Doanh nghiệp tiêu biểu năm

Cảng biển - Tiềm năng của Thừa Thiên Huế

Cảng biển - Tiềm năng của Thừa Thiên Huế

Ngày cập nhật: 31/03/2011 06:56 AM

Trong những năm qua, Cảng Thuận An và Cảng nước sâu Chân Mây đã góp phần đáng kể trong vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường hàng hải trên địa bàn. Hiện tại, 2 hải cảng này đang đứng trước nhiều cơ hội mới để phát triển.

Ngày 25 tháng 01 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 07/2011/QĐ-TTg về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; trong đó xác định: Khu bến Chân Mây có chức năng chính làm hàng tổng hợp, phục vụ trực tiếp khu công nghiệp Chân Mây và một phần hàng quá cảnh cho Lào. Có bến chuyên dùng phục vụ công nghiệp đóng sửa tàu và chuyên dùng phục vụ khách du lịch quốc tế, nội địa Bắc-Nam, tiếp nhận tàu hàng từ 30.000 đến 50.000 tấn, tàu khách đến 100.000 GRT… Bến cảng vệ tinh Thuận An tiếp nhận tàu 3.000 đến 5.000 tấn.


Xếp dỡ hàng hóa tại cảng Thuận An

Từ đầu năm nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã cho tàu HB của Công ty Nạo vét Biển vào nạo vét luồng cảng Thuận An và sẽ hoàn thành trong vài tháng tới, đảm bảo cho tàu trên 1.000 tấn vào cập cảng. Ông Võ Văn Trí cho biết thêm: Mới nghe thông tin tàu HB vào nạo vét luồng, đã có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký thông hàng qua cảng. Điều này cho thấy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp thông qua cảng Thuận An là rất lớn…

Trước đó, Quyết định 86, ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, trong đó, định hướng cảng Chân Mây thành cảng trung tâm phân phối quốc tế Đông và Tây, cảng hành khách của tuyến cao tốc trên biển; nâng công suất cảng Chân Mây đạt 2,2 đến 2,3 triệu tấn/năm, đạt 6 triệu tấn/năm vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 50.000 tấn. Định hướng mở rộng cảng Thuận An đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm, vào năm 2020, đủ năng lực đón tàu 5.000 tấn. Bên cạnh đó, trong Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế-Xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020” thì cảng Thuận An được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư nâng cấp mở rộng thành cảng hàng hóa.

Chân Mây, hướng đến cảng biển quốc tế
Cảng nước sâu Chân Mây là một trong những cảng biển có độ sâu nhất so với các cảng biển trong nước, với từ 9 mét đến 14 mét, có khả năng tiếp nhận các tàu tải trọng đến 50.000 tấn. Cảng Chân Mây là cửa ngõ quan trọng thông ra biển Đông của Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; Đông Bắc Thái Lan và cả tiểu vùng sông Mê Kông. Trong tương lai không xa, khi các dự án ở Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô hoàn thành đưa vào hoạt động thì cảng Chân Mây sẽ thêm nhộn nhịp. Đến nay, Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô có hơn 30 dự án, với tổng số vốn đầu tư lên gần 2 tỷ USD; trong đó có những dự án về du lịch rất lớn như dự án Khu du lịch Cù Dù của Tập đoàn BANYAN TREE (Singapore), với số vốn đầu tư lên 875 triệu USD; dự án Bãi Chuối của Tập đoàn KATIGARA (Singapore), với số vốn 102 triệu USD; dự án Đầm Lập An của Tập đoàn NORDICA (Đan Mạch), với số vốn 299 triệu USD…
Cảng Chân Mây tuy mới đưa vào sử dụng Bến số 1 nhưng bình quân mỗi năm đã tiếp nhận 1,4 triệu tấn hàng hóa và khoảng 50.000 khách du lịch quốc tế. Cùng với nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa qua cảng ngày một tăng cao, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đang đầu tư mở rộng kho xăng dầu tại cảng Chân Mây, với sức chứa 100.000 m3 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Bên cạnh đó, công ty này cũng đang hoàn tất hồ sơ đầu tư chuẩn bị xây dựng cảng chuyên dùng 30.000 DWT để xuất khẩu dầu. Mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề nghị hợp tác với tỉnh, để đầu tư phát triển hệ thống cảng biển tại Chân Mây, hoàn thiện Bến cảng số 1, đầu tư xây dựng mới Bến cảng số 2 và khu dịch vụ dầu khí tại Chân Mây, phục vụ cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi Trung bộ.
Ổn định luồng cho cảng Thuận An
Cảng Thuận An nằm cách TP Huế và các khu công nghiệp trên địa bàn chỉ trên dưới 20 km; rất thuận tiện cho việc luân chuyển hàng đến các nhà máy và ngược lại. Thực tế từ năm 2001 đến năm 2006, cảng Thuận An luôn tấp nập tàu vào ra, với lượng hàng thông qua cảng bình quân đạt 250 ngàn tấn/năm. Song, sự biến đổi bất thường của thời tiết và tình trạng xói lở bờ biển Hải Dương đã ảnh hưởng lớn đến luồng chạy tàu cảng Thuận An. Năm 2007, Chính phủ đã cho xây dựng công trình Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương và chỉnh trị luồng cảng Thuận An. Đến nay, giai đoạn 1 của công trình đã hoàn thành và đã có tác động rất lớn đến môi trường chung quanh; song, vấn đề ổn định luồng chạy tàu cho cản Thuận An vẫn chưa như mong muốn.

Tàu cập cảng Chân Mây
Ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh cho biết: Hiện tại, UBND tỉnh đang có tờ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chuyển cảng Chân Mây từ Tập đoàn Vinashin sang cho tỉnh quản lý để có cơ sở trong đầu tư, mở rộng cảng và đã được chấp nhận. Một số thủ tục còn vướng mắc với Vinashin sẽ được giải quyết trong thời gian sắp tới.
Lãnh đạo tỉnh cùng với Sở GTVT đã làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty đầu tư Quản lý vốn Nhà nước và đã được các cơ quan này đồng ý cho mua một chiếc tàu nạo vét cỡ vừa để cảng chủ động duy tu bảo dưỡng luồng cảng hàng năm; đồng thời, xúc tiến triển khai giai đoạn 2 dự án Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương và chỉnh trị luồng cảng Thuận An.
Ông Võ Văn Trí, Giám đốc Cảng Thuận An cho biết: Việc quan trọng nhất bây giờ là phải nạo vét luồng, cho tàu lớn vào cập cảng. Hạ tầng của cảng Thuận An hiện tại khá đảm bảo. Chúng ta đã có cầu cảng 2.000 tấn; phương tiện xếp dỡ và nhân lực được đầu tư trong thời gian qua vẫn đáp ứng được nhu cầu xếp dỡ… Khi luồng cảng ổn định cho tàu ra vào làm hàng thì sẽ tiếp tục mở rộng cảng như: Nâng cấp cầu cảng cũ từ 2.000 tấn lên 3.000 tấn; sau đó, sẽ xây dựng thêm từ 1 đến 2 cầu cảng nữa, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, việc đầu tư nâng công suất, hiệu quả hoạt động cảng Chân Mây và Thuận An là nhiệm vụ chiến lược; nhằm khai thác hết tiềm năng và lợi thế của một tỉnh có mặt tiền hướng ra biển Đông, thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh phát triển.
Đặng Thành (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan