Tin tức

Nguồn lực cho tăng thu ngân sách

Nguồn lực cho tăng thu ngân sách

Ngày cập nhật: 05/05/2011 06:00 AM

Đánh giá kết quả thu ngân sách (NS) 5 năm qua, Thừa Thiên Huế có mức tăng thu bình quân hàng năm khá và ổn định trên 20%. So với năm 2006, đến nay, thu NS tăng hơn 2,3 lần; đặc biệt năm 2010 vượt ngưỡng trên 3.000 tỷ đồng là tiền đề để tiếp tục xây dựng chỉ tiêu đến năm 2015, thu NS đạt khoảng 6.000-6.500 tỷ đồng, tạo cơ sở quan trọng cho nền kinh tế (KT) trong quá trình phát triển khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong cơ cấu nguồn thu hàng năm của Thừa Thiên Huế, thu từ lực lượng DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm khoảng 40%, thu ngoài quốc doanh (NQD) chiếm khoảng 10% trong tổng thu, nhưng khá bền vững. Đây là hai trong những lĩnh vực mà ngành thuế tỉnh chú trọng khai thác và nuôi dưỡng nguồn thu.

Hơn 3.000 tỷ đồng
 
Năm qua, mặc dù tình hình KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, song KT tỉnh vẫn tăng trưởng ổn định. Nhờ sự tăng trưởng KT, thu NS trên địa bàn đã vượt kế hoạch đề ra, đưa số thu ngân sách Thừa Thiên Huế vượt qua mức 3.000 tỷ đồng.
 

DN ổn định và phát triển là nguồn thu NS bền vững cho tỉnh
 
Hai lĩnh vực được tập trung phát triển mạnh để chuyển dịch cơ cấu KT là dịch vụ và công nghiệp đều có sự tăng trưởng khá. Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch có quy mô lớn; đặc biệt là thành công của Festival 2010 đã giúp ngành du lịch lấy lại đà tăng trưởng và đạt doanh thu trên 900 tỷ đồng. Hoạt động thương mại cũng khá sôi nổi với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 33%.
 
Ngành công nghiệp xây dựng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định dù ở trong điều kiện giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao. Chính tác động của các ngành KT mũi nhọn của tỉnh làm tăng nguồn thu NS, và nguồn thu tăng thể hiện rõ sự tăng trưởng của nền KT tỉnh nhà.
 
Nhìn vào cơ cấu nguồn thu trong năm qua, số thu lớn nhất vẫn là thu từ khu vực ĐTNN hơn 850 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào Công ty TNHH Bia Huế (740,5 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng gần 90% tổng thu khu vực ĐTNN và khoảng 25% tổng nguồn thu NS của địa phương; tiếp đến là Công ty hữu hạn Xi măng Luks Việt Nam, Công ty TNHH MTV thực phẩm Huế, Công ty Khách sạn Kinh Thành... Trong lực lượng DN có đóng góp lớn cho nguồn thu NS, phần lớn đều là DN hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu KT của tỉnh theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông ngiệp tiếp tục đi đúng hướng và đang phát huy hiệu quả.
 
Với khoảng 2.000 DN dân doanh, hàng tháng có kê khai nộp thuế đều đặn, hàng năm đóng góp khoảng 10% trong thu NS tỉnh nhà; riêng năm 2010, thu từ khu vực NQD đạt gần 320 tỷ đồng, tăng hơn 26%. Một số thu khá cao trong bối cảnh KT còn nhiều khó khăn như hiện nay. Điều này thể hiện sự bứt phá đi lên của lực lượng DN trên địa bàn, đồng thời cho thấy công tác chống thất thu NS ngày càng đi vào nề nếp.
 
Để vượt ngưỡng 3.000 tỷ đồng, có rất nhiều yếu tố tác động, song nhìn chung đó là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lâu dài cho hạ tầng KT, chuyển dịch cơ cấu KT theo hướng tích cực, thu hút đầu tư và việc phát triển, khai thác có hiệu quả những nguồn lực mới. Sự phát triển KT-XH của Thừa Thiên Huế đã bắt đầu có những khởi sắc mới, nhiều DN đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn, nhất là sau khi tỉnh triển khai các chương trình KT trọng điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo bước đột phá trong quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Trăn trở với nguồn lực
 
Năm trước, năm 2011, Thừa Thiên Huế phấn đấu thu NS từ 3.300-3.500 tỷ đồng, tăng 10-16%. Để đạt được con số này, cần phải thực hiện một hệ thống các giải pháp KT-XH tồng hợp.
 
Số liệu tổng hợp từ Cục Thuế Thừa Thiên Huế, 4 tháng đầu năm 2011, riêng số thu nội địa do ngành thuế tỉnh quản lý thu được ước khoảng 940 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch; trong đó thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN ước 300 tỷ đồng, thuế công thương nghiệp NQD ước gần 140 tỷ đồng...
Trong xu thế địa phương nào cũng cần nguồn lực để phát triển, nguồn thu NS của tỉnh cũng chỉ ở mức độ trung bình khá, nguồn kinh phí thu được từ các loại thuế, phí... chưa cao, việc cân đối tự thu-chi có lẽ sẽ gặp khó. Mặt khác, tỉnh cũng không thể trông chờ nhiều vào nguồn NS Trung ương; thậm chí cả những khoản thu lớn như nguồn bán đất hay phương án đổi đất lấy hạ tầng, bởi đây chưa hẳn là giải pháp bền vững khi theo thời gian nguồn quỹ đất này cũng sẽ cạn dần.
 
Theo ông Lê Trường Lưu, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cần nuôi dưỡng, đa dạng hóa nguồn thu, giảm dần sự phụ thuộc nguồn thu NS vào một số ít DN, mặt hàng; cung cấp thông tin hỗ trợ cho DN một cách thường xuyên hơn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc hướng dẫn và định hướng giúp các DN đầu tư ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao không những trong nước và nước ngoài. Đồng thời, tập trung vào công tác quản lý đối tượng nộp thuế, tự kê khai tự nộp thuế; chống thất thu NS trên các lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhà hành, khách sạn, kinh doanh vận tải... và đẩy mạnh ủy nhiệm thu.
 
Một trong những nguồn lực có vai trò quan trọng để nâng cao tỷ suất đầu tư, đồng thời tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển, đó có lẽ là vốn đầu tư của các DN trong và ngoài nước. Giải pháp để thu hút nguồn lực này không gì khác đó chính là xúc tiến kêu gọi và ưu đãi đầu tư. Muốn tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư, quan trọng nhất là tạo được môi trường thuận lợi và thông thoáng, ở đây không chỉ là ưu đãi nhiều hay ít mà là tạo môi trường kinh doanh để các DN kinh doanh hiệu quả và thu được lợi nhuận. Để tạo bước đột phá trong phát triển, nhất thiết phải sớm hoàn thiện hạ tầng đô thị, hoàn thiện các đồ án quy hoạch, có như thế mới nâng cao giá trị đất đai. Các quy hoạch phát triển cần hướng tới tầm nhìn xa và mang tính định hướng cao để giúp các DN đầu tư có mục tiêu, không bị dàn trải...

Bạch Quang (Baothuathienhue)


Tin tức liên quan