Quản trị doanh nghiệp

“Vượt rào” lãi suất

“Vượt rào” lãi suất

Ngày cập nhật: 06/04/2011 05:35 AM

Để không bị “thổi còi” về vượt trần lãi suất huy động, nhiều ngân hàng thu hút khách gửi tiền bằng khuyến mãi, trích hoa hồng cho người môi giới...

Câu chuyện về lãi suất lại được dấy lên khi không ít ngân hàng (NH) tìm mọi cách “vượt rào” lãi suất đầu vào không quá 14%/năm.
 
Khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Ảnh: Hồng Thúy
 
Chi trả lòng vòng, tận dụng khuyến mãi

Ngày 4/4, khảo sát các NH, chúng tôi đều ghi nhận lãi suất tiết kiệm niêm yết không quá 14%/năm. Thế nhưng, thực tế khách hàng gửi tiết kiệm vài trăm triệu đồng trở lên vẫn có thể thỏa thuận được lãi suất từ 15% - 17%/năm. Với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên, nhân viên NH thường tư vấn cho khách hàng tìm kiếm người thân quen của NH giới thiệu đến NH gửi tiền mới dám thỏa thuận lãi suất theo hướng: Chứng từ thể hiện lãi suất 14%/năm, phần lãi suất trả thêm 1% - 3% sẽ được NH chi trực tiếp cho người gửi.
 
Tuy nhiên, nhân viên của nhiều NH cho biết việc chi trả trực tiếp phần lãi suất tăng thêm khá rủi ro, NH có thể bị cơ quan quản lý xử phạt hàng trăm triệu đồng, hạn chế một số hoạt động kinh doanh… Vì thế, không ít NH đã nghĩ ra “chiêu” đề nghị người gửi tiền đem theo người nhà đến NH và người nhà được xem là “người môi giới” giới thiệu khách cho NH. Khi đó, NH sẽ chi hoa hồng từ 1% - 3%/năm (đối với số tiền gửi từ vài trăm triệu đồng trở lên) vào tài khoản của “người môi giới”. Tiếp đó, “người môi giới” đề nghị NH chuyển tiếp số tiền đó vào tài khoản của người gửi tiết kiệm là hoàn tất phi vụ...

Tại thời điểm này, các NH cũng đang khuyến mãi rầm rộ để thu hút tiền gửi. BIDV, VPBank, VietinBank vừa quay số tổng kết đợt khuyến mãi đầu xuân nhưng đã “gối đầu” một số chương trình khuyến mãi mới. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết với trần lãi suất 14% áp dụng đồng loạt trong hệ thống, các NH rất khó thu hút tiền gửi nên buộc phải khuyến mãi.
 
Thế nhưng ngay cả chương trình khuyến mãi lớn như trúng nhà của VPBank đang triển khai cũng không thu hút được nhiều. Vì nếu làm đúng luật, lãi suất ghi sổ chỉ còn 13,2%/năm kèm theo vài món quà nhỏ là vật dụng gia đình. NH phải giải thích rõ nếu người gửi tiền không tham gia khuyến mãi mới được hưởng lãi suất 14%. Nếu tham gia, lãi suất ghi sổ chỉ còn 13,2% cùng quà tặng tại chỗ và được tham gia bốc thăm trúng thưởng hoặc quay số…

Thiếu hụt vốn tạm thời

 
 
PGS - TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia:
Sớm hỗ trợ thiếu hụt thanh khoản
 

Hiện tượng cạnh tranh lãi suất huy động vốn giữa các NH vẫn đang diễn ra quyết liệt. Việc NH tăng lãi suất đầu vào làm tăng lãi suất cho vay sẽ gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp, có thể làm cho doanh nghiệp đình đốn sản xuất, sa thải công nhân dẫn đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ khó thực hiện được.
 
Vì thế, NH Nhà nước cần có biện pháp ngăn chặn NH cạnh tranh lãi suất đầu vào, ổn định thị trường tiền tệ. Cụ thể, NH Nhà nước cần sớm hỗ trợ vốn cho một số NH hiện đang mất cân đối nguồn vốn ra vào (thiếu hụt thanh khoản tạm thời), đồng thời đưa NH đó vào diện kiểm soát, không cho tăng dư nợ cho vay
 
Sở dĩ lãi suất đang nóng trở lại vì nguồn tiền tiết kiệm trong dân cư có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt của NH Nhà nước cũng khiến các NH thương mại thêm khan vốn.

Lãnh đạo một số NH cho biết hiện nay, một số NH nhỏ thiếu hụt vốn tạm thời phải tìm đến NH bạn để vay vốn (thị trường liên NH) nhưng bị “chặt đẹp” với lãi suất từ 20%/năm trở lên (thời hạn vay chỉ vài tuần). Từ đó, NH nhỏ chuyển sang huy động vốn của dân cư nhưng lại vướng “vòng kim cô” lãi suất trần 14%/năm. Để nhanh chóng bù đắp số vốn thiếu hụt, một vài NH nhỏ đã tìm mọi cách vượt trần lãi suất huy động vốn. Các NH khác e ngại khách hàng ra đi cũng phải nghĩ cách giữ chân khách hàng bằng các chiêu khuyến mãi hấp dẫn người gửi tiền mà không vi phạm pháp luật...

Tuy nhiên, nhiều người am hiểu thị trường tiền tệ cho rằng nguyên nhân sâu xa tái diễn hiện tượng “phá rào” lãi suất là tình hình khó thu hồi nợ của các NH nhỏ. Bởi trước đây những NH này đã ồ ạt cho vay, nhất là cho vay vốn các dự án bất động sản (dư nợ cho vay phi sản xuất của hệ thống NH năm 2010 lên tới 431.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay bất động sản).
 
Nay thị trường nhà đất tiếp tục đóng băng, NH không thể một sớm một chiều thu hồi được vốn vay khiến NH rơi vào tình trạng chôn vốn. Do đó, khi nhiều khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm, đặc biệt khách hàng doanh nghiệp, lập tức NH mất cân đối nguồn vốn ra vào, phải “vượt rào” lãi suất để nhanh huy động số vốn thiếu hụt, tạo hiệu ứng dây chuyền đến các NH khác.


Theo NLĐ


Tin tức liên quan