Mấy năm trở lại đây, phường Thủy Biều (TP Huế) trở thành tâm điểm của các dự án đầu tư du lịch.
Vùng đất có nhiều tiềm năng và thế mạnh
Nhắc đến địa danh Thủy Biều, nhiều người nói ngay rằng, đó là vùng đất học (dân gian có câu: ruộng Đồng Di, thi Nguyệt Biều) và xứ sản sinh ra trái cây đặc sản thanh trà nổi tiếng bao đời. Nhưng không chỉ có vậy, Thủy Biều còn nổi tiếng bởi ở đây đang lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử như điện Voi Ré, Hổ Quyền, Thành Lồi, đồi Vọng Cảnh,… và một hệ thống các nhà rường cổ, đình, miếu mang đậm tính chất của Huế. Hơn nữa, Thủy Biều rất gần với trung tâm thành phố (cách Huế 7km), nằm bên cạnh sông Hương nên rất thuận lợi trong việc giao thông đi lại cả về đường bộ lẫn đường sông.
|
Dự án Vườn Huế đang triển khai xây dựng. |
Từ năm 2009 đến nay, Thủy Biều đã thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch lớn. Tháng 2/2009, Khu du lịch Làng Việt đã khởi công xây dựng, có tổng mức đầu tư khoảng 106,5 tỷ đồng. Theo thiết kế, dự án này có 16 biệt thự vườn dạng đồi (diện tích hơn 3.000m2), khu hội nghị quốc tế sức chứa 500 người (diện tích hơn 1.800m2), hệ thống giao thông, sân vườn, cây xanh, mặt nước (diện tích gần 14.700 m2) và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý II/2013. Đầu năm 2010, dự án Khu du lịch vườn Huế với tiêu chuẩn quốc tế 3 sao trên diện tích 3,7ha với tổng mức đầu tư khoảng 75 tỷ đồng cũng đã được khởi công xây dựng. Cũng trong năm 2010, tại bến thuyền sông Hương đoạn qua Thuỷ Biều, Công ty TNHH du thuyền Cảm xúc sông Hương đã chính thức đưa 2 chiếc thuyền du lịch vào hoạt động để phục vụ du khách ngủ thuyền, du thuyền, khám phá sông Hương và các vùng ven sông Hương… Hai thuyền du lịch này có sức chứa cho 20 khách lưu trú và hưởng các dịch vụ khá phong phú, gồm 1 thuyền 4 ca bin giường đôi và 1 thuyền tập thể 12 người. Hiện nay, tour du lịch này đang thu hút nhiều khách du lịch quốc tế.
Sẽ là cú hích để Thủy Biều phát triển
Nhiều năm qua, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở Thủy Biều khá thuận lợi. Cùng với việc chú trọng phát triển nông nghiệp, cây ăn quả thanh trà, các loại hoa và nhiều dịch vụ ăn uống, giải khát như lâu nay đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân; Công ty Cổ phần Xi măng Long Thọ, Nhà máy Giặt là Bình Minh cũng đã giúp giải quyết một số lượng lao động lớn cho địa phương.
Một lợi thế nữa đến với Thủy Biều khi hiện nay nhiều dự án du lịch lớn đầu tư trên địa bàn. Sự ra đời của các khu du lịch này không chỉ điền thêm một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại tại TP Huế; góp phần đẩy mạnh vị thế vẻ đẹp của cảnh quan sông Hương và núi non bao quanh thơ mộng; kết nối sự phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế với những vùng miền khác trên đất nước Việt Nam mà còn là cú hích để giúp Thủy Biều đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: chuẩn bị nguồn nhân lực lao động dồi dào về lĩnh vực du lịch, dịch vụ; hình thành thêm các điểm ăn uống, giải khát, bán hàng lưu niệm truyền thống của địa phương; tập trung mạnh hơn nữa để phát triển vườn cây đặc sản thanh trà cả về diện tích lẫn chất lượng; chú trọng việc xây dựng nhằm hình thành các khu du lịch nhà vườn mang tính đặc trưng riêng của Huế để thu hút du khách.
Đây mới là bước đầu của phường Thủy Biều trên bước đường phát triển kinh tế - xã hội của mình. Với sự nỗ lực của tất cả mọi người dân địa phương cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của TP Huế là đưa Thủy Biều trở thành địa phương thu hút nhiều dự án đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế để hình thành nên các khu du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống trên địa bàn của phường, hy vọng, Thủy Biều sẽ trở thành một địa phương phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững của thành phố nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung trong một tương lai rất gần.
Hoàng Trọng Bửu (TTH)