Doanh nghiệp vừa và nhỏ trước “sóng gió” của lãi vay
Ngày cập nhật: 27/06/2011 06:17 AM
Lãi suất ngân hàng gần đây đã tăng liên tục, cả vốn huy động và vốn cho vay. Điều này làm cho các doanh nghiệp vay vốn hết sức khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tìm cách xoay xở để tồn tại, phát triển và vượt qua sóng gió của lãi suất ngân hàng hiện nay là quyết tâm chung của các doanh nghiệp.
Hợp tác xã Khai thác đá Xuân Long (thành phố Huế) chuyên hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khai thác chế biến đá xây dựng và vận tải đất đá công trình. Cũng như bao doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, ngân hàng chính là bà đỡ của hợp tác xã này trong lĩnh vực tài chính. Nhưng trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay, sự song hành trên đã không còn là niềm vui, mà trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Với tổng vốn vay trên 30 tỷ đồng, cả vốn trung hạn, ngắn hạn... đều bị ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, thì bình quân mỗi tháng HTX Xuân Long phải trả lãi ngân hàng trên 500 triệu đồng, bình quân mỗi ngày phải làm ra để trả nợ 17 triệu đồng. Đây quả là một con số không nhỏ đối với qui mô của 1 HTX như Xuân Long.

Khai thác đá tại CTCP Trường Sơn
Nói về hoạt động của mình trước biến động của lãi suất ngân hàng, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ nhiệm HTX Khai thác đá Xuân Long cho hay: “Lãi suất đến giờ mà HTX đang vay những khế trung hạn đã điều chỉnh lên 21%; những khế ngắn hạn 6 tháng, 9 tháng đã điều chỉnh từ 17,5 lên 19,5%. Tới đây đến hạn trả thì chúng tôi phải trả 19,5% và sẽ điều chỉnh lên 21% và nghe dự báo sẽ còn có thể lên 26, 27% nữa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa như chúng tôi có số vốn vay cả trung hạn, ngắn hạn tương đối lớn thì như vậy sẽ rất khó khăn. Chính phủ cần có giải pháp để ngăn chặn lãi suất tăng, nếu không doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi là bó tay”. Trước tình cảnh trên, HTX phải tạm dừng mọi kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tiết giảm mọi chi phí để duy trì hoạt động, tạo việc làm ổn định cho người lao động và nhất là có nguồn thu để trả lãi vay.
Cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ sản xuất, hộ kinh doanh cá thể, các trang trại hoạt động một phần dựa vào vốn vay ngân hàng lại càng khó khăn hơn. Đơn cử như trang trại nuôi gà sinh học của ông Trần Đình Lưu ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, quy mô trang trại có thể phát triển lên đến 20 ngàn gà mái. Nhưng do quá khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, lại thêm lãi suất ngân hàng tăng cao, nên trang trại của ông Trần Đình Lưu mới chỉ đạt tổng đàn 10 ngàn con. Mặt khác, lãi suất vốn vay được ngân hàng tính theo từng thời điểm, nên khoản vay mới lãi suất cao đã đành, mà các khoản vay cũ lãi suất cũng tăng.
Ông Trần Đình Lưu, chủ Trang trại gà an toàn sinh học cho biết: “Hiện nay chúng tôi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đã khó, nhưng khi tiếp cận được thì cũng khó mà mạnh dạn vay vốn để đầu tư vì lãi suất quá cao. Lãi suất ưu đãi cũng đã tăng lên 17, 18%/năm...”. Nhằm tránh rủi ro và thua lỗ, không còn cách nào khác cơ sở chăn nuôi này đành phải gác lại mọi dự định về đầu tư mở rộng sản xuất và tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng lấy công làm lãi; đồng thời điều chỉnh các khoản tài chính theo hướng hạn chế tối đa nợ vay ngân hàng. Đây cũng là giải pháp chung của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhóm hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay.
Theo thống kê của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoài 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước còn có khoảng 3 triệu hộ kinh doanh thương mại. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Nếu tính cả 133.000 HTX, trang trại và các hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp vào tăng trưởng tới 60% GDP, tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm cho số lao động phần lớn chưa qua đào tạo... Tất nhiên, một khi khu vực kinh tế này rơi vào tình cảnh khó khăn, thì nền kinh tế nói chung hẳn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hệ quả có thể thấy trước là lãi suất ngân hàng sẽ góp phần đội giá thành sản phẩm lên cao, làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị đình trệ. Cả 2 kết cục ấy, đều bất lợi trong bối cảnh cần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội hiện nay.
Cũng cần thấy rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm hộ sản xuất kinh doanh được đánh giá là khu vực kinh tế đầy năng động và linh hoạt trước những biến động của cả nền kinh tế. Hy vọng, các doanh nghiệp của khu vực này ứng phó linh hoạt để vượt qua “sóng gió” và sớm hồi phục, phát triển...
Bài và ảnh: Vĩnh Hoàng (TTH)