Hội thảo“Xây dựng thương hiệu cho Du lịch Thừa Thiên Huế” vừa diễn ra tại Huế đã quy tụ được nhiều tham luận, nhiều ý kiến tâm huyết của các học giả, các nhà nghiên cứu, người làm công tác du lịch… Sau hội thảo này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - người đã có không ít trăn trở với du lịch Huế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tại hội thảo quốc tế “Xây dựng thương hiệu cho Du lịch Thừa Thiên Huế”, trong tham luận cũng như trong phát biểu ông có nhận xét du lịch Huế thời gian qua chỉ mới khai thác “phần cứng” chứ chưa quan tâm nhiều đến việc khai thác “phần mềm” của nguồn tài nguyên du lịch Huế. Ông có thể dẫn chứng một vài ví dụ về vấn đề này?
Cái máy vi tính gồm có phần cứng là các thiết bị (màn hình, CPU) ráp lại thành bộ máy vi tính (phần cứng), muốn sử dụng theo yêu cầu, người ta phải cài đặt các chương trình vận hành riêng (phần mềm). Phần mềm vô cùng phong phú, đa dạng. Tuy không khớp lắm, nhưng để dễ hiểu người ta gọi nguồn tài nguyên du lịch có sẵn như kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, sông núi, các thành tựu văn học nghệ thuật, ẩm thực… là “phần cứng”; từ nguồn tài nguyên có sẵn đó người ta gia công sáng tạo nên nhiều mặt hàng luôn luôn mới, thích hợp với mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh gọi là “phần mềm”.
Ví dụ: Điện Thái Hòa - một kiến trúc có sẵn là “phần cứng”. Những sự kiện lịch sử mang tầm quốc gia, quốc tế diễn ra ngay trong điện Thái Hòa là “phần mềm”. Có thể kể chuyện các vua Nguyễn đón các sứ thần ngoại quốc, chuyện Phan Đình Phùng đàn hạch Tôn Thất Thuyết (1883) giữa triều đình và cụ Phan bị Tôn Thất Thuyết tống giam, chuyện vua Hàm Nghi tiếp các quan chức Pháp năm 1885, chuyện vua Duy Tân lên ngôi (1908), chuyện vua Duy Tân khởi nghĩa (1916) v.v.. Cho đến nay khách du lịch mới chỉ được enjoy (tham quan, thưởng ngoạn) cái kiến trúc nơi các vua Nguyễn thiết triều ngày xưa mà thôi.
Biết đâu các hướng dẫn du lịch giỏi họ cũng đã giới thiệu những sự kiện ông vừa đề cập thì sao?
Sự thưởng ngoạn của khách du lịch là trực quan, tai nghe nhưng mắt phải thấy nữa. Họ phải được thấy tranh, tượng, hình ảnh, phim ảnh lịch sử kết hợp với những lời thuyết minh ngắn gọn nữa mới thỏa mãn. Ví dụ như lễ lên ngôi của vua Duy Tân tại điện Thái Hòa, ít nhất phải có một cái tượng vua Duy Tân năm ông 8 tuổi, hình ảnh vua Duy Tân lúc đó cùng với hình ảnh các quan đại thần và hình ảnh mấy quan chức thực dân Pháp quyết định việc chọn Vĩnh San lên ngôi. Với hình ảnh vua Duy Tân, hiện có các điêu khắc gia nghiên cứu nặn lên một bức tượng vua Duy Tân bằng sáp không phải là việc không thể làm được. Chuyện các vua khác cũng thế. Các sự kiện diễn ra trong năm, tháng nào ứng với sự kiện gì ta trưng bày thuyết minh sự kiện đó. Mỗi lần khách tham quan điện Thái Hòa, họ chỉ được biết một sự kiện thôi, ở các điểm tham quan khác cũng thế. Do đó họ phải trở lại Huế nhiều lần để khám phá Huế tiếp. Nếu không khai thác cái phần mềm liên quan đến lịch sử ấy thì khách du lịch chỉ cần đến thăm điện Thái Hòa một lần rồi từ biệt là vừa.
Theo cách hiểu của ông, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngoài nhiệm vụ tu sửa bảo tồn di tích-di sản văn hóa của nhân loại còn phải làm nhiệm vụ phục vụ du lịch?
Thực tế mấy chục năm nay đã diễn ra đúng như thế. TTBTDTCĐ Huế vừa làm nhiệm vụ bảo tồn còn có nhiệm vụ phục vụ du lịch. Phục vụ du lịch để quảng bá văn minh văn hóa Việt Nam đồng thời giáo dục quần chúng về lịch sử văn minh văn hóa của dân tộc mình và đặc biệt đây là một nguồn thu xuất khẩu tại chỗ rất lớn của địa phương. Rất tiếc là Trung tâm mới quan tâm nhiều đến “phần cứng” của tiền nhân để lại chứ chưa đầu tư thích đáng vào “phần mềm” sáng tạo ra những mặt hàng mới như cách thức khai thác du lịch của các nước có di sản thế giới. Ta phục dựng lại lễ hội tế Nam Giao, tế Xã tắc được khách du lịch rất chú ý, nhưng các lễ Ban sóc, Tịch điền, Phất thức…rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội ngày nay thì vô tình đã để cho một số địa phương khác “phổng tay trên”.
Ông có nhận xét gì về việc khai thác “phần cứng” nguồn tài nguyên du lịch Huế ?
Ngành du lịch Huế còn thờ ơ với vô số tài nguyên du lịch Huế. Ngoài những điểm chưa được khai thác tôi vừa dẫn chứng trong tham luận đọc trong hội thảo vừa qua, báo chí đã viết nhiều về lăng mộ chín đời chúa Nguyễn - lăng mộ của những người đã có ý tưởng mở nước từ Thuận Hóa xuống tận cùng miền Nam (chúa Nguyễn Hoàng), người đã khai sinh Sài Gòn trước đây và là TP HCM ngày nay (Nguyễn Phúc Chu), và người đã kết thúc cuộc Nam tiến (Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt)v.v... chưa hề được đưa vào phục vụ tham quan du lịch.
Ngày sinh hay ngày mất của các vị chúa có công mở nước xuống tận mũi Cà Mau có thể tổ chức thành những ngày hội hằng năm để cho dân Việt nhớ ơn những người đã có công mở nước. Các vị chúa có công ấy là “các vua Hùng” của đất xứ Đàng Trong. Đứng trên lầu Khách sạn Hương Giang nhìn con sông Thọ Lộc bắt nguồn từ Đập Đá xuôi về giữa hai huyện Hương Thủy và Phú Vang sâu rộng, êm đềm, thơ mộng biết bao, có thể chứa được hàng chục nhà hàng nổi, khách sạn nổi nhưng cho đến nay ngành du lịch Huế chưa hề để mắt tới. Phủ thờ các nhà thơ Hoàng tộc lớn như Phủ Tùng Thiện (phường Vĩnh Ninh), Phủ Tuy Lý (phường Vỹ Dạ), Nhà thờ Mai Am (xã Thủy Biều) v.v… Phải có một nghiên cứu thống kê một cách khoa học mới thấy hết được nguồn tài nguyên du lịch Huế chưa được quan tâm khai thác.
Ông lý giải vì sao lại có sự thể ấy ?
Vì tỉnh chưa được quy hoạch, do đó du lịch Thừa Thiên Huế cũng chưa được quy hoạch, chưa được quy hoạch thì ai dám xông vào đầu tư? Khả năng sở du lịch trước đây và bộ phận du lịch của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch ngày nay chưa ngang tầm với việc phát triển du lịch Huế; Và thứ lỗi cho tôi được nói thẳng: So với Hội An chẳng hạn, lãnh đạo của tỉnh cũng như của thành phố Huế có vẻ chưa quan tâm đúng mức đến việc khai thác nguồn tài nguyên du lịch Huế. Lãnh đạo mà thờ ơ, làm sao cán bộ nhân viên làm du lịch say mê được? Mình mà không mê làm sao khách có thể mê để đến với ta?
Xin cám ơn những ý kiến tâm huyết của ông.
Diên Thống (TTH)