Chung tay kiềm chế lạm phát
Ngày cập nhật: 03/04/2011 06:41 PM
Cùng với những giải pháp kiềm chế lạm pháp (KCLP), ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội mà Chính phủ và các ban ngành chức năng đã và đang triển khai quyết liệt, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp thiết thực nhằm góp phần thực hiện mục tiêu KCLP.
DN tìm cách gỡ khó
Chúng tôi đến Công ty CP Dệt - May Phú Hòa An tại Khu công nghiệp Phú Bài trong thời điểm mà cả nước đang ra sức triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu KCLP, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Là một DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc nên từ đầu năm 2011, DN phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá điện, xăng dầu tăng cao cùng với các loại nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất cũng tăng vọt. Trước tình hình đó, đơn vị đã lên kế hoạch và đầu tư ngay hệ thống lò hơi với tổng kinh phí 120 triệu đồng phục vụ cho việc ủi hàng và chế biến thức ăn thay thế việc sử dụng điện lưới. Với hệ thống lò hơi tiện ích này, trung bình mỗi tháng đơn vị tiết kiệm được 50% số lượng điện tiêu thụ, tương đương với khoảng 17 triệu đồng/tháng.
Công ty CP Dệt - May Phú Hòa An đầu tư hệ thống lò hơi để sử dụng hệ thống bàn ủi thay thế điện nhằm giảm chi phí
Anh Lê Hồng Long, Giám đốc Công ty CP Dệt - May Phú Hòa An cho biết: “Trong thời buổi vật giá leo thang cùng với tình hình lạm phát như hiện nay, DN đang nghiên cứu để tìm ra các giải pháp thích hợp nhằm góp phần KCLP, ổn định đời sống cho người lao động. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống lò hơi tiết kiệm điện, đơn vị đã đầu tư hệ thống công tắc điện riêng lẻ đối với từng chuyền may nhằm giảm bớt chi phí tiền điện. Và khi các giải pháp tiết giảm chi phí được thực hiện thì không những đơn vị vẫn duy trì tốt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mà đời sống người lao động cũng không bị ảnh hưởng”.
Tại Siêu thị Big C Huế, cùng với các hoạt động kinh doanh thường nhật, những ngày đầu tháng 3 đơn vị cũng đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm góp phần KCLP và ổn định kinh doanh. Công việc đầu tiên mà đơn vị thực hiện đó là liên kết với các DN đầu mối tại các tỉnh, TP lớn trong cả nước để dự trữ một số lượng hàng hóa thiết yếu nhằm bình ổn thị trường. Theo đó, đơn vị đã dự trữ 60 tấn gạo, 200 tấn đường, 30 tấn muối, 40 tấn sữa các loại và nhiều mặt hàng khác, tăng hơn 30% so với số lượng hàng dự trữ năm 2010. Với số lượng hàng hóa luôn dồi dào nên giá cả nhiều mặt hàng có mặt tại siêu thị cũng giữ bình ổn. Mặt khác, nhằm tạo điều kiện để người dân các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được mua sắm các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị với giá rẻ cũng như các tư thương gom hàng về quê buôn bán, đơn vị đã đầu tư 4 tuyến xe buýt miễn phí phục vụ người dân tại 4 địa phương trong tỉnh, đó là thị trấn Phong Điền (Phong Điền), Sịa (Quảng Điền), Thuận An (Phú Vang) và Truồi (Phú Lộc). Với 44 lượt đi và về mỗi ngày, trung bình mỗi tháng Big C Huế phải chi cho việc vận chuyển khách miễn phí này lên đến trên 300 triệu đồng. Song, cái được lớn nhất dành cho người dân đó là được đi xe buýt miễn phí lên thành phố, kết hợp việc mua sắm hàng hóa.
Các ban ngành vào cuộc
Sau khi UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ, Sở Công Thương đã lên kế hoạch để thực hiện tốt mục tiêu KCLP. Vào những ngày cuối tháng 3, đoàn cán bộ do ông Lê Phước Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa tại 8 DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo các DN đã báo cáo tình hình dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đồng thời lên kế hoạch tiếp tục cung ứng các mặt hàng mà thị trường cần cũng như đảm bảo công tác bình ổn giá từ nay đến hết năm 2011. Nhằm thực hiện mục tiêu KCLP, Sở đã phối hợp với các ngành quản lý Nhà nước về giá đối với các mặt hàng thiết yếu thực hiện theo Nghị định 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ như đăng ký, kê khai, công khai niêm yết giá; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trước hết là đối với 14 mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, phân bón, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, xi măng, sắt thép,.. đặc biệt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hoá dịch vụ có liên quan sau khi tăng giá các loại hàng như điện và xăng dầu.
Anh Trần Đình Thạnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: “Để thực hiện mục tiêu KCLP và ổn định đời sống cho người dân, trước mắt sở sẽ đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa; khuyến khích các DN tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng về nông thôn và bán hàng bằng các xe lưu động. Song, các mặt hàng đưa về nông thôn phải đảm bảo về chất lượng, giá cả hợp lý và sẽ có chính sách hỗ trợ DN thông qua việc dự trữ hàng với mục đích người dân nông dân sẽ được mua hàng giá rẻ.”
Bằng nhiều nỗ lực thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hy vọng các ban, ngành chức năng cũng như các DN trên địa bàn sẽ thực hiện tốt mục tiêu KCLP, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội nhằm góp phần chung tay giúp người dân ổn định đời sống trong thời buổi lạm phát gia tăng.
Bài, ảnh:Thanh Hương (Baothuathienhue)