Tin tức

Lạm phát sẽ giảm xuống 15% vào quý IV

Lạm phát sẽ giảm xuống 15% vào quý IV

Ngày cập nhật: 19/06/2011 07:53 PM

Báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 6/2011”, một ấn phẩm bán thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm tìm hiểu những thay đổi kinh tế vĩ mô gần đây ở Việt Nam đã đưa ra dự báo.

 

Dựa trên biến động của bốn biến số là: tỉ giá danh nghĩa, dự trữ ngoại hối, tốc độ lạm phát và lãi suất danh nghĩa, báo cáo đã cho thấy mức độ mất ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay đã đến sát với mức độ bất ổn vào giữa năm 2008 do tính trạng mất ổn định đã kéo dài trong một thời gian khá dài (từ tháng 11/2010 đến tháng 2/2011).

Song, báo cáo cũng đã đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc phục hồi lại mức độ ổn định vĩ mô đáng kể trong vài tháng vừa qua. Bằng việc thông qua Nghị quyết 11- một gói chính sách bình ổn kịp thời. Báo cáo nêu rõ: “Lần đầu tiên sau ba năm, tiền đồng Việt Nam đã được giao dịch tại các ngân hàng thương mại thấp hơn tỷ giá tham chiếu chính thức. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt đầu mua ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng, qua đó nâng cao dự trữ ngoại hối lên đáng kể. Mức độ rủi ro tín dụng của Việt Nam trên thị trường quốc tế đã cải thiện trong thời gian qua”.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra cảnh báo rằng: vẫn còn vô số rủi ro vĩ mô trong hệ thống và chúng có thể làm đảo ngược những kết quả bước đầu, vì vậy, Chính phủ Việt Nam không nên chấm dứt quá sớm các biện pháp chính sách theo Nghị quyết 11.

Vì thực tế cho thấy việc thực hiện Nghị quyết 11 vẫn còn nhiều hạn chế như: nỗ lực kiểm soát đầu tư công bị chậm triển khai, cải cách doanh nghiệp nhà nước chưa được thể hiện rõ ràng và các biện pháp nhằm thông tin tốt hơn với thị trường vẫn còn chậm chạp và do dự.

Với dự kiến tăng trưởng sẽ chậm lại trong quý II và quý III năm 2011, có thể sẽ nảy sinh nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa vào những thời điểm nhất định và cải cách cơ cấu đi chậm lại. Nhượng bộ cho những nhu cầu này có thể buộc toàn thể nền kinh tế phải trả giá đắt.

Hơn nữa, đây là cơ hội để các cơ quan chức năng khôi phục lại sự tín nhiệm thông qua việc thực hiện Nghị quyết 11 một cách cương quyết và hiệu quả cho đến khi đạt được ít nhất là ba mốc quan trọng, đó là: lạm phát trở về mức bình ổn một chữ số; hoàn toàn xóa bỏ được chênh lệch về tỉ giá; và, mức dự trữ ngoại hối tối thiểu tương đương với 2,5 tháng nhập khẩu.

Từ đó, báo cáo cũng đưa ra dự báo tình hình kinh tế Việt Nam sẽ dần được cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2011, tốc độ lạm phát dự kiến lên cao nhất trong quý II và sau đó giảm dần xuống khoảng 15% vào cuối năm.

Mức thâm hụt tài khoản vãng lai ước tính vào khoảng 5% GDP và thị trường ngoại hối sẽ ổn định trong tương lai gần, tình trạng “biến vốn” dự kiến sẽ giảm giúp Ngân hàng Nhà nước tích lũy dự trữ ngoại tệ nhanh hơn.

GDP sau khi chững lại vào quý I và quý II sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối năm. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 sẽ giảm xuống khoảng 6%, nhưng tiềm năng tăng trở lại đáng kể vào năm sau là điều có thể xảy ra.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì việc điều chỉnh mức chỉ tiêu lạm phát từ 7-15%, hạ mức tăng trưởng xuống 6%, chứng tỏ Chính phủ đã có bước nhìn vào sự thật và có những dự báo sát hơn với thực tế”.

“Theo đó, chỉ số lạm phát tháng 6 sẽ ở mức trên dưới 1% tức là đã giảm đi nhưng cộng với chỉ số lạm phát 5 tháng vừa qua cũng đã cao, cho nên ngay cả mục tiêu giảm chỉ số lạm phát xuống 15% cũng là việc không dễ dàng trong tình hình còn rất nhiều khó khăn cần Chính phủ phải có sự nỗ lực và cải cách mạnh mẽ”, ông Doanh nói.

 

Theo Toquoc

 


Tin tức liên quan