Tin tức

Sẽ có phương án hạ lãi suất

Sẽ có phương án hạ lãi suất

Ngày cập nhật: 27/05/2011 08:29 AM

Ngân hàng tăng lãi suất “đầu vào” vượt trần lên 17%-18%/năm, khiến lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh “vượt ngưỡng” trên 20%/năm làm nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Thị trường tiền tệ hiện đang thiếu minh bạch, đòi hỏi chính sách lãi suất phải phù hợp với tình hình mới.

 

Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế, tính đến cuối tháng 5-2011, tổng số dư tiền gửi của toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn ước hơn 13.400 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 1,3%; dư nợ cho vay ước gần 12.400 tỷ đồng, cũng chỉ tăng khoảng 1,6% so với đầu năm 2010.

 

 

 

Trả lãi suất về với thị trường

 

 

Đại diện một số ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn cho hay, do cung tiền đồng tăng quá ít nên lượng tiền không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, dư nợ cho vay tăng 1,6% nhưng huy động vốn tăng 1,3% là điều không có gì bất thường. Thực ra, đây là “thủ thuật” tạo tiền của hệ thống ngân hàng, trong đó không loại trừ hiện tượng đảo nợ, phát sinh tiền lãi rồi nhập vào dư nợ cũ làm dư nợ cho vay mới vẫn tăng. Vì thế, lãi suất “đầu vào” tăng lên không xuất phát từ nhu cầu vốn của nền kinh tế mà thực chất là tiền chạy lòng vòng; hay nói cách khác là hiện tượng giành giật vốn giữa các NHTM nhằm chống chọi với tình trạng mất cân đối nguồn vốn (thanh khoản) tạm thời. Hệ quả là người vay, đặc biệt các doanh nghiệp phải cắn răng chịu đựng lãi suất cao.

 


Trong khi người gửi tiền “hoa mắt” thì người vay “vàng mắt” với lãi suất hiện nay

 

Lãi suất cao không chỉ doanh nghiệp không dám vay mà ngay cả ngân hàng cũng không dám cho vay vì e ngại nợ xấu gia tăng. NHNN chặn đầu này (lãi suất huy động), nó lại “phình” ra ở chỗ khác làm méo mó thị trường.

 

Theo lãnh đạo một ngân hàng, NHNN cần điều hành cung tiền đồng sao cho hợp lý để giải quyết tình trạng “lách luật” huy động vốn. Chẳng hạn, NHNN ấn định tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, bảo đảm cung tiền đồng 15-16%; thế nhưng trong 5 tháng đầu năm 2011, cung tiền đồng chỉ đạt một tỷ lệ rất nhỏ so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, góp phần làm tăng lãi suất đầu vào. Chính sách lãi suất phải được tự do hóa, tức lãi suất tiền gửi lẫn cho vay cần phải tuân thủ quy luật cung-cầu, do thị trường tự quyết định.

 

Luật Tổ chức tín dụng quy định, NHTM được phép ấn định lãi suất huy động của mình và phải niêm yết công khai, được thỏa thuận lãi suất cho vay với khách hàng; trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN có biện pháp can thiệp. Nếu trần lãi suất “đầu vào” được gỡ bỏ, chắc chắn thị trường sẽ bùng phát cuộc đua lãi suất bởi nhiều NHTM nhỏ hiện đang rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Song bù lại, hoạt động kinh doanh của các “nhà băng” sẽ minh bạch hơn và họ sẽ tập trung nâng cao cách thức quản lý để giảm chi phí kinh doanh, từ đó giảm dần lãi suất “đầu ra” mới có khách hàng vay tiền.

 

Hai phương án điều chỉnh lãi suất

 

 

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, NHNN không nên đặt thêm trần lãi suất mà nên chờ tín hiệu lạm phát của tháng 5 để điều hành lãi suất theo thị trường, chứ không phải can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính về quan hệ vay mượn đối với doanh nghiệp và người dân. NHNN phải có giải pháp đi kèm để hạ nhiệt lãi suất thị trường liên ngân hàng, qua đó ổn định lãi suất tiền gửi của người dân và các tổ chức. Đồng thời, NHNN nên áp dụng công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ cao hay thấp phải tính toán thông qua điều tiết lượng tiền ra-vào từ các NHTM.

Được biết, NHNN đang nghiên cứu hai phương án để có thể xử lý trần lãi suất huy động 14%/năm vốn tồn tại như một rào cản gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp. Phương án thứ nhất, trần lãi suất huy động 14%/năm dự kiến sẽ được nâng lên 15,5-16,5%, đồng thời áp trần cho vay 18-19%/năm; phương án còn lại bỏ trần lãi suất huy động 14%/năm và chỉ đặt trần cho vay 18%-19%/năm. Cả hai phương án này được xem như giải pháp tình thế khi mọi công cụ thị trường đều không còn tác dụng. Và có khả năng phương án thứ hai sẽ được lựa chọn, trần lãi suất cho vay 19%/năm sẽ được sớm áp dụng trong thời gian tới.

 

Nhận định về hai phương án trên, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, thị trường luôn “dị ứng” với các biện pháp hành chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay, không áp trần, các NHTM sẽ “đua” lãi suất, nhiều doanh nghiệp sẽ “nghẹt thở” vì không có vốn để hoạt động do lãi vay cao quá mức. Quan điểm của ông Cao Sĩ Kiêm, nếu áp trần thì nên bỏ “đầu vào” và chỉ chặn “đầu ra” bởi chí ít, việc bỏ trần lãi suất huy động khiến các ngân hàng cạnh tranh bình đẳng, mạnh mẽ hơn. Ngân hàng nào huy động lãi suất thấp lợi nhuận cao, ngược lại lãi suất cao thì lợi nhuận thấp; đồng thời với trần cho vay, các ngân hàng không thể để lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp còn có “cửa” mà tồn tại.

 

Theo ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thừa Thiên Huế, hiện tại qua phản ánh có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào hoàn cảnh “khó thở” với lãi suất cao; thậm chí có nguy cơ đóng cửa. Mức lãi vay các doanh nghiệp này có thể chịu đựng được khoảng 18%/năm, nhưng doanh nghiệp phải vay tới 21-23%/năm. Vì vậy, NHNN nếu áp trần nên căn cứ vào mức này, ngoài ra dựa vào cung-cầu vốn hiện nay, khả năng kiểm soát và đặc biệt tình hình lạm phát, dự báo để đưa ra mức cụ thể, tránh trường hợp đặt trần rồi lại điều chỉnh nhiều lần gây khó khăn trong điều hành.

 

Bài, ảnh: Bạch Quang (Baothuathienhue)

 


Tin tức liên quan