Văn hoá xã hội

Tiềm năng vườn Huế
Tiềm năng vườn Huế
 
Cập nhật lúc 10:09 | 13/04/2011 (GMT+7)
 
Không gian vườn Huế có nhiều nét đặc trưng, trải qua bao năm tháng, cùng với nhiều yếu tố, những nét đặc trưng này càng góp phần tạo nên một tâm hồn, tính cách Huế. Điều này thể hiện khá rõ ở sự quyện hòa gắn kết chặt chẽ giữa bếp Huế và những không gian kiến trúc nhà vườn Huế...

Món ngon trong vườn

Ngày nay, bên cạnh sự ồn ào, náo nhiệt của đời sống đô thị, nhiều không gian nhà vườn Huế xưa hiện còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa quí giá của vùng đất Cố đô như: An Hiên, vườn phủ công chúa Ngọc Sơn, vườn Kim Long... Vườn Huế khá phong phú với nhiều loại cây bản địa, có bố cục khá cân đối phù hợp với mục đích phong thủy của từng chủ nhân. Trong không gian này, các loại cây trái dù lớn hay nhỏ đều được trồng có mục đích và thể hiện triết lý sống của người Huế, mỗi lúc dạo thăm vườn là mỗi lúc con người có được những trải nghiệm thú vị.
Nhà vườn Huế là thứ “thuốc” cho tâm hồn con người.Ảnh: QP
Nhà vườn Huế là thứ “thuốc” cho tâm hồn con người.Ảnh: QP
Lấy cảm hứng từ những ý niệm muốn trải lòng với thiên nhiên, chung sống hòa hợp với tự nhiên, cảnh quan của những ngôi nhà vườn Huế xưa vì thế mà cũng có những nét khu biệt: nhà thì thường xây theo kiểu nhà rường thấp ba gian hoặc năm gian; phía trước thường có những ao nước, lũy tre, khóm trúc...Trong vườn trồng khá nhiều loại cây hoa quả, thích hợp cho việc chế biến các món ăn. Nhìn chung, thiết kế của không gian nhà vườn Huế thường kín đáo và ý nhị. Ngoài khu vườn chủ nhân phải đổ công sức mồ hôi cho mùa đơm hoa kết trái; còn có một không gian vườn Huế khác là nơi nuôi dưỡng tinh thần, thể hiện sức sáng tạo và phản ánh những ước vọng, hoài bão, sở thích của chủ nhân, hình thành nên những nét đẹp của một nếp nhà. Con người trong vườn Huế thường xem cây là bạn, xem ao hồ, bể cạn non bộ là kẻ tri âm, xem chim muông là khách ân tình lưu luyến...Tất cả đã giúp cho khu vườn Huế vừa tràn trề sức sống nhưng cũng có gì đó e ấp trầm tư như chính tính cách hướng nội của con người nơi đây. Tuy vậy, không gian vườn Huế vẫn không kém phần thân thiện, mực thước…Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Bửu Ý, không gian nhà vườn Huế nếu biết kết hợp với những món ngon của Huế, bày biện và thưởng thức trong không gian ấy thì rất thú vị. ...”

Và cứ mùa nào thức ấy, vườn Huế đã cung cấp nguồn thực phẩm, sản vật phong phú liên quan đến các nghi lễ, phong tục của địa phương; hương liệu, dược liệu, giải trí - thư giản, triết lý nhân sinh quan lẫn sinh hoạt thiết thực hàng ngày cho con người. Trong không gian này, sự kết hợp nhuần nhị, hữu cơ giữa phong thái chủ nhân, không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa với thiên nhiên và các món ăn dân dã của người Huế được khai thác, chế biến từ những cây quả có sẵn trong vườn như: món vả trộn, vả kho, mít trộn, búp chuối sứ bóp, dưa chuối sứ, dưa môn... để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Chính vì vậy, chủ đề “Bếp việt trong vườn Huế” tại Festival Nghề truyền thống Huế lần này không nằm ngoài mục đích thể hiện ý đồ của Ban tổ chức là nhằm khơi gợi và khẳng định một mối quan hệ mật thiết giữa không gian vườn Huế và ẩm thực Huế.

Đánh thức tiềm năng

Nhà vườn Huế là một Huế thu nhỏ, có nhà rường cổ, có núi có nước, có nhiều loại cây trái cho hương vị đặc trưng. Vườn được thiết kế có dụng ý, đặc biệt là vườn cây ăn trái và thiên nhiên luôn luôn đạt được sự hòa điệu. Thường thì mỗi khu vườn Huế đều có trồng các loại cây như: mít, vả, khế... Tùy mỗi mùa, nhu cầu sử dụng của chủ nhân, đặc điểm khí hậu thổ nhưỡng, địa thế của vùng đất, vườn Huế có thể thay đổi loại cây trồng thích hợp, thuận tiện cho việc tận hưởng giá trị của khu vườn. Tất cả đều bình dân, song dư vị thì rất đặc biệt. Cùng với óc sáng tạo, trải qua nhiều thế hệ tinh lọc chọn ra những nét văn hóa đặc sắc, chỉnh thể không gian vườn Huế và ẩm thực Huế đã gắn bó mật thiết với đời sống con người. Và mãi cho đến ngày hôm nay, nét văn hóa ấy đã có cơ hội vươn mình lan tỏa trong Festival Nghề truyền thống Huế 2011.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Huế - Bửu Ý, ở thời điểm hội nhập - phát triển và giao thoa văn hóa diễn ra nhanh như hiện nay, nếu biết cách kết hợp và khai thác tốt mối quan hệ hữu cơ của không gian vườn Huế và bếp Huế thì sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng, ví như chính những câu chuyện riêng về lịch sử các khu vườn, hương vị đặc trưng của các món ăn do chính tay người Huế chế biến theo dây chuyền khép kín (từ vườn vào bếp, chế biến thành các món ăn, bày trí địa điểm ăn ngay trong vườn...) cộng thêm cảnh quan tươi đẹp, quyến rũ lòng người chắc chắn sẽ tạo nên xúc cảm đi vào lòng người. Du khách nước ngoài rất thích điều ấy.”

Vườn Huế có rất nhiều thế mạnh và hiện vẫn còn không ít tiềm năng đang chờ khai thác. Làm thế nào để biến vườn Huế thành một địa chỉ du lịch khép kín từ việc ngoạn cảnh đến thư giãn - giải trí và thưởng thức ẩm thực đặc trưng... ngay chính trong không gian này là một bài toán vẫn đang cần lời giải. Lợi thế là vậy, song để thực hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và hỗ trợ đầu tư hiệu quả để khai thác thế mạnh du lịch nhà vườn được bền vững. Khách quan mà nói, ý niệm về không gian nhà vườn Huế và ẩm thực Huế thật ra không phải là một điều gì quá mới mẻ, từ lâu, chúng đã có mối quan hệ hữu cơ. Festival Nghề truyền thống Huế lần này chính là một cơ hội tốt để nhà vườn Huế hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ với tư cách là một sản phẩm du lịch đặc biệt và hoàn chỉnh.

Đức Phương - Quang Phong (TTH).

Tin tức liên quan