Quản trị doanh nghiệp

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Hướng đột phá trong phát triển kinh tế
Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Hướng đột phá trong phát triển kinh tế
 
Cập nhật lúc 07:32 | 08/06/2011 (GMT+7)
 
Với mục tiêu phát triển Khu kinh tế (KKT) Chân Mây Lăng Cô thành “cực phát triển phía Nam của tỉnh, là trung tâm đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, là cửa ra quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây, góp phần sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như định hướng của Bộ Chính trị tại Thông báo Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009", tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nhiều ưu tiên và quan tâm huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh công tác phát triển hạ tầng KKT.
 
 
Nằm ở vị trí chiến lược - cửa ra quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây, cùng với một chiến lược phát triển đúng đắn, cơ chế chính sách ưu đãi thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư, KKT Chân Mây - Lăng Cô đã và đang phát triển thành một KKT năng động, hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là động lực phát triển, hướng đột phá của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc phát triển kinh tế - xã hội.Hiện KKT đã thu hút được 34 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 36,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD, trong đó có 10 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD. Đặc biệt, một số dự án có qui mô lớn của các nhà đầu tư thương hiệu như dự án Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree - Singapore có vốn đầu tư 875 triệu USD, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.230 tỷ đồng, dự án đầu tư hạ tầng KCN và khu phi thuế quan của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn với vốn đầu tư 2.654 tỷ đồng, dự án đầu tư kho xăng dầu và cảng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vốn trên 500 tỷ đồng,...

Đến nay cơ sở hạ tầng thiết yếu trong KKT đã được đầu tư xây dựng bao gồm: hệ thống đường giao thông trục chính đến cảng, đến KCN, khu phi thuế quan, khu đô thị, hệ thống cấp điện, cấp nước, các khu tái định cư…. Qua đó, đã tạo tiền đề hết sức quan trọng để thu hút đầu tư và triển khai xây dựng các dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ban Quản lý KKTChân Mây - Lăng Cô phấn đấu từ năm 2011 - 2015 sẽ đạt được các mục tiêu chủ yếu:Thu hút vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn KKT đạt 22.000 tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư mới khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 1.000 tỷ đồng. Hoàn thiện hạ tầng một số khu đô thị của thành phố mới Chân Mây; hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách bố trí hàng năm; thu hút thêm 1-2 nhà đầu tư hạ tầng đô thị; bước đầu hình thành các thiết chế cơ bản của đô thị loại III trong tương lai, đảm bảo định hướng phát triển của một đô thị vệ tinh của đô thị hạt nhân Huế.

Bên cạnh đó, đưa giai đoạn I dự án Laguna Huế vào khai thác, tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn II, giai đoạn III và hoàn thiện đưa vào khai thác hai giai đoạn này vào năm 2015; hoàn thành, đưa vào khai thác dự án Khu du lịch Bãi Chuối và các dự án du lịch nghỉ dưỡng dọc biển Lăng Cô; hoàn thiện hạ tầng KCN, khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phấn đấu lấp đầy 50% diện tích. Thu hút thêm 2-3 nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng KCN, khu phi thuế quan; hoàn thành đưa vào khai thác dự án mở rộng kho chứa dầu và xây dựng cảng dầu, thu hút được 2-3 nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng cảng; hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trục giao thông chính quan trọng như đường ra cảng Chân Mây, hệ thống đường trục chính đô thị Chân Mây, các khu tái định cư Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, Lập An và Lộc Thuỷ, đường trục chính khu cảng Chân Mây... Lập đề án kêu gọi vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm trên địa bàn KKT; thu hút vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo các hình thức PPP, BOT, BT và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để phát triển KKT, trước mắt, Ban quản lý KKT phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm như huy động vốn đầu tư;Tranh thủ tối đa mọi nguồn vốn để tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình thi công. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu đầu tư các dự án lớn về du lịch, đô thị, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN và khu phi thuế quan, đầu tư và khai thác cảng biển. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng: khẩn trương hoàn thành đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng phải di dời…Đặc biệt tăng cường quản lý quy hoạch và bảo vệ môi trường sinh thái;chú trọng công tác quản lý xây dựng, phát triển theo quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy của các phòng, ban đơn vị theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa, tại chỗ" trên tất cả các lĩnh vực từ quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, doanh nghiệp, lao động…/

Ngọc Châu (VEN)

 


Tin tức liên quan