Quản trị doanh nghiệp

Tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

Tăng gánh nặng cho doanh nghiệp

Ngày 16-3, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) và dự án Sáng kiến cạnh tranh VN (VNCI) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010.

 

Theo kết quả PCI năm 2010, đứng đầu danh sách tỉnh thành được doanh nghiệp “chấm điểm” về chất lượng điều hành kinh tế cao nhất vẫn là Đà Nẵng, tiếp theo là Lào Cai, Đồng Tháp được đứng trong nhóm “Rất tốt” với điểm số 67-69,7 điểm.

“Đại gia” tụt hạng

Đáng lưu ý là năm 2010, số tỉnh thành thuộc nhóm “Rất tốt” đã giảm chỉ còn ba tỉnh, so với sáu tỉnh năm 2009. Nhóm “Tốt” giảm từ 20 tỉnh xuống còn 19 tỉnh. Ngay cả Đà Nẵng dù đứng đầu nhưng thực tế số điểm giảm xuống khá mạnh, tới 6,19 điểm so với năm 2009.

Bình Dương dù có ba năm đứng đầu danh sách PCI nhưng đã tụt hạng và tụt điểm khá mạnh, lần đầu tiên rời khỏi tốp “Rất tốt”, về vị trí thứ 5.

Một số tỉnh thành lớn cũng đang tiếp tục cho thấy ít có cải cách được đưa ra để giúp doanh nghiệp. Như TP.HCM tụt bảy bậc trong bảng xếp hạng, đứng thứ 23/63 tỉnh thành. Tính từ năm 2007, TP.HCM (từ vị trí thứ 10) đã liên tục tụt hạng, hai năm 2008-2009 mỗi năm tụt đều ba bậc.

Mức độ tụt điểm của Hà Nội còn lớn hơn, năm 2010 tụt tới mười bậc, từ vị trí thứ 33 nay chỉ đứng thứ 43. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp giới doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của Hà Nội xấu đi.

Trả lời chất vấn báo chí bên hành lang lễ công bố, một quan chức Sở Kế hoạch - đầu tư Hà Nội phát biểu “với đất đai, hạ tầng hiện nay thì Hà Nội tụt là đúng”. Kiên Giang cũng tụt tám bậc, cá biệt, tỉnh Điện Biên năm 2010 bị tụt tới 20 bậc, từ vị trí thứ 27 xuống vị trí thứ 47.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành, đặc biệt là những vùng xa, kết quả PCI cho thấy lãnh đạo các tỉnh đã có cố gắng lớn để cải thiện môi trường kinh doanh.

TP Cần Thơ năm 2010 đã vượt được tới tám bậc, vươn lên vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng. Ninh Bình vượt 21 bậc, Cao Bằng từ vị trí “đội sổ”, năm nay cũng đã được ghi nhận những cải cách với vị trí thứ 52, vượt 11 bậc...

70% doanh nghiệp phải “bôi trơn” hải quan

Lần đầu tiên trong báo cáo chỉ số PCI năm 2010, thông tin chi tiết và bằng chứng về chi phí không chính thức của doanh nghiệp được đưa ra. 70% nhà đầu tư thường xuyên xuất khẩu khẳng định họ phải chi “bôi trơn” để được thông quan nhanh.

21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận phải trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% phải trả hoa hồng để có được các hợp đồng từ các cơ quan nhà nước.

FDI giá trị thấp

Năm 2010, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu PCI khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp FDI (đầu tư nước ngoài). Kết quả cho thấy 67% doanh nghiệp FDI mà VN thu hút được thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. 54% doanh nghiệp FDI nhập hàng hóa dịch vụ trung gian từ nước ngoài nên tác động lan truyền cho nền kinh tế VN rất thấp.

Theo TS Edmund Malesky - giáo sư Đại học California-San Diego, thành viên nhóm nghiên cứu PCI, VN cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư để có thể thu hút được thế hệ đầu tư mới có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có thể trả lương cao cho người lao động VN.

Ông Edmund Malesky cho biết 88% số doanh nghiệp được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại ở các tỉnh thành không phải yếu tố then chốt khiến họ đầu tư. Họ sẵn sàng từ bỏ ưu đãi cao hơn nếu các quy định về kinh doanh minh bạch hơn.

Bà Virginia Foote, chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, khuyến nghị để thu hút FDI chất lượng cao hơn, VN cần khảo sát cả những người đã rút đầu tư tại VN. Có nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn vào VN nhưng những rắc rối liên quan đến quản lý nhà nước, thiết chế, pháp lý... khiến họ quyết định từ bỏ đầu tư vào VN.

Cải cách đã tới giới hạn?

* Chỉ số PCI 2010 cho thấy chất lượng điều hành kinh tế đi xuống? Nhóm làm PCI có bị áp lực từ các địa phương khi tiến hành khảo sát chỉ số này?

- Ông Trần Hữu Huỳnh (phó tổng thư ký VCCI): PCI đã chứng minh được nó đánh giá các tỉnh không phải dựa trên vị trí địa lý, trình độ phát triển mà là chất lượng điều hành.

Tất nhiên kết quả có thể không vui với một số địa phương nhưng áp lực tác động đòi hỏi chúng tôi phải thế này, phải thế kia thì không còn. PCI nay đã là chỉ số được lãnh đạo nhiều tỉnh lấy làm cơ sở để cải cách.

Kết quả PCI 2010 cho thấy chất lượng điều hành đang có xu hướng thấp đi. Điều đáng lo ngại là chi phí gia nhập thị trường, khả năng tiếp cận đất đai, đặc biệt là tính minh bạch giảm mạnh. Chỉ số minh bạch đã bị giảm điểm năm 2009 và tiếp tục xấu đi trong năm 2010 là chỉ báo đáng lo ngại về chất lượng môi trường kinh doanh cấp tỉnh.

* Hầu hết các địa phương lớn đều giảm điểm trong PCI 2010. Phải chăng họ đã không muốn cải cách nữa?

- Một trong những tác dụng quan trọng nhất của PCI là chỉ ra yếu kém phải chuyển đổi mạnh nếu muốn tái cấu trúc, cải cách thành công. Nhưng thực tế chỉ số PCI năm 2010 cho thấy đang có sự xa rời cạnh tranh trong một số lĩnh vực như chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức...

Trong bối cảnh khó khăn của năm 2010, doanh nghiệp phải đối mặt khó khăn rất lớn nhưng chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh dường như không có thay đổi nên chỉ số CPI đã cho thấy doanh nghiệp bị tăng thêm nhiều gánh nặng.

Phân tích kỹ chuỗi thời gian từ năm 2006-2010, đúng là các tỉnh đã có thay đổi, cải cách những lĩnh vực yếu, mất điểm nhất, nhưng hiện nay thì đang có sự chững lại. VN vẫn cần đòi hỏi cải cách sâu rộng hơn nữa. Nhiều tỉnh vùng xa vươn lên cho thấy bất kỳ vùng nào chỉ cần có phương pháp đúng, quyết tâm thì có thể cải thiện, không kể điều kiện địa lý, bối cảnh, thời điểm thuận lợi hay không.

 

10 tỉnh thành dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh

Tỉnh, thành phố

Ðiểm PCI 2010

Thứ hạng

Nhóm xếp hạng

Ðà Nẵng

69,77

1

Rất tốt

Lào Cai

67,95

2

Rất tốt

Ðồng Tháp

67,22

3

Rất tốt

Trà Vinh

65,80

4

Tốt

Bình Dương

65,72

5

Tốt

Bắc Ninh

64,48

6

Tốt

Quảng Ninh

64,41

7

Tốt

Hậu Giang

63,91

8

Tốt

Vĩnh Long

63,40

9

Tốt

Bến Tre

63,11

10

Tốt

Là một trong những điều tra xã hội học lớn và toàn diện nhất cả nước, PCI được sử dụng như một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế của 63 tỉnh, TP Việt Nam trên chín lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh.

1. Chi phí gia nhập thị trường.
2. Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất.
3. Tính minh bạch và tiếp cận thông tin.
4. Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước.
5. Chi phí không chính thức.
6. Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh.
7. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
8. Đào tạo lao động.
9. Thiết chế pháp lý.

______________________

TS Edmund Malesky:

Doanh nghiệp FDI bị “gánh nặng” kiểm tra

Các doanh nghiệp FDI được khảo sát cho biết họ phải tiếp nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra. Khác doanh nghiệp trong nước chủ yếu bị cơ quan thuế kiểm tra, doanh nghiệp FDI rất hay bị các cơ quan phòng chống cháy nổ và một vài cơ quan khác kiểm tra.

Doanh nghiệp FDI bị kiểm tra ít nhất hai lần/năm ở những nơi ít “phiền toái” nhất như Hà Nội và bị thanh tra, kiểm tra trung bình tới năm lần/năm với tỉnh “nhiều vấn đề” như Vĩnh Phúc.

Bị cắt điện 89 giờ/tháng

Số giờ bình quân doanh nghiệp bị cắt điện trong tháng đã tăng từ 50 giờ năm 2009 lên 89 giờ, tăng gần 2 lần. Chỉ có 59% lần cắt điện được báo trước, còn 41% hoàn toàn không có thông báo. Mức gây thiệt hại được doanh nghiệp đánh giá là lớn vì phải tạm dừng dây chuyền, hỏng máy móc...

CẦM VĂN KÌNH (tuoitre.vn)

 

 


Tin tức liên quan