Văn hoá xã hội

Làng nghề và hướng phát triển bền vững
Làng nghề và hướng phát triển bền vững
 
Cập nhật ngày: 05/05/2011 07:38 PM
 

Trong định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, ngoài việc tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại lao động, mấy năm gần đây, Thừa Thiên Huế chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo thêm việc làm mới cho người lao động ở nông thôn. Khôi phục và phát triển các làng nghề là điểm nhấn quan trọng trong phân công lao động, cơ cấu lại sản xuất ở khu vực nông nghiệp. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến 2015”.

Nghề làm hương. Ảnh: Văn Thanh
Nghề làm hương. Ảnh: Văn Thanh

Từ đề án của tỉnh, Trung tâm Khuyến công đã phối hợp tốt với các đơn vị, địa phương hỗ trợ nguồn vốn, tổ chức đào tạo nghề nhằm cung ứng lao động cho các cơ sở sản xuất, bước đầu đem lại hiệu quả trong sản xuất, phục hồi và mở ra nhiều ngành nghề mới.

Đào tạo nghề được xem là khâu quan trọng trong khôi phục và phát triển làng nghề. Ở Thừa Thiên Huế, các nghề truyền thống như đan lát, sản xuất lưới; nghề thêu, nghề mộc mỹ nghệ, nghề sản xuất hoa giấy... được các ngành hữu quan quan tâm. Trung tâm Khuyến công mở nhiều lớp đào tạo nghề thu hút hàng trăm lao động, góp phần cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho các làng nghề, cơ sở sản xuất trong tỉnh. Về các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Thủy... chúng ta dễ dàng nhận ra một không khí mới ở nông thôn là ngoài sản xuất cây lúa, nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi thì phong trào làm hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu đang là hướng phân công lại lao động trong nông nghiệp ở nông thôn.

Tuy vậy, khó khăn chung hiện nay là các làng nghề, cơ sở sản xuất hàng thủ công ở các địa phương có quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư còn khiêm tốn, sản phẩm còn nghèo nàn chưa bắt nhịp với nhu cầu thị trường. Việc định hướng đi, tìm đầu ra cho sản phẩm đang là bài toán khó cho các cơ sở sản xuất và các làng nghề. Với nỗ lực của mình, những năm gần đây Trung tâm Khuyến công tỉnh tích cực quảng bá sản phẩm làng nghề của các địa phương qua các kỳ hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ. Tại các hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương... Trung tâm Khuyến công bằng nguồn vốn khuyến công đã có tác động khá tích cực để các làng nghề, cơ sở sản xuất tham gia trình diễn, quảng bá sản phẩm nhằm tìm “đầu ra” cho hướng phát triển làng nghề của mình. Nhiều cơ sở làng nghề từ đó mà tìm kiếm được hợp đồng sản xuất, tìm được mẫu mã hàng hóa mới mở mang nghề truyền thống. Đây là cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp đồng sản xuất tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống không chỉ phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà mà còn góp phần làm đa dạng loại hình lao động ở nông thôn. Nhiều người cho rằng sản phẩm thủ công truyền thống ở nông thôn Thừa Thiên Huế sẽ là một lợi thế trong hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nếu các làng nghề có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch. Tham quan và nghiên cứu các làng nghề truyền thống cũng là một nhu cầu của du khách. Ở một số nước trong khu vực, loại hình du lịch làng nghề được đầu tư khai thác có hiệu quả. Du khách cảm nhận sự hài lòng khi hiểu thêm một ngành nghề truyền thống của địa phương, được mua vài sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công nghiệp “là lạ” trong chuyến đi làm vật kỷ niệm. Đặc biệt, là được khám phá và tham gia làm sản phẩm cùng với nghệ nhân, hay người thợ thủ công của làng nghề truyền thống đó. Không phải là học thêm nghề mới mà đây là sự tò mò và thú vui trong chuyến tham quan đến miền đất mới.

Tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề không chỉ là tìm các hợp đồng mua bán mà làm cho các làng nghề trở nên sinh động trên nhiều bình diện, trong đó thu hút khách hàng đến với làng nghề dưới nhiều hình thức cũng là một mục tiêu đề ra của đề án phát triển làng nghề và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong các kỳ Festival, chúng tôi đã gặp nhiều “nhà kinh doanh” âm thầm, lặng lẽ thu mua các loại hàng thủ công mỹ nghệ đơn giản trên địa bàn Thừa Thiên Huế mang đi tiêu thụ ở nước ngoài. Năm nào cũng vậy, đến kỳ Festival là họ đến Huế và lại chuyển đi các sản phẩm hàng tiểu thủ công nghiệp nhẹ nhàng “xuất khẩu” ra thị trường ngoài nước.

Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ là một câu hỏi đặt ra không chỉ cho chính người thợ thủ công, mà cả các cấp, các ngành. Để những câu hỏi: Mẫu mã sản phẩm thế nào? Sản phẩm bán ở đâu? Giá thành bao nhiêu... là vấn đề “ngổn ngang, bừa bộn” tại cơ sở sản xuất của các làng nghề truyền thống này. Trăn trở, tìm cách trả lời được những điều đó sẽ đem lại sự phát triển lâu dài, bền vững cho các làng nghề thủ công của tỉnh nhà.

Chiến Hữu (TTH)

 


Tin tức liên quan