Văn hoá xã hội

Bắt đầu từ đường phố văn minh

Bắt đầu từ đường phố văn minh

Ngày cập nhật: 13/07/2011 07:47 AM

Xây dựng đường phố văn minh là một trong những nội dung mà TP Huế đã và đang quan tâm thực hiện trong thời gian gần đây. Khởi động bước đầu đã đem lại một số kết quả khả quan, tuy vậy vẫn chưa có nhiều chuyển biến mang tính đột phá.

 

Xây dựng điểm các tuyến đường văn minh

Một trong những đơn vị quan tâm nhiều nhất đến việc xây dựng đường phố văn minh là Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Huế. Năm 2010, Hội đã tổ chức tham quan nghiên cứu học hỏi mô hình xây dựng đường phố văn minh ở TP Đà Nẵng và TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Được sự nhất trí của Thành ủy và sự ủng hộ của UBND TP Huế, hội bắt tay xây dựng đề án về đường phố văn minh và triển khai ra quân vào cuối năm 2010. Đợt này, việc xây dựng đường phố văn minh được giao cho 27 phường, mỗi phường chọn một tuyến đường điểm để thực hiện. Tiêu chí xây dựng được quy định cụ thể, từ vấn đề vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị đến an toàn giao thông, trật tự đô thị. Hội CCB là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng tuyến đường, bên cạnh đó còn có sự tham gia của các đơn vị thuộc TP: Đoàn thanh niên, Công an, Đội quản lý đô thị, Trung tâm công viên cây xanh…

 

Đường Lê Lợi đang xây dựng thành tuyến phố văn minh

 
Sau hơn nửa năm triển khai thực hiện, dù chưa được như mong muốn nhưng các tuyến đường văn minh mà các phường triển khai thực hiện đã có nhiều chuyển biến, nhất là đường Phan Chu Trinh thuộc các phường Trường An, Phước Vĩnh, An Cựu; đường Hoàng Diệu thuộc phường Tây Lộc... So với khi chưa triển khai xây dựng tuyến đường văn minh, hiện nay các tuyến đường dần dần bớt nhếch nhác, bớt lộn xộn hơn bởi tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…Không dừng lại ở đó, giữa tháng 5-2011, Hội CCB TP đứng ra đảm nhận việc xây dựng 2 tuyến đường văn minh là đường Trần Hưng Đạo và Lê Lợi. Phía Thành đoàn Huế cũng đảm nhận tuyến đường Lý Thường Kiệt. Theo ông Phạm Văn Hoá, Chủ tịch Hội CCB TP, bước đầu, hội đã bắt tay khảo sát thực trạng trên 2 tuyến đường, nắm số hộ kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường và có biên bản cam kết gửi đến các hộ. Chẳng hạn như tại đường Trần Hưng Đạo, có 210 hộ kinh doanh trên tuyến đường và hầu hết các hộ đều có lấn chiếm vỉa hè trong khoảng thời gian khá lâu. Hiện hội đang tiến hành tuyên truyền vận động và cho các hộ ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè. Bước tiếp theo là vận động, giám sát trên tuyến đường và có những đề xuất với các cơ quan chức năng khi có trường hợp vi phạm.
 
Cần tiếp tục đẩy mạnh
 
Có nhiều tiêu chí để đánh giá một TP văn minh, nhưng yếu tố đầu tiên mà mọi người thường quan tâm là các tuyến đường, từ việc đầu tư hạ tầng đến việc sắp xếp trên các tuyến đường đó. Đối với Huế, từ trước đến nay, người dân và du khách vẫn luôn đánh giá cao về cảnh quan, môi trường. Nhưng ở một số tuyến đường khác, không ít người vẫn nhận ra những điều chưa văn minh đang tồn tại.
Ông Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP Huế có lần thở dài: “4 giờ sáng, khi tôi đi thể dục, đường phố Huế sạch chưa từng thấy, nhưng 6 giờ trên đường trở về nhà, nhiều đống rác trong nhà dân đã đổ ra đường từ khi nào…”. Bên cạnh rác thải, các tuyến đường còn bị làm xấu đi bởi cảnh người dân lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh buôn bán. Cây xanh, cột điện hai bên đường nhiều lúc bị người dân lợi dụng để treo, dán những tấm biển quảng cáo một cách bừa bãi. Việc để xe máy trên vỉa hè cũng hết sức tùy tiện, nhiều tuyến đường chẳng tuân thủ theo sự sắp đặt nào. Trên các tuyến đường, vẫn xuất hiện một số người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là việc đi xe ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, xe chở ba người, phóng nhanh vượt ẩu… Không chỉ dừng lại ở những con đường chưa đăng ký xây dựng “đường phố văn minh” mà ngay cả những con đường đã đăng ký xây dựng cũng có nơi còn hình thức và còn lắm chuyện phải bàn.
 
Có thể thấy, các tuyến đường mà Hội CCB, Đoàn thanh niên chọn xây dựng đường phố văn minh ít phức tạp và dễ thực hiện hơn các tuyến đường khác, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều điều chưa văn minh. Tuyến đường Trần Hưng Đạo, đoạn trước khu vực chợ Đông Ba, tình trạng xe máy, xe ô tô vẫn dừng, đỗ rất lộn xộn. Đường Lê Lợi đoạn phía khu vực Đập Đá còn đó cảnh lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh… Thực tế, khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ra quân thì đường phố khá trật tự, ngăn nắp nhưng chỉ vài ngày sau là tình cảnh lấn chiếm vỉa hè lại tiếp tục xẩy ra.
 
Dù thế nào thì việc xây dựng đường phố văn minh cũng cần phải triển khai, phải kiểm tra, giám sát, có đánh giá và cần nhân rộng đến các tuyến đường khác. Tất nhiên, để làm được là cả một vấn đề và phải mất rất nhiều thời gian, nhưng vì sự văn minh, trật tự của đô thị, chính quyền TP cần phải quan tâm chỉ đạo nhiều đến công tác này nhằm tạo ra những bước chuyển, những đột phá. Và rõ ràng, để công việc này được thành công điều quan trọng nhất và có quyết định nhất là sự hưởng ứng của người dân.
 
BT (BaoThuathienhue)

 

 


Tin tức liên quan