Chỉnh trang đô thị, mối quan tâm hàng đầu
Ngày cập nhật: 10/02/2011 13:51 PM
Trong năm 2011, chương trình dự án liên quan đến chỉnh trang đô thị lại được thành phố đề cập gãy gọn hơn: đó là chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị và bảo vệ môi trường với các dự án lớn: tiếp tục di dời, giải toả, tái định cư khu vực thượng thành, sông Ngự Hà giai đoạn 2, Cồn Hến; cải tạo, nạo vét, chỉnh trang hệ thống hồ trong nội thành, sông Ngự Hà, sông Kẻ Vạn, sông Đào, sông An Cựu (giai đoạn 2); chỉnh trang khu vực dọc hộ thành hào từ phường Phú Hoà đến phường Phú Bình.
Tất nhiên, để thực hiện thành công các chương trình, dự án này không đơn giản, nếu không muốn nói là phải thực sự quyết liệt. Làm sao người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ; sau giải toả là chỉnh trang, đẹp hẳn lên, không nhếch nhác; thiết kế đô thị như thế nào để những nơi này không nham nhở và trở nên hài hoà với kinh thành Huế… Tất cả đòi hỏi sự đồng lòng của toàn xã hội, kể cả người dân sở tại.
Chung quanh việc chỉnh trang đô thị
Quyết tâm trau chuốt Huế để ngày càng khang trang hơn, đẹp hơn, của thành phố đã rõ. Thế nhưng, để thực hiện thành công nó đòi hỏi phải có sự đồng bộ trong tư duy chỉnh trang, trong huy động nguồn lực.
Trước hết, các dự án chỉnh trang đô thị Huế trong năm 2011 phần lớn đều thuộc hệ thống thuỷ đạo kinh thành Huế. Khơi thông hệ thống thuỷ đạo kinh thành Huế là mối quan tâm hàng đầu của cư dân sống trong nội thành và chung quanh Thành nội. Trong lúc đó, hệ thống thuỷ đạo kinh thành Huế nằm trong hệ thống di tích Huế. Vì vậy, để thực hiện thành công này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (kể cả huy động nguồn lực). Những yếu kém trong mối quan hệ này người dân khó chấp nhận và từng nêu ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Ngay cả việc tổ chức sản xuất kinh doanh trên hệ thống thuỷ đạo cũng là vấn đề cần được đặt ra, không thể kéo dài tình trạng trồng rau, nuôi cá…
Mặt khác, việc chỉnh trang đô thị đòi hỏi phải có một cái nhìn tổng thể, nạo vét sông Ngự Hà phải nằm trong tổng thể khơi thông hệ thống thuỷ đạo, nếu không năm này nạo vét năm sau lại lấp đầy… Hoặc như chỉnh trang hộ thành hào mới thực hiện đến phạm vi phường Phú Hoà, Phú Bình; phần ở Phú Thuận chưa triển khai được. Tất nhiên, nguồn lực của thành phố có hạn, đòi hỏi tỉnh phải có sự tiếp sức. Người dân mong mỏi việc chỉnh trang nên tập trung dứt điểm trong một đến hai năm.
Một vấn đề cực kỳ rất quan trọng mà người dân rất quan tâm là sau chỉnh trang là gì? Sau chỉnh trang, thành phố đẹp lên là điều ai cũng rõ, nhưng để cái đẹp đó trở thành nguồn lực chính là điều người dân mong mỏi. Giải toả thượng thành xong tại sao không biến nơi đây thành con đường đi dạo quanh thành nội, thành nơi sinh hoạt văn hoá của người dân ? Ý đồ của thành phố là biến thuỷ đạo kinh thành Huế thành hệ thống thuỷ đạo trên sông, Vì thế, hệ thống dịch vụ trên tuyến đường thuỷ này phải được tổ chức ra sao cho phù hợp… Tất cả đều được tính toán rất kỹ…
Ở phương diện khác, có thể nói, Huế là đô thị có lề đường khiêm tốn nhất. Đầu tư cho lề đường không nhiều, nhưng đầu tư đến đâu thành phố đẹp lên đến đó. Diện tích lề đường thành phố không nhiều nhưng lề đường nào xây dựng xong đều đẹp. Thành phố có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong mở rộng đường, làm lề đường. Cần tổng kết và mở rộng chương trình làm lề đường, thu hẹp dần diện tích lề đường hoang phế…
Hải Lê (Baothuathienhue)