Tin tức

Thay đổi tỷ giá USD - Biện pháp cấp bách nhưng cần đồng bộ

Thay đổi tỷ giá USD - Biện pháp cấp bách nhưng cần đồng bộ

Ngày cập nhật: 15/02/2011 07:02 AM

Như SGGPO đã thông tin, ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố thay đổi tỷ giá bình quân liên ngân hàngtừ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD (tăng 9,3%), đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch từ ±3% xuống ±1%. Các biện pháp này sẽ tạo điều kiện để điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn. Trước việc thay đổi tỷ giá USD, chuyên gia các ngành có nhiều quan điểm khác nhau. Báo SGGP xin giới thiệu một số ý kiến.

Ông ĐINH VẠN TIẾN, Trưởng ban Xuất nhập khẩu Tập đoàn Cao su Việt Nam: Giải pháp cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu

Việc thay đổi tỷ giá đồng USD là việc làm cần thiết và có lợi cho tất cả các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Thực tế cho thấy, các DN xuất hàng đi thu ngoại tệ về buộc phải đổi ra tiền VND để thanh toán (lương công nhân và các khoản chi phí nhiên-nguyên-vật liệu đầu vào…). Trong khi các khoản chi phí đầu vào trong nước hiện nay cũng đã tăng cao (nhưng tỷ giá không đổi) khiến DN gặp không ít khó khăn.

Có thể nói việc kìm hãm tỷ giá thời gian qua làm cho xuất khẩu kém đi và nếu kìm hãm lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, việc NHNN nâng trần tỷ giá đồng USD theo tôi là việc làm cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông NGUYỄN VĂN KỊCH, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cafatex (Cần Thơ): Mừng nhưng chưa trọn vẹn

Việc Nhà nước điều chỉnh tỷ giá luôn có những tác động tùy theo ngành nghề, mặt hàng. Với nhà xuất khẩu thủy sản, tỷ giá này có lợi và việc bán hàng sẽ được dễ dàng hơn, tạo lợi thế cạnh tranh hơn, nhất là biên độ dao động 1% là một thuận lợi thay vì biên độ 3% như trước.

Nhưng như vậy cũng chỉ mới nhìn từ một phía là xuất khẩu. Để làm ra mặt hàng nông sản nào đó còn phải lệ thuộc các vật tư nông nghiệp mà phần lớn trong số này phải nhập khẩu. Với tỷ giá điều chỉnh này, có lợi cho nhà xuất khẩu thì gây khó cho nhà nhập khẩu và người nông dân sản xuất hay DN mua sản phẩm chế biến.

Sự tác động 2 chiều ở mặt nào đó làm cho việc tăng tỷ giá này là niềm vui chưa được trọn vẹn, khi sự tác động qua lại này đã làm giảm đi phần thuận lợi mà tỷ giá USD thay đổi mang lại cho DN xuất khẩu và bà con nông dân. Theo chúng tôi, sự điều chỉnh tỷ giá này chỉ là hợp thức hóa tỷ giá thị trường mà các DN đã phải giao dịch bao lâu nay khi tồn tại thực tế 2 tỷ giá với khoảng cách chênh lệch cao.

Nếu việc điều chỉnh tỷ giá này đi liền với đó là điều chỉnh giảm lãi suất tiền đồng vay ngân hàng sẽ là điều kiện thuận lợi thật sự cho DN và người sản xuất. Với lãi suất 16%-18%, thậm chí 20%/năm như hiện nay rất khó cho DN hoạt động. Tỷ giá thay đổi gần như cũng chỉ góp phần gồng gánh lãi suất cao của ngân hàng. Trong khi đó, với DN vay vốn bằng USD lại trở thành gánh nặng.

Việc điều chỉnh tỷ giá giữa USD và VND có lợi cho xuất khẩu, trong đó có cá tra. Ảnh: ĐỨC TRÍ

TS DƯƠNG ANH SƠN (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM): Điều chỉnh là đúng song giá cả có thể tăng

Trong tình hình tỷ giá đồng USD giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen chênh lệch lớn thì việc điều chỉnh tăng tỷ giá đồng USD liên ngân hàng nhằm rút ngắn khoảng cách với thị trường chợ đen là việc làm đúng. Xóa bỏ được sự tồn tại 2 loại tỷ giá. Sự tồn tại này gây nhiều tiêu cực trong quản lý chính sách tiền tệ cũng như cho nền kinh tế trong thời gian qua. Tỷ giá đồng USD tăng sẽ khuyến khích xuất khẩu, làm cho hàng xuất khẩu của VN cạnh tranh với hàng của nước ngoài về giá cả.

Tuy nhiên cũng cần phải tính đến việc nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu thì tỷ giá tăng sẽ dẫn đến giá sản phẩm đầu ra tăng theo. Bên cạnh đó, tỷ giá đồng USD tăng sẽ hạn chế nhập khẩu và làm cho hàng nhập khẩu giảm tính cạnh tranh trên thị trường nội địa Việt Nam.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc tăng tỷ giá quá lớn một cách đột ngột sẽ dẫn đến việc tăng giá nhiều loại hàng hóa.

Ông NGUYỄN HỒNG VINH, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí - PVFCCo: Ảnh hưởng nguồn cung phân bón

Việc thay đổi tỷ giá đồng USD gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhập khẩu phân bón như PVFCCo. Sản xuất phân bón trong nước (chủ yếu là Nhà máy đạm Phú Mỹ) hiện mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, gần 60% còn lại buộc phải nhập khẩu. Vì vậy việc thay đổi tỷ giá này sẽ gây khó khăn cho DN không chỉ về việc cân nhắc giá bán, mà cả về nguồn vốn USD và sản lượng phân bón nhập về.

Ông LÊ XUÂN TRÌNH, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam: Sớm tìm biện pháp tháo gỡ

Xăng dầu là nhóm mặt hàng thiết yếu chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước về giá bán. Thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao nhưng để bình ổn thị trường, các DN xăng dầu trong nước không được phép tăng giá bán. Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN xăng dầu hiện nay đang chịu lỗ và để chia sẻ khó khăn với các DN, thời gian qua Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các DN xăng dầu như: giảm thuế nhập khẩu bằng 0%, cho phép các DN được trích quỹ bình ổn giá để bù lỗ…

Dù vậy, trước tình hình giá xăng dầu thế giới ngày càng tăng cao đến mức chóng mặt như hiện nay thì mức lỗ mà các DN phải chịu cho 1 lít xăng đã lên đến con số gần 2.000 đồng/lít. Việc thay đổi tỷ giá đồng USD theo chiều hướng gia tăng này sẽ thêm khó khăn cho các DN kinh doanh xăng dầu, tình trạng này kéo dài sẽ khiến các DN khó lòng trụ vững nếu như các cơ quan quản lý nhà nước không sớm có biện pháp tháo gỡ…

Theo SGGP


Tin tức liên quan