Văn hoá xã hội

Tết Lào trên đất Huế
Tết Lào trên đất Huế
 
Cập nhật lúc 07:50 | 14/04/2011 (GMT+7)

Hôm nay ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm TT Huế rộn ràng những giai điệu của những bài hát dân gian Lào. Tay trong tay những lưu học sinh Lào đang sống xa nhà cùng múa điệu Lăm Vông say mê. Các bạn mang đến đất Cố đô không khí tết Bunpimay với nhiều phong tục : té nước, buộc chỉ cổ tay, múa Lămvông…

Phong tục buộc chỉ cổ tay trong ngày Tết cổ truyền của Lào
Phong tục buộc chỉ cổ tay trong ngày Tết cổ truyền của Lào

Theo truyền thống, Tết Lào diễn ra trong suốt tháng thứ năm Phật lịch, bắt đầu từ ngày thứ sáu của tháng thứ năm và kết thúc vào ngày thứ năm của tháng thứ sáu, trong đó ngày lễ chính Wun Salong được tổ chức vào dịp trăng tròn. Hiện nay, Tết Lào được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 dương lịch hàng năm, khi bầu trời thanh cao, các dòng sông lớn đều dồi dào nước tượng trưng cho một năm mới nhiều lộc.

Theo các sử gia Lào, tổ tiên người Lào đến từ phía Nam Trung Quốc và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ nên lấy ngày, tháng, năm theo Ấn Độ. Riêng Tết Lào là lấy theo người Mon-Phama và người Khmer. Người Ấn Độ coi trọng thời điểm ngày dài hơn đêm và gọi đó là Watthanasagn, có nghĩa là “nhiều bóng râm”. Khi đó mặt trời mọc ở phía bắc và bắt đầu mùa mưa, thuận lợi cho trồng trọt hơn các mùa khác trong năm.Giữa tháng 4, khi gió mùa tây-nam thổi, mưa mùa sắp rơi, bắt đầu năm mới thì  Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào   bắt đầu với phong tục té nước cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc. Theo truyền thống, cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ. Người Lào sống hiền lành và thiên về điều thiện. Trong ngày Tết, vui nhất là ở các chùa chiền. Người ta cho nước thơm (nước ngâm từ các loài hoa thơm) vào lọ, vào bình, vào xô, chậu... để tắm cho Phật, cho các nhà sư. Cầu mong trong năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng. Tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào còn có nét đặc trưng là trong những ngày này không kể dù lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội cũng đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau và được thể hiện sự quý trọng bằng những "gầu" nước dội lên khắp người khi đến thăm.   

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời và mối quan hệ đó sẽ ngày càng được 2 nước vun xới, bồi đắp thông qua sự hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, mà cụ thể, tại Thừa Thiên Huế, hiện nay đang có hơn 350 lưu học sinh Lào đang theo học ở các ngành thuộc Đại học Huế. Trong suốt những năm qua Trường Cao đẳng Sư phạm Huế đều tổ chức lễ đón năm mới cho những lưu học sinh Lào qua đó để cho các em vơi đi nỗi nhớ nhà đồng thời thể hiện sự quan tâm, gắn bó tình cảm giữa 2 nền văn hóa anh em Việt- Lào.   

Cảm nhận được không khí của Tết Bun Pi may như ở đất nước mình. Họ cùng hát vang bài hát Sa pa đi pi mày (chúc mừng năm mới) và thực hiện phong tục té nước truyền thống. Họ bảo rằng được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng sung sướng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến.

Phi Tân (TRT)

Tin tức liên quan