Quản trị doanh nghiệp

“Vượt rào” lãi suất huy động vốn

“Vượt rào” lãi suất huy động vốn

Ngày cập nhật: 20/04/2011 10:16 AM

Để khỏi vướng “vòng kim cô” và bị “thổi còi” về vượt trần lãi suất đầu vào không quá 14%/năm bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm bằng “chiêu” khuyến mãi, trích hoa hồng cho “người môi giới”...

Có thể “thỏa thuận” khi gửi tiết kiệm ?!

Dạo một vòng các NHTM trên địa bàn, chúng tôi đều “mục sở thị” lãi suất huy động tiết kiệm VND niêm yết công khai không quá 14%/năm; xem ra rất tuân thủ theo quy định của NHNN. Thế nhưng, thực tế khách hàng gửi tiết kiệm vài trăm triệu đồng trở lên vẫn có thể thỏa thuận được lãi suất từ 15-17%/năm.
 
Anh bạn tôi tích cóp được mấy trăm triệu đồng chuẩn bị vài năm nữa làm nhà. Trong khi chưa tìm ra kênh đầu tư đáng tin cậy, tình cờ gặp một người bạn làm ngân hàng khá thân trong một lần uống cà phê buổi sáng, lập tức anh ta được tư vấn cho cách bảo toàn vốn có sinh lời tương đối cao mà bảo đảm an toàn.
 

Khách hàng tham khảo lãi suất gửi tiết kiệm

 
Qua tìm hiểu, đựợc biết, với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên, nhân viên “nhà băng” thường tư vấn cho khách hàng tìm kiếm người thân quen của ngân hàng giới thiệu đến “nhà băng” gửi tiền mới dám thỏa thuận lãi suất theo hướng: Chứng từ thể hiện lãi suất 14%/năm, phần lãi suất trả thêm 1-3% sẽ được “nhà băng” chi trực tiếp cho người gửi.
 
Nhân viên của một số ngân hàng “bật mí”: Việc chi trả trực tiếp phần lãi suất tăng thêm khá rủi ro, ngân hàng có thể bị cơ quan quản lý (NHNN) xử phạt hàng trăm triệu đồng, hạn chế một số hoạt động kinh doanh... Vì thế, không ít “nhà băng” đã nghĩ ra “chiêu” đề nghị người gửi tiền đem theo người nhà đến ngân hàng và người nhà được xem là “người môi giới” giới thiệu khách cho “nhà băng”.
 
Khi đó, ngân hàng sẽ chi hoa hồng từ 1-3% (tất nhiên đối với số tiền gửi từ vài trăm triệu đồng trở lên) vào tài khoản của “người môi giới”. Tiếp đó, “người môi giới” đề nghị ngân hàng chuyển tiếp số tiền đó vào tài khoản của người gửi tiết kiệm là xem như đã hoàn tất “phi vụ”...
 
Hiện các ngân hàng cũng đang khuyến mãi liên tục để thu hút tiền gửi. BIDV, VietinBank, VPBank... vừa quay số tổng kết đợt khuyến mãi đầu xuân 2011, nhưng đã “gối đầu” một số chương trình khuyến mãi mới như gửi tiết kiệm trúng nhà, trúng vàng, trúng xe. Đại diện VPBank cho hay, với trần lãi suất 14%/năm áp dụng đồng loạt trong hệ thống, các ngân hàng rất khó thu hút tiền gửi nên buộc phải khuyến mãi.
 
Thế nhưng, ngay cả chương trình khuyến mãi lớn của VPBank từ ngày 1/3/2011 đến hết ngày 18/5/2011, với tổng giá trị giải thưởng lên tới 15 tỷ đồng; trong đó có giải đặc biệt là 1 căn hộ cao cấp trị giá hơn 3 tỷ đồng cũng chưa thu hút được nhiều như dự kiến. Bởi nếu làm đúng luật, lãi suất ghi sổ tiết kiệm chỉ còn 13,2-13,9%/năm kèm theo vài món quà nhỏ là vật dụng gia đình. Ngân hàng phải giải thích rõ, nếu người gửi tiền không tham gia khuyến mãi mới được hưởng lãi suất 14%/năm; nếu tham gia chương trình này, lãi suất ghi sổ tiết kiệm chỉ còn 13,2-13,9%/năm, cùng quà tặng tại chỗ và được tham gia bốc thăm trúng thưởng hoặc quay số... mà thôi.
 
Thiếu hụt vốn tạm thời ?
 
Hiện, lãi suất đang “nóng” trở lại bởi nguồn tiền tiết kiệm trong dân cư có xu hướng giảm. Theo NHNN-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, quý I-2011, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,9% so với thời điểm cuối năm trước. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN cũng khiến các NHTM thêm khan vốn.
 
Hiện nay, một số “nhà băng” nhỏ thiếu hụt vốn tạm thời phải tìm đến “nhà băng” bạn để vay vốn (thông qua thị trường liên ngân hàng) hoặc thị trường mở (OMO), nhưng thế buộc bị “ép” với lãi suất từ 20% trở lên (thời hạn vay chỉ vài tuần hoặc một tháng). Từ đó, ngân hàng nhỏ chuyển sang huy động vốn của dân cư nhưng lại vướng “vòng kim cô” lãi suất trần 14%/năm theo quy định của NHNN. Để nhanh chóng bù đắp số vốn thiếu hụt tạm thời, một vài ngân hàng nhỏ đã tìm mọi cách để “lách”, thậm chí phải “vượt trần” lãi suất huy động vốn. Các ngân hàng khác e ngại khách hàng ra đi cũng phải nghĩ cách giữ chân khách hàng bằng các “chiêu” khuyến mãi hấp dẫn người gửi tiền mà không vi phạm luật.
 
Một giám đốc NHTM cổ phần trên địa bàn “bật mí”: Có khách hàng đã “dọa” vị giám đốc này, nếu không nâng lãi suất gửi tiết kiệm lên cho họ như các ngân hàng khác đã “thương thảo” (khoảng 18%/năm), khách hàng này sẽ lập tức rút số tiền gửi tiết kiệm gần 1 tỷ đồng đã “chung thủy” lâu nay với ngân hàng trước sang gửi một ngân hàng khác.
 
Tuy nhiên, nhiều người am hiểu thị trường tiền tệ cho rằng, nguyên nhân sâu xa tái diễn hiện tượng “phá rào” lãi suất có thể là tình hình khó thu hồi nợ của các ngân hàng nhỏ. Bởi trước đây, những ngân hàng này đã “thoáng” trong cho vay, nhất là cho vay vốn các dự án bất động sản (mặc dù trong báo cáo cho vay lĩnh vực bất động sản của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh chỉ 1.569 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ). Nay thị trường nhà đất vẫn đang “ngủ đông”, ngân hàng không thể một sớm một chiều thu hồi được vốn vay, khiến họ rơi vào tình trạng chôn vốn.
 
Do đó, khi nhiều khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm, đặc biệt khách hàng doanh nghiệp, lập tức ngân hàng mất cân đối nguồn vốn ra vào, buộc phải “vượt rào” lãi suất để nhanh chóng huy động số vốn thiếu hụt, dù chỉ là tạm thời song cũng tạo hiệu ứng dây chuyền đến các ngân hàng khác; chứ chưa nói đến khả năng sẽ tái diễn một cuộc “chạy đua” lãi suất huy động vốn mà vốn dĩ hệ thống ngân hàng không bao giờ mong muốn...

          Bạch Quang (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan