Doanh nghiệp tìm cách vượt khó
Ngày cập nhật: 11/03/2011 07:09 AM
Trước mắt có rất nhiều khó khăn thách thức mang tính chất “sinh tử” nhưng nếu khéo léo rút kinh nghiệm từ bài học đối phó với lạm phát năm 2008 thì doanh nghiệp (DN) có thể vượt khó. Đó là bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại buổi hội thảo “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của DN” diễn ra hôm qua 10/3 tại TPHCM.
Không quá bi quan
Trước những khó khăn về chi phí nguyên liệu, xăng dầu, điện, tỉ giá, giá nguyên vật liệu… tăng cao, rất nhiều DN đã phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận xuống thấp, thậm chí không lãi nhằm giữ vững thị trường.
Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang, kêu: 90% nguyên liệu ngành dược phải nhập khẩu nhưng DN dược lại rất khó tăng giá sản phẩm. Cho nên, ngoài việc triển khai các biện pháp để tiết kiệm chi phí, công ty đã rà soát lại cơ cấu mặt hàng và tạm ngưng sản xuất khoảng 10% mặt hàng.
Giám đốc một DN may chuyên sản xuất hàng cho các hệ thống siêu thị cho biết ngành may mặc phụ thuộc rất nhiều vào giá cả nguyên liệu thế giới và tỉ giá, hiện giá nguyên liệu tăng cao nhưng vẫn phải mua. Hàng làm ra không thể cạnh tranh về giá với hàng may mặc Trung Quốc tràn ngập trên thị trường…
Ngoài những khó khăn chung, một số DN còn rất bức xúc vì “khát” nguyên liệu. Theo giám đốc Công ty CP Giấy Mai Lan, ngành công nghiệp cung ứng nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện quá yếu nên DN trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu ngoại. Ngành giấy cũng vậy... Nhìn nhận thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các DN cũng không quá bi quan. Theo ông Lê Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Casumina, khó khăn hiện tại có mối tương quan như đã xảy ra năm 2008.
Sản xuất lốp ô tô tại Casumina.
Cần xem xét giảm thuế
Ngày 10/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
Theo ý kiến của các DN, hiệp hội ngành hàng và chuyên gia tư vấn thuế, Việt Nam đang duy trì mức thuế thu nhập DN 25%, bằng mức trung bình của khu vực nhưng nếu so với điều kiện và môi trường kinh doanh Việt Nam thì đó là mức thuế cao, là nguyên nhân tạo sự chuyển giá của các DN có vốn đầu tư nước ngoài và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các DN trong nước. Thuế suất này nên điều chỉnh xuống từ 20% đến dưới 25%.
Đối với thuế GTGT, còn nhiều hướng dẫn thiếu rõ ràng và chưa ưu đãi đúng mức để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh, động viên DN nộp thuế.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, giảng viên Khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng chỉ tính toán tận thu đối với DN là không công bằng, nhất là DN nhỏ, trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao.
Vào thời điểm khó khăn này, Bộ Tài chính nên kiến nghị Chính phủ có đột phá về thuế để bảo vệ người tiêu dùng không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát, DN có thêm vốn để tái đầu tư
|
Casumina đã chỉ đạo CBCNV áp dụng lại bài học đối phó khủng hoảng năm 2008. Tỉ giá tăng thì cân đối xuất – nhập; giá cả tăng thì thay đổi cách bán hàng (chỉ bán hàng với điều kiện bên mua thanh toán liền, tránh trường hợp bên mua bỏ hợp đồng…). Ngoài ra, Casumina chủ động giảm tồn kho, tồn vật tư, trữ vật tư vừa đủ và chỉ ký đơn hàng thời gian ngắn, dãn vay vốn đầu tư, cắt giảm chi phí không cần thiết, điều tiết cơ cấu sản phẩm và phát triển các sản phẩm mang nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng...
Cần sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng
Cùng quan điểm này, ông Bùi Đình Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cân Nhơn Hòa, cho biết trong giai đoạn này, DN không được bỏ ngỏ thị trường, nhất là thị trường trong nước. Tăng giá là bắt buộc nhưng Nhơn Hòa kêu gọi nhà cung cấp, nhà phân phối cùng chia sẻ khó khăn để có mức tăng giá vừa phải, có tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, công ty cũng không lên kế hoạch dự trữ lâu dài mà rút ngắn dự trữ từ 2-3 tháng xuống còn 2 tuần.
Theo các DN, hơn lúc nào hết, lúc này, DN rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ông Đặng Chí Hùng, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Nhôm Kim Hằng, cho rằng ngoài việc đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, DN rất cần được chia sẻ kinh nghiệm thâm nhập thị trường. “Tôi đi Myanmar, Trung Đông thấy thị trường ở đó rất hấp dẫn nhưng DN Việt Nam cứ đi sau DN Trung Quốc, chưa thâm nhập được nhiều” – ông Hùng nói.
Riêng về chính sách, các DN kiến nghị nếu giá điện, nước, xăng tiếp tục tăng thì Nhà nước nên thông báo trước và thông báo chính xác để DN chủ động hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh...
Trước những phản ánh của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết sẽ tập hợp ý kiến DN, gửi các bộ, ngành có liên quan. Bà cũng đề nghị các DN quan tâm nghiên cứu chính sách vĩ mô được thể hiện trong nội dung Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ để vận dụng vào DN mình.
Theo NLĐ