Văn hoá xã hội

Có một Festival Phật đản ở Huế

Có một Festival Phật đản ở Huế

Ngày cập nhật: 17/05/2011 07:54 AM

Kể từ Festival Huế 2008, sự kết nối trùng khớp với một đại lễ Phật đản thế giới được tổ chức tại Việt Nam mà Huế- kinh đô Phật giáo đất Việt là một điểm nhấn quan trọng, nổi bật với sự cuốn hút trang nghiêm, hào hứng trong bầu không khí thịnh vượng của hòa bình. Kể từ đó đến nay, mùa Phật đản xứ Huế luôn được đông đảo người dân tham gia hưởng ứng không chỉ riêng giới phật tử. Như một lẽ đương nhiên, cảm nghĩ trong tôi và trong rất nhiều người: Huế thành phố lễ hội đặc trưng của Việt Nam, trong chuỗi lễ hội đó không thể không nói đến Festival Phật đản.

 

Phật đản, lễ hội tôn giáo của thế giới

Với những cống hiến to lớn của đạo Phật cho hòa bình và gia tài văn hóa - tinh thần của nhân loại, Đại lễ Phật đản - lễ mừng Đức Phật ra đời được UNESCO chính thức công nhận là một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008 (ngày Vesak Liên hiệp quốc) do Việt Nam đăng cai tổ chức đã diễn ra từ 13 đến 17/5/2008 tại Trung tâm hội nghị quốc gia – Hà Nội. Với chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc năm 2008 tại Việt Nam với các nội dung thảo luận mang ý nghĩa an sinh của toàn nhân loại, như: Quan điểm Phật giáo về chiến tranh, xung đột và trị liệu; Đóng góp của Phật giáo với công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế đồng hành với dân tộc và phát triển xã hội; Chăm sóc môi sinh: giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu; Các vấn đề về gia đình và giải pháp của Phật giáo; Giáo dục Phật giáo – kế thừa và phát triển; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số... trên các phương diện nội dung: Tín ngưỡng, văn hóa, hành trì, du lịch tâm linh. Trong đó, về phương diện văn hóa đã có sự giao lưu, thể hiện khả năng tiếp biến văn hóa của Việt Nam với hơn 500 phái đoàn Phật giáo đến từ khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hưởng ứng và chào mừng Đại lễ này, lần đầu tiên bảy đóa sen hồng tượng trưng cho bảy bước đi của Đức Phật được được bừng sáng trên sông Hương làm ngỡ ngàng du khách. Và từ đó đến nay hễ đến mùa Phật đản, dân chúng lại thấy xuất hiện bảy đại đóa sen trên sông Hương. Mùa Phật đản 2011 Phật lịch 2555, dân chúng lại được dịp chiêm ngưỡng bảy đóa sen vàng trong đêm khai hội.
Huế - kinh đô Phật giáo của cả nước
Thừa Thiên Huế nói chung và Huế nói riêng được xem là trung tâm Phật giáo của cả nước. Các tín đồ Phật giáo chiếm 60% dân số toàn tỉnh, trong đó có 1.035 tu sĩ; 563 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường... (số liệu của Ban Tôn giáo tỉnh). Theo dòng lịch sử, Phật giáo từ khi du nhập vào xứ Huế đã sớm chinh phục cư dân nơi đây và trở thành món ăn tinh thần trong đời sống của mình. Vai trò và vị thế của Phật giáo ngày càng được khẳng định. Trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh của dân tộc để tồn tại và phát triển, Phật giáo nơi đây đã cùng đồng hành vì đạo, vì đời sát cánh cùng toàn dân vì sự thịnh hưng của đất nước, của dân tộc. Những sự kiện Phật giáo ở Huế từng làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế, làm tăng thêm vị thế trung tâm Phật giáo của Huế, như phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung qua việc thành lập An Nam Phật học hội (1932); phong trào đấu tranh chống chế độ kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, bảo vệ đạo pháp và dân tộc trong những năm từ 1963-1966.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phật giáo Huế tích cực hưởng ứng cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thực hiện đường hướng “Đạo pháp-Dân tộc và CNXH’’; từ đó đến nay, Phật giáo Huế ngày càng phát triển và có uy tín lớn trong đời sống tâm linh của người dân Cố đô không chỉ ở Phật sự. Đối với lĩnh vực từ thiện xã hội, Phật giáo Huế chú trọng chăm lo xây dựng các cơ sở như hệ thống các Tuệ Tĩnh đường, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, cơ sở dạy nghề, lớp mẫu giáo tình thương.. Tuệ Tĩnh đường Hải Đức và Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào bằng phương pháp y học dân tộc và y học hiện đại mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng không chỉ tại Tuệ Tĩnh đường mà còn cho người dân vùng sâu, vùng xa; tham gia cứu nạn, cứu khổ, làm từ thiện, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội hàng năm tới hàng chục tỷ đồng. Phật giáo Huế có Trường trung cấp Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Huế cũng là nơi đào tạo nhiều vị cao tăng, giáo phẩm lãnh đạo giáo hội nổi tiếng trong và ngoài nước. Gắn đạo với đời, Phật giáo Huế tích cực tham gia các công tác xã hội. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động lớn do Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phát động, tăng ni, tín đồ Phật tử đã tích cực hưởng ứng tham gia, nhất là công tác từ thiện, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Một Festival Phật đản Huế?
Có thể hồi tưởng lại một chút về Festival Huế 2008, được đánh giá rất ấn tượng. Đó là sự chuyển tiếp liên kết của mùa Phật đản 2008 với Festival Huế 2008. Chứng kiến Phật đản 2008, chúng ta thật dễ liên tưởng đến một Festival Phật đản Huế. Xin được dẫn lời của Giáo sư Cao Huy Thuần: “Hãy nói lên một lần nữa: trong ba ngày vừa qua, Hà Nội là Thủ đô Phật giáo của thế giới; trong Ngày Trăng tròn năm nay, Huế, tiếp nối Hà Nội, cùng với cả nước, là Thủ đô của thế giới Phật giáo. Hà Nội vừa biểu dương khí thế chính trị và văn hóa của nước; đến lượt Huế biểu dương khí thế tôn giáo và văn hóa của dân”.
Đã bốn mùa Phật đản đi qua trên xứ thần kinh, là mỗi lần để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí của con dân và du khách đến Huế. Lễ hội Phật đản Huế đã góp công lấp đầy cho một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Bảy đóa sen trên dòng Hương nở đã trở thành tín hiệu làm xôn xao lòng người và cứ mỗi mùa Phật đản, được đánh dấu bởi những màu sắc khác nhau của cánh sen. Phải chăng, đó là biểu trưng của Festival Phật đản Huế? Những lễ đài, diễu hành xe hoa, thuyền hoa, phóng sanh đăng, trang hoàng cờ đèn trước sân nhà, trên đường phố. Lễ hội Phật đản không chỉ là tổ chức những hoạt động mang tính truyền thống Phật giáo mà còn tổ chức nhiều hoạt động mang tính xã hội như triển lãm thư pháp, tranh hội họa, hội chợ ẩm thực chay, thuyết trình các đề tài về Phật học, kinh tế, giáo dục, xã hội, tôn giáo, văn học, văn hóa...
Cũng như truyền thống hàng năm, năm 2011, Phật giáo Huế tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như lễ cầu quốc thái dân an tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân; đại lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ và trai đàn chẩn tế tại các nghĩa trang liệt sĩ; trưng bày triển lãm, thuyết trình, trình diễn văn nghệ, lễ hội ẩm thực chay ở Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán; làm từ thiện, lễ rước Phật cầu nguyện quốc thái dân an và thế giới hòa bình; diễu hành xe hoa trong đêm trăng tròn... tất cả mọi con đường, ngõ ngách trong thành phố Huế đều lung linh ánh đèn, rực rỡ cờ hoa... đón mừng Phật đản. Tất cả tự nhiên trình diễn cho lễ hội “Festival Phật đản Huế”như một điều khẳng định để hướng tới.
Tâm Hành (BaoThuathienhue)

 


Tin tức liên quan