá”. Vì thế, nếu khắc phục được yếu tố này, sẽ góp phần giảm lãi suất.
Ngoài ra, cũng có một băn khoăn là trên thực tế, các đợt huy động vốn của ngân hàng trước đây với chi phí cao và chừng nào chưa cân đối được lợi nhuận của khoản huy động đó, họ vẫn để lãi suất mức cao.
Tuy nhiên, ông Hưởng cho rằng, giá vốn không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng mà yếu tố quyết định đến lãi suất vẫn là cung cầu vốn trên thị trường. Khi cung vốn dư giả thì ngân hàng thương mại phải chào mời, thậm chí “năn nỉ” cho vay lãi suất thấp, nhất là đối với các dự án có hiệu quả. Vì thế, kể cả khi huy động 16% - 17%/năm trước đó, nhưng “cả làng” đang cho vay 15%/năm thì không phải ngân hàng cứ muốn cho vay 18%/năm là có thể được.
Trở ngại vẫn còn
Dù vậy, khi nhìn tổng thể, ông Cao Sĩ Kiêm vẫn lo lắng: “Để lạm phát xuống thì phải đi từ nhiều yếu tố mà đầu tiên là không lơ là chủ quan”. Theo ông, diễn biến lạm phát từ năm ngoái là bài học còn nóng hổi. Từ đầu quý 1 và 2/2010, lạm phát thấp, nhiều bộ ngành chủ quan và đến cuối quý 3/2010, lạm phát bắt đầu nhích lên và phi mã thực sự vào quý 4/2010, các bộ ngành “vắt chân lên cổ” chạy nhưng vẫn bị lỡ trớn.
Cùng đó, chính sách tiền tệ phải điều hành nhịp nhàng, đảm bảo hai yếu tố căn bản là cung ứng nguồn vốn kịp thời cho sản xuất và quá trình “bơm - hút” phải trúng địa chỉ. Ngược lại, nếu “bơm” tiền mà không đi vào sản xuất thì chưa nên “bơm”.
Liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong thời gian khoảng một tháng sau Tết Nguyên đán, nếu lãi suất chưa giảm thì Ngân hàng Nhà nước có thể bơm ngắn hạn ra thị trưởng khoảng 50 nghìn tỷ đồng, sau đó sử dụng các công cụ khác để hút về thì lãi suất có thể giảm nhanh hơn. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước bơm nhỏ giọt, làm cho ngân hàng thương mại găm vốn lại thì lãi suất sẽ rất khó giảm và tốc độ giảm không như mong đợi.
Đây cũng là thực tế từng xảy ra vào năm 2008. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp “thắt chặt tiền tệ” và hành động khá gấp gáp như tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc, hút 52 nghìn tỷ đồng tiền gửi kho bạc... đã khiến cho hệ thống ngân hàng co cụm phòng thủ, găm giữ tiền, dẫn tới thanh khoản hệ thống bị chao đảo.
Một vấn đề khác liên quan tới việc giảm lãi suất VND là giải quyết quan hệ lãi suất giữa đồng tiền “đồng - đô”. Trên thực tế, lãi suất giữa hai đồng tiền này luôn có quan hệ mất thiết với nhau. Nếu lãi suất VND tăng cao quá, người vay sẽ quay sang vay USD và ngược lại. Ví dụ, nếu lãi suất cho vay VND là 18%/năm, trong khi lãi suất USD là 6,4%/năm thì mức chênh lệch hấp dẫn này sẽ khiến người vay quay về với USD là điều bình thường, nhất là trong điều kiện người vay đoán được mức độ diễn biến tỷ giá.
Bởi vậy, giữ lãi suất không chỉ quan tâm tới những vấn đề như nói trên mà còn phải để mắt tới yếu tố tỷ giá. Nếu tỷ giá được điều hành ổn định, không bị sốc thì việc kiểm soát giá trị đồng nội tệ sẽ tốt hơn và nhờ đó, sẽ ổn định được lãi suất.
Theo VnEconomy