Hiệu quả từ quỹ tín dụng nhân dân
Ngày cập nhật: 18/05/2011 07:36 AM
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thị phần tín dụng giữa các ngân hàng thương mại, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang đối mặt với những khó khăn nhất định. Song, với đặc thù và thế mạnh của mình, các QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động ổn định và có hiệu quả.
Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), QTDND là loại hình tổ chức tín dụng được tổ chức theo mô hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nhằm mục đích chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động SXKD dịch vụ và cải thiện đời sống.
Từ huy động và cho vay
Áp lực cạnh tranh và mở rộng thị phần tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tác động đến việc huy động và cho vay vốn của hệ thống QTDND; nhất là các QTDND ở địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều QTDND có những giải pháp thích hợp, như áp dụng phương thức cho vay trả góp; dành một phần vốn để cho vay trung hạn hoặc có phương án mở rộng địa bàn sang các phường lân cận; ký hợp đồng làm đại lý chi trả kiều hối cho một số NHTM…
Mạng lưới ngân hàng mở rộng ít nhiều ảnh hưởng đến thị phần quỹ tín dụng nhân dân
Đến nay, tổng số thành viên của các QTDND trên địa bàn gần 10.000 người, tăng gần 200 thành viên; huy động vốn đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng 15,5%; cho vay đạt hơn 37,5 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm trước. Thông qua đó, hệ thống QTDND cơ sở đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gửi và vay tiền của các thành viên trên địa bàn các xã, phường; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân, đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi.
Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn cho vay theo ngành nghề của hệ thống QTDND được biết, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng rất lớn (gần 85,5%); trong đó cho vay thương nghiệp (bao gồm cả ngành nghề, dịch vụ) chiếm khoảng 55%, dư nợ cho vay sản xuất nông nghiệp, thủy sản hơn 20%, dư nợ cho vay tiêu dùng gia đình gần 15%.
Các QTDND cơ sở có đặc thù là quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, năng lực quản lý còn bất cập, hoạt động cơ bản chỉ huy động và cho vay nên có những khó khăn nhất định; nhất là trong khi mạng lưới các ngân hàng ngày càng mở rộng trên địa bàn. Dù hoạt động khó khăn, nhưng năm nào các QTDND trên địa bàn cũng có lãi; tuy có năm cao, năm thấp song bình quân 5 năm qua (2005-2010), lãi từ kết quả kinh doanh khoảng 500 triệu đồng/năm...
Đến quản trị, điều hành, kiểm soát
Còn nhớ, trước thời điểm lập phương án củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND theo Chỉ thị 57-CT/T.Ư của Bộ Chính trị và Quyết định 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các QTDND trên địa bàn tỉnh được đánh giá phân loại hoạt động bình thường, không có diện yếu kém hoặc không ổn định. Tuy nhiên, mới chỉ có 3/7 QTDND đủ vốn điều lệ, nợ quá hạn chiếm tỷ trọng khá cao; trong đó một số QTDND như Thuỷ Xuân, Điền Hoà, tỷ lệ nợ quá hạn từ 10%-20%, công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Giải quyết việc làm ở thành thị và nông thôn cũng là hiệu quả vay vốn từ quỹ tín dụng nhân dân
Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 7 QTDND cơ sở đang hoạt động trên địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, các huyện Phú Vang, Quảng Điền và Phong Điền; đó là các QTDND: Thủy Dương, Thuận An, Thủy Xuân, Quảng Thành, Điền Hòa, Tây Lộc, Thuận Hòa.
|
Với tư cách là đơn vị quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế trực tiếp chỉ đạo tập trung tăng cường công tác thanh tra, đôn đốc xử lý sửa chữa những sai sót, góp phần đưa các QTDND trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Theo đó, từng QTDND đã xây dựng phương án củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh, những yếu kém về công tác thẩm định, kiểm tra sử dụng vốn vay từng bước được chấn chỉnh; vi phạm chế độ, cho vay tuỳ tiện, dồn vốn cho nhiều thành viên trong một hộ đã được khắc phục, thu hồi nợ quá hạn được quan tâm thường xuyên.
Hiện, bộ máy quản trị, điều hành tại các QTDND trên địa bàn tương đối ổn định. 4/7 QTDND có bộ máy vừa quản lý, vừa điều hành; 3 QTDND có bộ máy quản lý riêng, điều hành riêng. Việc quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ QTDND đang từng bước được củng cố và phát huy hiệu quả. Công tác kiểm soát được chú trọng hơn. Hầu hết các kiểm soát viên thường trực và các thành viên chủ chốt của QTDND đều đạt chuẩn các chức danh theo Trung ương quy định...
Bạch Quang (BaoThuathienhue)