Quy chế dân chủ trong công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn:
Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện còn khiêm tốn
Ngày cập nhật: 06/03/2011 15:13 PM
Qua 3 năm (2007-2010), thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) theo Nghị định (NĐ) 87 của Chính phủ trong các công ty cổ phần (CP), trách nhiệm hữu hạn (TNHH) trên địa bàn tỉnh, quyền làm chủ của người lao động (NLĐ) ngày càng được tôn trọng.
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành, hiện toàn tỉnh có 401 công ty CP, 737 công ty TNHH với 20.700 NLĐ; trong đó, có 73 công ty CP được cổ phần hóa từ DNNN và một bộ phận của DNNN. Hầu hết các công ty này đều có tổ chức Đảng, công đoàn và các đoàn thể hoạt động. Đối với công ty TNHH, phần lớn là DN vừa và nhỏ, trong đó rất nhiều DN có số lượng NLĐ ít, năng lực sản xuất kinh doanh có mặt còn hạn chế; số lượng DN có tổ chức công đoàn chiếm tỷ lệ rất thấp (176 DN trong tổng số 777 công ty CP, riêng công ty TNHH có điều kiện thành lập công đoàn mới đạt 22,65%). Do đó, việc tổ chức thực hiện QCDC ở các công ty CP, TNHH trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Công ty CP Dệt-May Huế, DN thực hiện khá tốt quy chế dân chủ
Ngay sau khi NĐ 87 ra đời, BCĐ QCDC tỉnh và BCĐ các cấp đã tham mưu, giúp ban thường vụ các cấp kịp thời chỉ đạo các cấp chính quyền, các DN trên địa bàn tỉnh nhanh chóng triển khai thực hiện. Thể hiện rõ nét nhất là qua các kỳ đại hội cổ đông, các hội nghị của NLĐ do BCH công đoàn phối hợp với ban giám đốc công ty tổ chức. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Thọ-Lê Thanh Hà cho biết, phát huy dân chủ, ban giám đốc phối hợp với BCH công đoàn công ty tổ chức hội nghị NLĐ hàng năm tham gia ý kiến và quyết định các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ. Theo đó, xây dựng và tổ chức thực hiện các nội quy, quy chế, quy định của công ty; nội dung của dự thảo hoặc dự thảo sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể trước khi ký kết; các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tiết kiệm nguyên vật liệu, an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, sắp xếp bố trí lao động.
Là công ty CP Nhà nước giữ chi phối nên Đảng ủy Công ty CP Dệt-May Huế phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở đơn vị. Tuy nhiên, phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đã có nhiều đổi mới, quy chế làm việc của cấp ủy được xây dựng chặt chẽ, nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng và mối quan hệ công tác giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể được xác định rõ hơn, hạn chế sự chồng chéo trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đảng ủy tập trung chỉ đạo gắn việc thực hiện QCDC với quy chế làm việc của đơn vị và quy chế của các tổ chức đoàn thể, tất cả vì mục tiêu hiệu quả SXKD và lợi ích của các cổ đông và NLĐ. Ngoài ra, các đơn vị như Bia Huế, Vật tư nông nghiệp, Xây dựng-giao thông tỉnh, Sở Lao động Thương binh - Xã hội, TP Huế, huyện Hương Trà... thực hiện khá tốt QCDC.
QCDC chỉ mới tổ chức tốt trong một số công ty CP được CP hóa từ DNNN hoặc CP hóa từ bộ phận DNNN, trong đó chủ yếu từ DN có tổ chức Đảng, công đoàn và tỷ lệ này khoảng 22,65% DN đủ điều kiện thành lập công đoàn. Riêng các DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài, việc thực hiện QCDC rất khó khăn, lúng túng; nhất là đối với những DN chưa có tổ chức Đảng, công đoàn hoặc BCH công đoàn lâm thời. |
Ở địa bàn tỉnh ta, mặc dù quan hệ lao động trong các công ty CP, TNHH khá hài hòa, tình hình tranh chấp lao động và đình công không phức tạp; song từ năm 2007 đến nay cũng đã có những bài học kinh nghiệm từ xây dựng và thực hiện QCDC. Có thể kể đến vụ đình công ở Công ty TNHH Quốc tế Quinnmax và một số vụ phản ứng tập thể của công nhân ở các công ty: gốm sứ Giahu, Thế kỷ mới, May xuất khẩu Huế, SCAVI (Phong Điền), Dệt kim may mặc Huế, nhà máy tinh bột sắn FOCOCEV. Một số vụ tranh chấp lao động cá nhân xảy ra tại các công ty: Scanviwood, Khai thác đá, Du lịch Hương Giang, Thuận Phú, cảng Chân Mây, Bảo hiểm PJCO, Cosevco 7... mà nguyên nhân chủ yếu do tập thể lao động đòi quyền lợi về tiền lương, cải thiện điều kiện làm việc và một số chế độ chính sách khác.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chuyên đề về xây dựng và thực hiện QCDC trong các công ty CP, TNHH mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Bình nhấn mạnh, để thực hiện tốt NĐ 87 của Chính phủ, trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ 6 vấn đề. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả NLĐ và người sử dụng LĐ. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác tổ chức thực hiện của người sử dụng LĐ và sự chung tay của các tổ chức chính trị, xã hội trong DN. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của BCĐ các cấp. Phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở ở mỗi đơn vị. Thực hiện QCDC ở các công ty CP, TNHH phải đi đôi với bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở DN, chế độ thủ trưởng và các đoàn thể quần chúng. Tăng cường củng cố, kiện toàn các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân để đẩy mạnh các hoạt động, động viên cán bộ, công chức, NLĐ phát huy sáng tạo nhằm thúc đẩy DN, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển trong tình hình mới.
Bạch Quang - Huy Thạch (Baothuathienhue)