Quản trị doanh nghiệp

Ứng dụng Thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Ứng dụng Thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Ngày cập nhật: 14/04/2011 07:27 AM

Thương mại điện tử (TMĐT) được ứng dụng trong tất cả các DN nhằm thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của DN trên thị trường trong và ngoài nước. Giai đoạn 2011-2015, thông qua kế hoạch phát triển TMĐT của UBND tỉnh, nhiều DN trên địa bàn sẽ có cơ hội ứng dụng TMĐT để phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kết quả sau 5 năm triển khai

Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 DN, trong đó đa số là DN vừa và nhỏ; số lượng DN có kết nối internet thường xuyên chiếm khoảng 90% và có khoảng từ 10-12% DN có website riêng. Giai đoạn 2006-2010, bằng sự nỗ lực của các ban, ngành chức năng, nhiều chương trình, nội dung cũng như kế hoạch ứng dụng TMĐT trên địa bàn đạt được kết quả khả quan. Trong đó, số DN có quy mô lớn tiến hành giao dịch TMĐT loại hình DN với DN chiếm từ 50-60%, đạt 92% kế hoạch; số DN vừa và nhỏ với loại hình DN với người tiêu dùng chiếm khoảng 60%, đạt 75% kế hoạch; số hộ gia đình có kết nối internet chiếm khoảng 2-3%... Ngoài ra, qua 5 năm, đến nay toàn tỉnh có khoảng 0,2-0,5% DN cung cấp dịch vụ mua bán trực tuyến.

Hướng dẫn khách hàng cào thẻ mua xăng dầu, đây là một trong những ứng dụng TMĐT khá hiệu quả trong hoạt động kinh doanh xăng dầu
 
 
Qua 5 năm triển khai, nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, kinh doanh siêu thị, xăng dầu, dịch vụ tài chính- ngân hàng, viễn thông đã hiểu rõ những lợi ích của việc ứng dụng TMĐT nên mạnh dạn đầu tư công nghệ, thành lập website riêng quảng bá thương hiệu, sản phẩm cũng như kết nối internet, mua bán qua mạng... Một số DN điển hình trong việc ứng dụng TMĐT thành công như HTX TMDV Thuận Thành với hoạt động thu ngân qua mạng internet, Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế trong việc mua bán xăng dầu qua thẻ Flexicarrd, Viễn thông Thừa Thiên Huế với dịch vụ kết nối giữa phụ huynh với nhà trường (Educare); một số DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, sản xuất dệt may, sợi, đồ gỗ giao nhận đơn đặt phòng, đặt hàng của các đối tác trong và ngoài nước qua mạng internet...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và kết quả đạt được, kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010 vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là một số dự án quan trọng như “Dịch vụ công trực tuyến”, “Xây dựng sàn giao dịch TMĐT Bắc miền Trung” vẫn chưa triển khai; nhận thức của DN về ứng dụng TMĐT vẫn còn hạn chế dẫn đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực phục vụ cho việc ứng dụng TMĐT chưa được DN quan tâm đúng mức. Mặt khác, mặc dù đã triển khai các công tác tuyên truyền phổ biến trong DN, song đa số DN vẫn duy trì thói quen kinh doanh thương mại truyền thống, chưa tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giao dịch mua bán qua mạng.
 
Phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015
 
Là địa phương được đánh giá có hệ thống pháp lý về TMĐT khá hoàn chỉnh, thị trường bán lẻ phát triển sôi động cũng như môi trường kinh doanh giao dịch hiện đại đang dần hình thành và phát triển nhanh chóng nên việc triển khai các giải pháp ứng dụng TMĐT được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Vì vậy, kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các DN trên địa bàn tiếp cận với môi trường kinh doanh hiện đại, phát triển văn minh thương mại và góp phần thực hiện mục tiêu chung đó là phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
 

Ứng dụng TMĐT trong hoạt động thu ngân tại Siêu thị Big C Huế sẽ giúp DN và người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian và chi phí

 
Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 là đảm bảo 100% cán bộ quản lý Nhà nước và DN biết đến lợi ích của TMĐT, 60% DN tiến hành giao dịch TMĐT loại hình DN với người tiêu dùng hoặc DN với DN. Qua 5 năm triển khai, phấn đấu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT loại hình DN với người tiêu dùng, đồng thời cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ khai báo hải quan điện tử và khai nộp thuế.
Anh Lê Thanh Liêm, Phó Phòng Xúc tiến thương mại, Sở Công thương cho biết: “Với tổng kinh phí trên 4,9 tỷ đồng, kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 gồm những nội dung cơ bản, đó là triển khai pháp luật về TMĐT, phổ biến và tuyên tuyền về TMĐT, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, với mục tiêu giúp DN và các tổ chức giao dịch thuận tiện nhằm giảm thiểu chi phí quản lý, giai đoạn này sẽ đẩy mạnh việc phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT; hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.” 
 
Bắt đầu từ năm 2011, các ban, ngành liên quan sẽ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch phát triển TMĐT. Đó là xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức liên quan đến TMĐT; dự án sàn giao dịch TMĐT, dự án triển khai chữ ký số và chứng thực chữ ký trong cơ quan Nhà nước và DN; cung cấp dịch vụ trực tuyến từ mức 3 trở lên các thủ tục đăng ký kinh doanh, khai báo hải quan điện tử, cấp chứng nhận xuất sứ điện tử và khai nộp thuế. Ngoài ra, một số dự án lớn nằm trong giai đoạn này sẽ được triển khai và đưa vào ứng dụng, đó là chương trình giao dịch, thanh toán điện tử và dịch vụ viễn thông- CNTT; dự án chợ ảo công nghệ thiết bị; chương trình hỗ trợ xây dựng website DN; chương trình hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT thông qua các công cụ kinh doanh điện tử...
 
Bài, ảnh: Thanh Hương (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan