Thừa Thiên Huế đã được Chính phủ đồng ý là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2012 với chủ đề “Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới”.
|
Thừa Thiên-Huế sẽ khai thác mạnh Du lịch Di sản (ảnh MH) |
Năm du lịch sẽ được tổ chức xuyên suốt trong cả năm, gắn liền với quá trình triển khai chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch…
Về định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2011-2020, các dòng sản phẩm Thừa Thiên Huế xác định tập trung ưu tiên phát triển trong thời gian tới là dòng sản phẩm tour có sức thu hút cao nguồn khách đến Việt Nam về Thừa Thiên Huế trên các tuyến Hà Nội - Huế; Cần Thơ - TP.HCM - Huế; đường bộ xuyên Á gồm Hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị di sản văn hóa thế giới trong khu vực với ý tưởng “Một điểm đến 5 di sản thế giới; hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị di sản các kinh đô Việt Nam, trong đó Cố đô Huế là tiêu biểu, “Huế - với hành trình qua các kinh đô Việt”; hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị trên trục đường Hồ Chí Minh; hệ thống sản phẩm dựa trên việc khai thác tiềm năng, giá trị tuyến bay TP.HCM - Huế, Hà Nội - Huế, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn - một điểm đến”…
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng chú trọng nhóm các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù, chuyên sâu của tỉnh nhằm tạo ra sự khác biệt, tạo thương hiệu riêng, bao gồm Nhóm sản phẩm thông qua các hoạt động trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách. Tài nguyên chính là những giá trị độc đáo của di sản, văn hóa triều Nguyễn, của vùng văn hóa Huế “có một chưa hai”; di sản và văn hóa làng cổ Phước Tích, kiến trúc đặc sắc của chùa cổ, làng cổ; di sản và văn hóa Chăm ở Huế; di tích cách mạng gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà văn hóa lớn, các nhân vật nổi tiếng; văn hóa tộc người của các dân tộc ở phía Tây Thừa Thiên Huế… với các nhóm tiêu đề “Về Huế-cùng khám phá và tận hưởng”, “Tạo trải nghiệm văn hóa Huế cho riêng mình”, “Huế: Những khoảnh khắc thư thái và yên tĩnh...
Chương trình sẽ có những sự kiện chính như: “Doanh nhân Việt Nam với văn hóa, di sản dân tộc lần thứ nhất” (dự kiến tổ chức vào 2/2012); “Duyên dáng Việt Nam 2012” (dự kiến tổ chức 3/2012); “Liên hoan hợp xướng Quốc tế lần thứ II”, “Giải quốc tế Cờ vua Đông Nam Á”( dự kiến tổ chức 6/2012), Giải quần vợt quốc tế U18, “Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia” … Đặc biệt, đơn vị chủ nhà lần này là tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức 9 hoạt động lớn tại địa bàn tỉnh.
Ngoài các hoạt động tổ chức ở tỉnh chủ nhà, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và ngoài địa bàn Thừa thiên Huế sẽ tổ chức các hoạt động để hưởng ứng sự kiện này. Theo đó, mỗi tỉnh chọn từ 2-3 hoạt động tiêu biểu hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2012 và sắp xếp rải đều trong năm. Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh trong khu vực cần tập trung chú ý đến các di tích lịch sử cách mạng và khai thác hợp lý hệ thống di tích này nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Ngoài ra, chú trọng hơn đối với các di sản phi vật thể như các làn điệu dân ca, các truyền thuyết, lễ vật dân gian… để bổ sung vào chương trình hoạt động.
Trên tinh thần đó, các địa phương thuộc khu vực bắc miền Trung đã đề xuất thêm một số hoạt động cụ thể gắn liền với sự kiện văn hóa tại địa phương mình: Thanh Hóa với di tích Thành nhà Hồ hiện đang lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; Hà Tĩnh với sự kiện kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du…
Được biết, để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2012, tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai 43 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 49.000 tỷ đồng.
Phương Nguyên (GD&TĐ)
.