Quản trị doanh nghiệp

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngày cập nhật: 19/06/2011 07:06 PM

Nâng vị trí xếp hạng chỉ số PCI 2011 của tỉnh trở lại nhóm dẫn đầu toàn quốc. Đó là quyết tâm của lãnh đao tỉnh thể hiện qua hội nghị bàn về kế hoạch nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì trong tháng 5 vừa qua.

Động thái nói trên diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố PCI 2010; trong đó, Thừa Thiên Huế được xếp ở vị thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước với 61,38 điểm. Tuy vẫn duy trì ở nhóm các địa phương có năng lực cạnh tranh tốt, nhưng PCI 2010 của Thừa Thiên Huế giảm gần 3 điểm và tụt 4 bậc so với năm 2009. Kết quả này thể hiện một bước thụt lùi trên hành trình thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến làm ăn trên đất Cố đô; đồng thời, đặt ra yêu cầu mới đối với lãnh đạo chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính công vì sự nghiệp phát triển kinh tế của địa phương.

Công bằng mà nói, PCI của Thừa Thiên Huế đã được cải thiện đáng kể. Trong lần xếp hạng đầu tiên năm 2005, PCI của Thừa Thiên Huế nằm ở vị trí 25/47 tỉnh, thành được đánh giá và thuộc nhóm trung bình. Năm 2008, PCI của tỉnh ở vị trí 10/63. Hai năm qua, tuy vẫn ở nhóm có PCI tốt, nhưng vị trí của Thừa Thiên Huế trên bảng xếp hạng liên tục bị sụt. So với năm 2009, năm 2010 chỉ số các lĩnh vực được đánh giá của tỉnh cũng có những thay đổi đáng quan tâm. Cụ thể, có 4 lĩnh vực “tăng điểm” gồm: các chi phí không chính thức, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động; 1 lĩnh vực “không tăng giảm” là thiết chế pháp lý và 4 lĩnh vực “giảm điểm” là: tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; chi phí thời gian để thực hiện các qui định của Nhà nước; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất và chi phí gia nhập thị trường. Đây là những “khu vực” mà những người có trách nhiệm của tỉnh cần tìm hiểu, suy xét để tìm ra nguyên nhân, nhằm có giải pháp cải thiện.
Tại hội nghị nói trên của tỉnh, sau khi nghe Giám đốc Sở KH&ĐT trình bày dự thảo kế hoạch nâng hạng PCI tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2011, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân tồn tại và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng hạng PCI của tỉnh năm 2011. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định: Chỉ số PCI là thước đo về cảm nhận, sự hài lòng của doanh nghiệp đối với sự thân thiện của công chức và các cấp chính quyền địa phương trong cách ứng xử với doanh nghiệp, cách giải quyết các thủ tục hành chính. Ở góc độ quản lý Nhà nước, PCI là động lực để minh bạch hóa hơn nữa môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp thêm tin vào hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền của tỉnh, góp phần có hiệu quả vào việc phân bổ nguồn lực, giảm chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư. Do vậy, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2010- 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIV, trong năm 2011, cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng vị trí xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh trở lại nhóm dẫn đầu toàn quốc.
Từ yêu cầu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đề nghị các ngành, địa phương phải coi trọng đúng mức về chỉ số PCI, xem chỉ số PCI là cơ sở để đánh giá về ngành mình, địa phương mình và năng lực điều hành của chính lãnh đạo để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, tăng cường công khai minh bạch, thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư… Trong đó, tập trung phát huy những mặt tích cực, những chỉ số thành phần trong PCI xếp hạng cao; đồng thời khắc phục tồn tại, yếu kém để nâng cao vị trí của các chỉ số thành phần trong PCI xếp hạng thấp. Về giải pháp, để thực hiện các nhiệm vụ trên, các ngành chức năng phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường hơn nữa sự phối hợp trong thực hiện công vụ, đặc biệt là giải quyết các yêu cầu, kiến nghị chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và công dân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo mô hình “một cửa”; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; xây dựng và cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến phục vụ doanh nghiệp trên môi trường mạng Internet; chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp tiếp xúc, giải quyết các yêu cầu của tổ chức, công dân phải đảm bảo thái độ đúng mực, có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao để thực thi nhiệm vụ; có cơ chế quản lý, giám sát cũng như thực hiện luân chuyển đối với cán bộ công tác tại bộ phận một cửa... Ngoài ra, theo chức năng, các ngành chuyên môn tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành một số quy định, quy trình về cấp phép đầu tư, về giải phóng mặt bằng, về cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến... theo nguyên tắc cải cách hành chính thông thoáng, có chế tài về thời gian, trách nhiệm thực hiện.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết là cạnh tranh với chính mình chính là động lực để phát triển. Hy vọng rằng với những động thái trên, vị trí PCI của Thừa Thiên Huế sẽ được cải thiện và tạo ra động lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Hoàng Thành (BaoThuathienhue)

 


Tin tức liên quan