Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2010: Trở ngại từ chi phí “bôi trơn”
Ngày cập nhật: 17/03/2011 07:20 AM
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2010 (PCI 2010) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm qua (16-3) đã ghi nhận những thành quả của nhiều địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Song PCI 2010 cũng chỉ ra không ít thực tế đáng lo ngại ở nhiều lĩnh vực.
|
Sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu ở Công ty MTEX (Nhật) tại KCX Tân Thuận.
|
Lên - xuống
Vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu trong 3 năm liên tiếp, nhưng thành tích của Đà Nẵng trong PCI 2010 dường như đã kém ấn tượng hơn năm 2009. Đó là việc các doanh nghiệp tại Đà Nẵng có mức độ hài lòng thấp hơn năm trước, với điểm số PCI 2010 là 69,77 điểm – dù vẫn dẫn đầu nhưng giảm 6,19 điểm.
Đáng ngạc nhiên đến từ trường hợp Bình Dương. Sau 3 năm liên tiếp ở vị trí đứng đầu (2005-2007) và 2 năm liên tiếp ở vị trí thứ hai, năm 2010, Bình Dương bị tụt 8,28 điểm và rơi xuống vị trí thứ năm. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi công bố PCI, Bình Dương nằm ngoài nhóm có chất lượng điều hành “Rất tốt”.
Lý do là bên cạnh nhóm có chỉ số thứ hạng “truyền thống” cao như “Tính năng động của lãnh đạo tỉnh”, “Tính minh bạch” và “Đào tạo lao động” thì Bình Dương thể hiện sự giảm sút ở nhóm chỉ số “Gia nhập thị trường” và “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Edmund Malesky bổ sung, điểm tụt hạng của Bình Dương cũng chính là trở ngại mà doanh nghiệp nhiều nơi khác kêu, đó là khả năng khó khăn về tiếp cận đất đai. Sự bất ngờ cũng nằm ở nhóm cuối cùng khi Cao Bằng ở vị trí cuối bảng năm 2009 đã nhảy 11 bậc, từ nhóm “Thấp” lên cuối nhóm “Khá”, đẩy vị trí cuối cùng cho Đắc Nông.
Kết quả PCI 2010 cũng đưa đến sự cảnh báo về hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM. Hai địa phương này đều giật lùi trong bảng xếp hạng năm nay: TPHCM lần đầu tiên rớt khỏi hạng “Tốt” xuống “Khá” với mức giảm 7 bậc, đứng vị trí 23; Hà Nội tụt 10 vị trí xuống thứ 43.
|
Sản xuất thiết bị đọc mã vạch tại Nhà máy Datalogic Scanning Việt Nam trong Khu công nghệ cao TPHCM.
|
Khu vực ĐBSCL tiếp tục gây ấn tượng với sự cải thiện ổn định, vững chắc. Nếu tính cả Cần Thơ và Long An thì có đến 9/22 địa phương ở khu vực này xếp hạng “Rất tốt” và “Tốt”. PCI 2010 cũng cho thấy, số tỉnh, thành phố thuộc nhóm có chất lượng điều hành “Rất tốt” giảm từ 6 xuống còn 3 địa phương, nhóm “Tốt” cũng giảm từ 20 xuống còn 19 địa phương.
Những sụt giảm đáng lo ngại
Theo ông Francis Donovan - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam, PCI 2010 cho thấy, đa số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là những doanh nghiệp sản xuất tương đối nhỏ, chủ yếu hoạt động xuất khẩu và chọn đầu tư vào Việt Nam do chi phí lao động thấp. Chính vì vậy, thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là cần tìm kiếm và thu hút được thế hệ các nhà đầu tư nước ngoài mới có năng suất, công nghệ cao hơn… Điều đó đòi hỏi cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và hệ thống quy định để giảm chi phí và rủi ro cho kinh doanh tại Việt Nam.
|
Điểm đáng lo ngại được PCI 2010 chỉ ra là các lĩnh vực chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian có xu hướng giảm điểm.
Từng được coi là lĩnh vực có sự thay đổi lớn nhất qua các cuộc điều tra PCI trước đây và là lĩnh vực tốt nhất trong 9 lĩnh vực của môi trường kinh doanh, nhưng cuộc điều tra PCI năm thứ 6 đã cho thấy chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” đã không hề có sự tiến bộ.
Trong giai đoạn 2006-2009, thời gian đăng ký kinh doanh trung bình đã giảm một nửa so với trước đó, song đến năm 2010, xu hướng cải cách này có xu hướng chững lại. Số ngày đăng ký kinh doanh mới hay sửa đổi đều dừng ở mức 2009, lần lượt là 10 và 7 ngày.
Số giấy tờ nộp bổ sung tăng lên và kết quả là tỷ lệ doanh nghiệp (ở các tỉnh trung vị) phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho việc chính thức hoạt động, tăng từ 19,35% năm 2009 lên 24,39% năm 2010; doanh nghiệp chờ hơn 3 tháng tăng từ 4,44% lên 5,77%.
Tương tự là chỉ số “Tính minh bạch”. Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy hầu hết các chỉ tiêu của chỉ số tính minh bạch đều sụt giảm so với 2009. Khả năng tiếp cận tài liệu cũng như văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh đều có xu hướng giảm. Khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật được đánh giá trung bình là 3,05 điểm so với 3,11 điểm của năm 2009, giảm xuống gần với mức năm 2007.
Để tiếp cận các thông tin, tài liệu kế hoạch theo đánh giá của doanh nghiệp thì việc sử dụng mối quan hệ đang tăng lên. Có đến 78,64% doanh nghiệp qua điều tra PCI 2010 cho biết cần có quan hệ để tiếp cận thông tin của tỉnh, tăng hơn 17% so với năm 2009.
Chỉ số minh bạch sụt giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là một chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Chỉ số này tác động lớn nhất đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và là một trong hai chỉ số có trọng số cao nhất trong hệ thống các chỉ số thành phần của PCI.
Chi phí không chính thức vẫn đóng vai trò quan trọng
Theo điều tra của nhóm nghiên cứu, có đến 21% trong số 7.300 doanh nghiệp trong nước được hỏi thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh, 40% doanh nghiệp trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước.
Với khối FDI, 18% trong số 1.155 doanh nghiệp cho biết có tiến hành “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục đăng ký và cấp phép kinh doanh. Nhưng việc chi trả hoa hồng trong đầu thầu còn xảy ra phổ biến hơn khi các hợp đồng của Chính phủ thường rất hấp dẫn và các nhà đầu tư sẵn lòng mở hầu bao nếu họ biết cán bộ đấu thầu cũng “có thiện chí”.
Cũng theo nhóm điều tra, nếu xét lịch sử hoạt động, doanh nghiệp cổ phần từng là doanh nghiệp nhà nước có xu hướng trả phí “bôi trơn” nhiều hơn so với doanh nghiệp cổ phần mới thành lập.
Theo bà Virgnia Noote, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Hoa Kỳ, thực tế trên cho thấy cần cải thiện tình trạng doanh nghiệp phải lót tay cho các hoạt động kinh doanh. Bà cho rằng cần khảo sát ý kiến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự kiến đầu tư ở Việt Nam nhưng sau khi tìm hiểu xong thủ tục lại rút lui. Đó sẽ là một kênh thông tin hữu ích để hiểu về những tồn tại.
Theo SGGP