Văn hoá xã hội

Ẩm thực nhà vườn ở Huế
Ẩm thực nhà vườn ở Huế
 
Cập nhật lúc 10:08 | 20/04/2011 (GMT+7)
 
Đến Huế, ngoài thú vui tham quan, thưởng ngoạn những điểm du lịch văn hóa, lịch sử nổi tiếng, du khách còn được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc Huế. Càng thú vị hơn khi được thưởng thức chúng trong một không gian nhà vườn mang màu sắc của vùng đất Cố đô.

Nhà vườn xứ Huế - ảnh từ internet
Nhà vườn xứ Huế - ảnh từ internet
Nhà hàng vườn Ý Thảo nằm phía nội thành TP Huế được chủ nhân xây dựng từ năm 2000 với mục đích phục vụ du khách, làm phong phú thêm hệ thống ẩm thực của Huế. Ban đầu, diện tích được đưa vào khai thác rất nhỏ, chỉ đủ phục vụ khoảng vài chục người. Nhưng trong quá trình kinh doanh có hiệu quả, gia chủ đã mở rộng diện tích nhà hàng vườn lên gần 1.500m2. Kiến trúc tại đây không theo quy mô của một nhà hàng ăn uống thông thường như nhiều nơi mà được thiết kế trong một không gian ẩm thực đặc trưng. Vị trí ngồi ăn của nhà hàng vườn được chia thành 5 khu để đáp ứng sự lựa chọn của thực khách. Ngoài chú trọng trang trí tranh, ánh sáng phía bên trong, cây xanh, non bộ... là một phần “không gian” không thể thiếu giúp du khách có một bữa ăn ngon miệng. Dù ngồi trong một không gian riêng tư, khu nhà rường cổ yên tĩnh, trong phòng kính đều hoà hay tại một không gian “mở”..., thực khách đều có thể tiếp cận được với khu vườn đủ hương, sắc của những cây bản địa, những cây có điểm hoa, có mùi hương dịu nhẹ như mộc, râm hay loại cây dùng chế biến thực phẩm như vả, măng...

Vốn là “dân” làm du lịch, bà Trương Thị Cúc, chủ nhân của nhà hàng vườn Ý Thảo rất am hiểu về tâm lý, thói quen, tập quán của du khách Á, Âu. Đó là điều kiện thuận lợi để dịch vụ kinh doanh ẩm thực nhà vườn của gia đình luôn là điểm lựa chọn của nhiều du khách quốc tế, của hàng trăm hãng lữ hành. Khách đến với nhà hàng vườn Ý Thảo đa phần là khách nước ngoài. Thông thường, các tháng phục vụ cao điểm từ tháng 9 đến giữa tháng 4. Ngày cao điểm có thể từ 300 đến 400 khách. Nhân viên tại đây với đội ngũ khoảng 40 người cũng được tuyển chọn đòi hỏi biết ngoại ngữ. Theo chủ nhân của nhà hàng vườn Ý Thảo, để đáp ứng “gu” ẩm thực của du khách, những món ăn của Huế phải được chế biến hợp với khẩu vị của khách. Nhìn vào thực đơn với 10 món ăn chính như nem, súp, tôm hấp, cơm sen, bánh khoái..., không khác thực đơn của các nhà hàng khác, nhưng mỗi món ăn đòi hỏi được chế biến rất công phu, trang trí đẹp mắt và phải đảm bảo vệ sinh.
 
Tịnh Gia Viên cũng là một trong những địa chỉ ẩm thực chay, mặn có tiếng ở Huế. Ðến với Tịnh Gia Viên, ngoài sự cuốn hút của vườn hoa, cây kiểng, du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon mang bản sắc Huế, tuyệt vời về hình thức và phong vị do bà Tôn Nữ Thị Hà trình bày, chế biến. Với sự sáng tạo và kinh nghiệm của chủ nhân, những món ăn ở Tịnh Gia Viên đã được nâng lên thành nghệ thuật. Có thể nói Tịnh Gia Viên là một trong những địa chỉ ẩm thực nhà vườn nổi tiếng của Huế. Đây là một trong những yếu tố thu hút được du khách gần, xa. Ngoài cơ sở 1 nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Lê Thánh Tôn, Tịnh Gia Viên 2 đã được chủ nhân đầu tư xây dựng, kiến tạo tại một không gian vườn thoáng rộng ở Phú Mộng- Kim Long.
 
Theo nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Xuân Hoa, muốn làm nhà hàng vườn du lịch, bản thân nhà hàng phải có không gian; chủ nhân nhà hàng phải biết tổ chức, bố trí không gian ngồi ăn cho thực khách; phải phục vụ chu đáo, đảm bảo vệ sinh; người tổ chức phải am hiểu về du lịch, văn hóa. Hơn thế, để nhà hàng vườn trở thành thế mạnh thúc đẩy phát triển du lịch, chính chủ kinh doanh của mỗi nhà vườn cần phải thiết lập mối quan hệ với các hãng làm du lịch. Du lịch là một nghề đòi hỏi có trình độ chứ không thể phát triển theo lối đại chúng, nhất là đối với ẩm thực. Trong ẩm thực, ngay cả cái dân dã cũng phải được tổ chức rất nghệ thuật và tinh tế mới phát triển du lịch được.

Hoài Thương (TTH)

Tin tức liên quan