Thông tin đầu tư

Tiềm năng không nhỏ ở Phú Lộc

Tiềm năng không nhỏ ở Phú Lộc

Ngày cập nhật: 14/06/2011 07:46 AM

Nghe chúng tôi đề cập câu chuyện phát triển CN-TTCN ở Phú Lộc rất nhiều người ngạc nhiên. Đến khi “điểm mặt chỉ tên”, đúng tiềm năng lợi thế của lĩnh vực này mới thấy vùng đất này không chỉ có thế mạnh về du lịch mà còn có cơ hội để mở hướng làm giàu từ CN-TTCN...

 

Những tín hiệu vui

Phú Lộc là vùng đất được thiên nhiên ban tặng địa hình khá lý tưởng, gồm biển đầm phá, đồng bằng và đồi núi. Nơi đây, ngoài việc có thế mạnh phát triển các ngành nghề chế biến thủy hải sản, lại có tiềm năng phát triển ngành nghề chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng...
 
Sản xuất chế biến dăm gỗ ở thôn Phú Gia , xã Lộc Tiến, Phú Lộc
 
 
Gần đây với sự quan tâm giúp đỡ các ban, ngành cấp tỉnh, Phú Lộc tiến hành quy hoạch cụm CN-TTCN La Sơn với diện tích 50 ha. Cụm này nằm ở ví trí thuận lợi, đặc biệt là trong điều kiện giao thông vận chuyển hàng hoá, bởi nó gần QL1A đi qua, bên cạnh tỉnh lộ 14B La Sơn-Nam Đông, gần sân bay, KCN Phú Bài và cách cảng nước sâu Chân Mây khoảng 40km. Năm 2010, cụm CN-TTCN La Sơn đã được quy hoạch thành KCN với diện tích 300ha, đến nay đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, điện nước, đường giao thông nhằm thu hút các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển CN-TTCN.
 
 
Anh Hoàng Hồng Sơn- Trưởng Phòng Công thương Phú Lộc cho biết, hiện tại có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư vào KCN La Sơn; trong đó có 2 doanh nghiệp đã xây dựng hạ tầng, nhà xưởng là Tập đoàn Mỏ Đại Sơn với diện tích 7ha, Công ty TNHH NN MTV Chế biến Khoáng sản tỉnh 8ha, dự kiến mở rộng giai đoạn 2 lên 10ha đang thu hút hàng trăm lao động ở địa phương. Ngoài ra, Tập đoàn Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đang làm thủ tục đăng ký 10ha, mở rộng ngành may mặc xuất khẩu. Bên cạnh KCN La Sơn, hiện nay Phú Lộc đang tiến hành quy hoạch khu CN-TTCN Vinh Hưng với diện tích 20ha ở thôn Diên Trường, xã Vinh Hưng nhằm thu hút các ngành nghề truyền thống như thêu ren, điêu khắc mộc mỹ nghệ...
 
 
Cùng với sự khởi động từ KCN La Sơn, cụm làng nghề CN-TTCN Vinh Hưng, các cơ sở công nghiệp khác đang duy trì và hoạt động có hiệu quả. Đó là những địa chỉ chuyên sản xuất đá xây dựng cung cấp sản phẩm chính cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, như mỏ đá Đá Dầm (Lộc Điền), mỏ đá Khe Diều (Lộc Tiến), mỏ đá Chân Mây (Lộc Vĩnh), mỏ đá 1-5 (Lộc Vĩnh) mang lại nguồn doanh thu mỗi năm không nhỏ. Các nhà máy sản xuất chế biến dăm gỗ ở thôn Phú Gia (Lộc Tiến) luôn xuất hàng ra nước ngoài đều đặn, bình quân hàng trăm tấn/năm. Gần đây, ở Phú Lộc ra đời hai nhà máy sản xuất gạch Tuyen tại xã Lộc An và Lộc Trì, công suất mỗi nhà máy 20 triệu viên/năm, giải quyết hàng trăm lao động ở địa phương có việc làm ổn định.
 
 
Kích cầu để CN-TTCN phát triển
 
 
Anh Hoàng Hồng Sơn cho hay, những năm gần đây, tình hình sản xuất CN-TTCN trên địa bàn có những chuyển biến tích cực so với những năm trước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, lĩnh vực CN-TTCN ở Phú Lộc chưa phát triển tương xứng với tiềm năng địa phương. Nguyên nhân là do các đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự năng động, nhạy bén trong việc đầu tư SXKD. Các đơn vị, tập thể khi thực hiện chưa nắm bắt, tiếp cận thông tin thị trường dẫn đến việc đầu tư thiếu tính quy hoạch, định hướng lâu dài về sản xuất kinh doanh cũng như đầu ra của sản phẩm. Hiện nay, Phú Lộc đang tập trung hoàn chỉnh hạ tầng KCN La Sơn; quy hoạch xây dựng cụm CN-TTCN nghề Vinh Hưng, đồng thời tiến hành khôi phục các làng nghề truyền thống tập trung như dầu tràm Lộc Thủy, tinh bột sắn Lộc An, chế biến mắm sò, mắm rò ở Lăng cô, Lộc Vĩnh, Vinh Hiền... thu hút lực lượng lao động, tạo nguồn thu ổn định ở địa phương.
 
 
Theo thống kê, trong năm 2010, giá trị SX CN-TTCN trên địa bàn đạt 381 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; trong đó, CN đạt 266 tỷ đồng; TTCN đạt 115 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm nay, Phú Lộc phấn đấu nâng giá trị sản xuất CN-TTCN 438 tỷ đồng; trong đó CN 306 tỷ; TTCN 132 tỷ đồng. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, giá trị SX CN-TTCN trên địa bàn đã đạt 55% kế hoạch và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Hiện toàn huyện có khoảng 2 nghìn cơ sở đầu tư SXKD trong 26 ngành nghề TTCN thu hút gần 4 nghìn lao động. Chưa kể khu kinh tế CM-LC có trên 10 đơn vị sản xuất CN tập trung thuộc các lĩnh vực chế biến lâm sản, sản xuất VLXD, khai thác khoáng sản, với nguồn vốn đầu tư bình quân từ 5 tỷ đến 25 tỷ đồng/đơn vị.
Phú Lộc đang tạo cơ chế mới hình thành các “doanh nghiệp đầu mối”, “tổ chức đầu mối” nhằm hỗ trợ tác động kích thích mở rộng phát triển các ngành nghề như, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công sửa chữa cơ kim khí, sản xuất chế biến nông lâm sản… Bên cạnh đó, huyện chú trọng đến công tác khuyến công bằng việc làm cụ thể hàng năm trích ngân sách 300 triệu đồng hỗ trợ khoảng 15-20 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn mua sắm đổi mới thiết bị máy móc, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng thương hiệu... phát triển SXKD. Nhờ những động thái tích cực ấy, một doanh nghiệp từ tỉnh Quảng Ninh đến Phú Lộc thành lập cơ sở nuôi trai lấy ngọc. Hiện cơ sở này đã thả nuôi ven đầm Cầu Hai tại thôn Hải Phú, Hải Bình, xã Lộc Bình 6ha với trên 50 vạn con trai lấy ngọc, dự kiến năm 2011 doanh thu 5-7 tỷ đồng. Hiện tại ông chủ cơ sở này đang tiến hành thành lập làng nghề chế biến sản phẩm từ trai lấy ngọc tại địa phương, dự kiến bước đầu thu hút 50 lao động ở địa phương; trong đó có 20 lao động là người khuyết tật.
 
 
Anh Hồ Trọng Cầu-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, nhằm thực hiện chiến lược đưa địa phương trở thành cụm CN-TTCN lớn phía nam tỉnh, Phú Lộc đã xây dựng các chính sách ưu đãi; mở rộng cơ chế tác động, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư với phương châm, nhanh gọn, phù hợp với lợi thế từng vùng để tạo đòn bẩy cho quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp- nông nghiệp. Theo đó, đẩy mạnh công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ ở các cơ sở, các cụm CN-TTCN; tập trung vào nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm để trở thành những mặt hàng có chất lượng cao; đồng thời nỗ lực trong việc xúc tiến, quảng bá để phát triển các ngành nghề ở địa phương. Đó là những việc làm trước mắt, là đòn bẩy, góp phần quan trọng đưa kinh tế xã hội Phú Lộc lên tầm cao hơn, trở thành vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh trong những năm đến.
 
 

Minh Văn (BaoThuathienhue)

 


Tin tức liên quan