Tin tức

Nguồn lực cho phát triển đô thị Huế

Nguồn lực cho phát triển đô thị Huế

Ngày cập nhật: 11/02/2011 07:15 PM

Ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, để tạo bước đột phá trong phát triển, thành phố nhất thiết phải sớm hoàn thiện hạ tầng đô thị, hoàn thiện các đồ án quy hoạch, có như thế mới nâng cao giá trị đất đai. Các quy hoạch phát triển cần hướng tới tầm nhìn xa và mang tính định hướng cao để giúp các doanh nghiệp đầu tư có mục tiêu, không bị dàn trải...

Đầu tư cho thành phố Huế, đô thị hạt nhân là một yêu cầu mang tính bắt buộc trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới.

Trăn trở nguồn lực

Vài năm trở lại đây, tỉnh và thành phố Huế đã có rất nhiều giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển thành phố. Điều này được minh chứng bằng sự đổi thay rất dễ nhận thấy của diện mạo đô thị Huế, đặc biệt là nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, hoàn thiện dần hệ thống hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính ngân hàng, viễn thông… Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp không ít khó khăn, việc huy động được gần 3.000 tỷ đồng để đầu tư trên địa bàn trong năm 2010 là một điều không đơn giản. Tuy vậy, với vị thế của một đô thị loại I, giữ vị trí là hạt nhân, động lực phát triển cho toàn tỉnh, sự đầu tư này dường như vẫn chưa đủ lớn nếu không muốn nói là rất khó tạo ra được những thay đổi mang tính bước ngoặc trong phát triển đô thị.
Trong xu thế địa phương nào cùng cần nguồn lực để phát triển, nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng chỉ ở mức độ trung bình thì năm 2011 này, theo kế hoạch nguồn vốn tỉnh Thừa Thiên Huế phân bố cho TP Huế khoảng trên 64 tỷ đồng, tức cao hơn không đáng kể so với năm ngoái (năm 2010 là 55 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khoản kinh phí thành phố được tỉnh phân bổ lại từ nguồn bán đất trên địa bàn dự kiến vào tầm 80 tỷ đồng. Như vậy cộng cả hai khoản, thành phố có ước tính trên 145 tỷ đồng phục vụ cho mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị. Chỉ dựa vào khoản kinh phí này để đầu tư chỉnh trang đô thị hay thực hiện hàng loạt các dự án trọng điểm trên địa bàn e rằng sẽ rất khó.

Khu tượng đài Quang Trung – một không gian mới của đô thị Huế
Chúng ta cũng nhìn thấy một thực tế rằng, nguồn kinh phí thu được từ các loại thuế, phí của thành phố còn thấp, chưa đủ cho mục đích chi thường xuyên mà còn trông chờ được cấp thêm từ tỉnh, nên hầu như không có nguồn dư để phục vụ xây dựng cơ bản. Vấn đề huy động nguồn lực trong dân đã có chuyển biến, nhất là trong các dự án như bê tông hoá đường kiệt, xây dựng hạ tầng thoát nước, vỉa hè… nhưng kỳ thực kết quả còn thấp. Các nguồn lực khác như tài trợ, viện trợ từ nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ đang có xu hướng giảm đi khi nước ta đã dần ra khỏi diện ưu tiên tài trợ của các nước phát triển.
Giải pháp nào về nguồn lực
Muốn huy động được nguồn lực phục vụ cho mục tiêu tăng tốc phát triển và tạo bước đột phá trong phát triển đô thị thì không có cách nào khác, thành phố phải thực sự chủ động với những giải pháp hữu hiệu. Đó là, phải huy động một cách tổng lực nhưng cần tập trung vào những nguồn lực chủ yếu. Thành phố không thể trông chờ từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, thậm chí cả những khoản thu lớn như nguồn bán đất hay phương án đổi đất lấy hạ tầng, bởi đây chưa hẳn là giải pháp bền vững khi theo thời gian nguồn quỹ đất này cũng sẽ cạn dần. Giải pháp ở đây là tìm cách để huy động nguồn lực từ ngân sách TW, nhất là từ nguồn vốn phục vụ các chương trình mục tiêu, phục vụ an sinh xã hội.
Tất nhiên, nguồn Trung ương cũng không hẳn là quá dồi dào nhất là trong thời điểm Chính phủ, các bộ ngành, và nhiều địa phương khác cũng có nhu cầu vốn. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Kim Dũng, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch HĐND TP cũng không phải là không thể tranh thủ nguồn lực này. Vấn đề là, thành phố phải mạnh dạn đi trước một bước trong các dự án, phải lập và trình ra những dự án khả thi, nằm trong các chương trình mục tiêu như xây dựng đô thị loại I, thành phố Festival, trùng tu bảo tồn di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường… Chỉ khi làm tốt các bước khởi động bằng chính nguồn lực tại chỗ chúng ta mới tạo ra được đòn bẫy thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Ví dụ như dự án tái định cư dân vạn đò mà chúng ta vừa thực hiện thành công chẳng hạn. Trước đó, dự án tưởng như không thể thực hiện nhanh do nguồn vốn khá lớn. Chính vì thành phố đã mạnh dạn thực triển khai các bước ban đầu như phương án tái định cư, sau đó đề xuất và đưa ra những phương án khả thi có tính thuyết phục cao mới có thể được TW ứng vốn hơn 150 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này, cộng với nguồn đối ứng của địa phương khoảng hơn 100 tỷ đồng giúp thành phố giải quyết dứt điểm một trong những dự án hóc búa và bức xúc nhất của đô thị Huế. Đó là đưa hơn 1000 hộ dân vạn đò lên bờ và trả lại môi trường, cảnh quan cho dòng sông Hương. Thành công của dự án vừa kể trên sẽ là một điển hình để thành phố tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo cũng cấp thiết không kém như dự án giải tỏa và chỉnh trang sông Ngự Hà, Hộ thành hào, và các hộ dân sống trên Thượng Thành…
Một trong những nguồn lực có vai trò quan trọng để nâng cao tỷ suất đầu tư đồng thời tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển đó có lẽ là vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Và, giải pháp để thu hút nguồn lực này không gì khác đó chính là tiếp thị đầu tư và ưu đãi. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư, quan trọng nhất là tạo được môi trường thuận lợi để đầu tư, ở đây không chỉ là ưu đãi nhiều hay ít mà là tạo môi trường kinh doanh để các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và thu được lợi nhuận. Ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP Huế cho rằng, để tạo bước đột phá trong phát triển, thành phố nhất thiết phải sớm hoàn thiện hạ tầng đô thị, hoàn thiện các đồ án quy hoạch, có như thế mới nâng cao giá trị đất đai. Các quy hoạch phát triển cần hướng tới tầm nhìn xa và mang tính định hướng cao để giúp các doanh nghiệp đầu tư có mục tiêu, không bị dàn trải. Thành phố cũng sẽ xúc tiến nhanh các dự án vay vốn nước ngoài như dự án “cải thiện môi trường nước TP Huế”. Dự án này có kinh phí lên đến 300 triệu USD, nếu như xúc tiến nhanh thì sẽ đạt được nhiều mục tiêu như giúp thành phố sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giải ngân được vốn vay ODA qua đó huy động nguồn lực, nâng cao tỷ suất đầu tư trên địa bàn. Cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn lực rất lớn trong dân, cụ thể ở đây là các công trình theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để chung tay, góp sức cùng xây dựng và phát triển TP.
Bài, ảnh: Quang Phong (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan