Tin tức

Thừa Thiên Huế: Đầu tư và thu hút đầu tư

Thừa Thiên Huế: Đầu tư và thu hút đầu tư

Ngày cập nhật: 03/03/2011 07:16 AM

Năm 2010 đã khép lại, một năm có nhiều khó khăn về thiên tai dịch bệnh, hạn hán, tình trạng thiếu điện trên diện rộng và kéo dài gây bất lợi cho tình hình sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Trong điều kiện ấy, Thừa Thiên Huế cũng đã nỗ lực vượt qua, tập trung thực hiện khá tốt các chương trình kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển văn hóa và an sinh xã hội... đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt. Riêng lĩnh vực đầu tư trên địa bàn, tỉnh đã thực hiện đạt trên 9 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so cùng kỳ. Nhiều dự án hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi đã tập trung chỉ đạo đáp ứng tiến độ như đường La Sơn – Nam Đông, cầu đường bộ qua sông Hương, thủy lợi Tây Hưng, Tây Nam Hương Trà, đẩy nhanh tiến độ dự án hồ Tả Trạch, khánh thành cầu Ca Cút. Các chương trình thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp, ký túc xá sinh viên, bệnh viện tuyến huyện và các dự án ODA, NGO tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ bảo đảm kế hoạch đề ra...

 

Năm nay – 2011, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Thừa Thiên Huế ưu tiên mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ để hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài phát huy nội lực trong đầu tư, tỉnh còn coi trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ba năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là 1 trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với nhiều dự án lớn có vốn đầu tư hàng tỷ USD. Tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích và thu hút vốn đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Tỉnh chú ý đến các dự án đầu tư về du lịch – dịch vụ, kinh doanh bất động sản, khu đô thị - công nghệ cao. Tính đến 31-12-2010, toàn tỉnh có 328 dự án với tổng mức vốn đầu tư đăng ký hơn 80 nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn FDI có 69 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 2.500 USD. Ở các khu công nghiệp hiện có 60 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, Thừa Thiên Huế liên kết với TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị này nhiều nhà đầu tư đã cam kết đầu tư vào các lĩnh vực nghỉ dưỡng, cảng chuyên dụng và sản xuất xi măng, chế biến cát với tổng vốn đầu tư gần bảy nghìn tỷ đồng.

Để thu hút vốn đầu tư, điều mà lãnh đạo tỉnh quan tâm là sau các hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư vào địa bàn được tổ chức ở 2 thành phố lớn, tỉnh lắng nghe ý kiến đề xuất của các nhà đầu tư để có chính sách thông thoáng thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp đã được quy hoạch. Tỉnh chú ý điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp cho từng ngành nghề, từng lĩnh vực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư.

Trên cơ sở những ưu đãi về thuế, thủ tục đầu tư, giá thuê đất... dựa trên khung cho phép của các luật hiện hành, Thừa Thiên Huế cụ thể hóa theo hướng có lợi cho nhà đầu tư theo Quyết định 1337/QĐ-UBND ngày 7-7-2009 của UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng ban hành văn bản về quy trình hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn. Đó là việc phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư.

Mở rộng cửa, có chính sách thông thoáng, nhanh gọn, Thừa Thiên Huế còn coi trọng biện pháp cương quyết với các nhà đầu tư không có năng lực, đầu tư theo kiểu xí phần, không triển khai dự án theo tiến độ đã cam kết. Nhiều dự án “treo” kéo dài gây dư luận không tốt trong nhân dân, tỉnh đã kịp thời kiểm tra, xem xét, làm việc cụ thể để đi đến thu hồi giấy phép đầu tư. Qua đó làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư và tính hiệu quả của đầu tư và thu hút đầu tư.
Hiện nay, các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, kinh doanh bất động sản do biến động về tài chính, nhiều dự án do chủ đầu tư đang gặp khó khăn về tài chính nên tiến độ triển khai có chậm, tỉnh và các nhà đầu tư đang phối hợp tìm giải pháp hỗ trợ cho nhà đầu tư tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Từ thực tế triển khai kế hoạch đầu tư và thu hút đầu tư, các ngành, các cấp đã sửa các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng còn rườm rà. Năm 2011, Thừa Thiên Huế chú trọng kêu gọi, thu hút đầu tư vào thị trường trọng điểm là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp nước ngoài, tỉnh chú ý đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản... Từ nay đến 2015, Thừa Thiên Huế chú ý đầu tư vào các lĩnh vực như du lịch, hạ tầng kinh tế và các khu công nghiệp – khu đô thị mới... Các khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, TP Huế, Tứ Hạ, Phú Bài, Phong Điền, La Sơn... là những địa chỉ mà Thừa Thiên Huế tập trung kêu gọi đầu tư.

Biện pháp thúc đẩy đầu tư của Thừa Thiên Huế là coi trọng công tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch... tạo liên kết vùng trong xúc tiến đầu tư. Việc liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là rất quan trọng.
Năm nay, tỉnh dự kiến thu hút khoảng 15 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 200 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu kêu gọi đầu tư, Thừa Thiên Huế cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự quan tâm của Chính phủ trong hỗ trợ nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, kích thích các nhà đầu tư vào cuộc.

Đầu tư và thu hút vốn đầu tư là cú hích quan trọng, có tính quyết định tác động mạnh cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chiến Hữu (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan