Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Ngày cập nhật: 29/04/2011 07:40 AM
Với tốc độ lạm phát như hiện nay, một người thu nhập không đổi trong 3 năm qua, hiện thu nhập thực của họ đã giảm 50%
|
Giá cả thực phẩm tăng cao trong tháng 4
|
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng tới 3,32% đưa lạm phát của 4 tháng đầu năm lên mức xấp xỉ 10%, vượt qua mức Quốc hội cho phép gần 3%. Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát 4 tháng đầu năm 2011 lên gần 10% là mức cao và chưa thể giảm ngay trong 1, 2 tháng tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng tin tưởng, nếu thực hiện một cách quyết liệt và kiên trì các biện pháp đồng bộ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân lạm phát tăng đột biến trong tháng 4 một phần là do ảnh hưởng tích lũy của các đợt điều chỉnh giá xăng, giá điện, cùng tác động từ kinh tế thế giới… tất cả cộng hưởng khiến cho lạm phát tăng cao.
Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ bước đầu đã có tác dụng tích cực với việc ổn định tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ… Bất cứ một chính sách kinh tế nào cũng khó nhìn thấy ngay tác động của nó, mà có thể có độ “trễ” nhất định.
Ông Hà Văn Hiền cũng như nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số CPI trong tháng 4 có thể là đỉnh điểm, từ những tháng sau, tốc độ tăng giá có thể chậm lại nhờ các giải pháp kiềm chế lạm phát mang lại tác dụng rõ nét hơn.
Mặc dù lạm phát từ đầu năm đến nay đã lên gần 10% và trong thời gian tới, vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động đến lạm phát, song các chuyên gia kinh tế bày tỏ tin tưởng vào 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ như: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước… và nếu thực hiện quyết liệt hơn nữa, sẽ giảm được lạm phát.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: Khó khăn của năm nay cũng không thể bằng một số năm trước, đặc biệt như năm 1989 với mức lạm phát lên tới 3 con số, hay như năm 2008, lạm phát cả năm lên đến gần 20%. Với nhiều chính sách đồng bộ, Việt Nam đã có những thành công trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Tôi đánh giá năm nay cũng không khó khăn bằng một vài năm trước. Chẳng hạn như năm 1989, khi lạm phát lên tới hàng trăm phần trăm, chúng ta buộc phải thắt chặt kinh tế vĩ mô, buộc phải nâng lãi suất lên tới 12%/tháng. Năm đó với nhiều giải pháp chúng ta kéo giảm lạm phát từ hàng trăm phần trăm xuống còn 34%, đó là thành công của Việt Nam. Nhưng năm đó, tăng trưởng công nghiệp âm 4%. Còn năm nay dự báo tăng trưởng vẫn vào khoảng 6%. Trong bối cảnh hiện nay, không phải là lúc kêu khó, không thể vội vàng nới lỏng, vì nếu thế sẽ không có cách nào giảm lạm phát”- ông Thành nói.
Trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán dưới 16%. Điều đó khẳng định mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, theo Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cần phải rút kinh nghiệm từ năm 2008, khi chính sách tiền tệ bắt đầu phát huy tác dụng, đã vội vàng nới lỏng, khiến cho lạm phát quay trở lại. Ngoài ra, cắt giảm đầu tư công cũng cần thực hiện hiệu quả hơn sẽ tác động rõ nét đến kiềm chế lạm phát. Bởi đến hết quý I, cả nước mới cắt giảm được 1.387 dự án với tổng số vốn gần 3.400 tỉ đồng, tương đương giảm được 1% tổng đầu tư công, chưa thực sự đóng góp có ý nghĩa trong việc kiềm chế lạm phát như hiện nay.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái cho rằng, 6 nhóm giải pháp của Chính phủ là đúng đắn và toàn diện nhưng cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa: “Tôi cho rằng đó là những giải pháp đồng bộ và liên hoàn, không thể chỉ coi trọng riêng một giải pháp nào. Cũng không thể chỉ nói Chính phủ làm, còn doanh nghiệp thì không nỗ lực và người dân thì không tiết kiệm… Theo tôi, nếu thực hiện kiên quyết các nhóm giải pháp này, tình hình sẽ đỡ khó khăn hơn trong thời gian tới, khi mà chính sách có tác động tích cực sẽ đẩy lùi những yếu tố tiêu cực và khó khăn khác”.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, với tốc độ lạm phát như hiện nay, một người thu nhập không đổi trong 3 năm qua, hiện thu nhập thực của họ đã giảm 50%. Cộng với sức ép giá cả ở hàng loạt mặt hàng thì việc đảm bảo mức sống, phúc lợi cho người dân, đặc biệt là những người ở ngưỡng nghèo, cận nghèo sẽ là bài toán lớn đối với cơ quan quản lý trong những tháng cuối năm. Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người nghèo, người thu nhập thấp vô cùng quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội.
Chống lạm phát là một quá trình chứ không thể 6 tháng, hay một năm. Trong bối cảnh hiện nay khi Nghị quyết 11 đã phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, song chính sách nhất quán, kiên trì và quyết liệt của Chính phủ vẫn đang được kỳ vọng là yếu tố tích cực để kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm nay và những năm tiếp theo.
Theo VOV