Nỗ lực, quyết tâm để đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày cập nhật: 20/07/2011 07:43 AM
Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 4, (Khoá XIV) đã thống nhất thông qua Nghị quyết về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Ngọc Thiện, để thực hiện thắng lợi nghị quyết này, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động tối đa sức mạnh nội lực, tận dụng các nguồn lực và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp Tỉnh uỷ đã quyết nghị.
Hoàn thành các quy hoạch, đề án
Trước hết, các cơ quan, ban, ngành cần thực hiện tốt công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, theo hướng: Thành phố sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hoá và thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế theo định hướng xây dựng TP trực thuộc Trung ương; quy hoạch xây dựng đô thị Huế mở rộng, quy hoạch xây dựng thị trấn Thuận An mở rộng và quy hoạch chung xây dựng các thị trấn Phú Lộc, Phong Điền, Sịa, Khe Tre. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm đô thị động lực: Huế - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An - Bình Điền và 9 đô thị mới gồm: đô thị loại III Chân Mây - Lăng Cô và các đô thị loại V Phú Đa, Bình Điền, Phong Thu, Thuỷ Tân, Thanh Hà, Vinh Thanh, A Đớt, Hồng Vân; xây dựng đô thị A Lưới mở rộng đến năm 2020; đồng thời, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020; hoàn thành quy hoạch vùng nông thôn của 112 xã. Chú trọng hoàn chỉnh các đề án thành lập TX Hương Trà trình Chính phủ công nhận vào cuối năm 2011. Lập các đề án tổng thể phân loại đô thị Thừa Thiên Huế là đô thị loại I trực thuộc Trung ương; Đề án thành lập đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; đô thị Thuận An đạt chuẩn loại IV; đề án khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp tỉnh, TP, TX và các huyện. Ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác quy hoạch. Tăng cường công tác phản biện xã hội, sự giám sát của nhân dân trong xây dựng quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch.

Thành phố Huế đang được đầu tư xây dựng và chỉnh trang xứng tầm đô thị động lực của thành phố thực thuộc Trung ương
Tầng bước hiện đại hạ tầng kỹ thuật
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết về xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương một vấn đề quan trọng là đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn. Trong phát triển hệ thống giao thông đối ngoại, tiếp tục thúc đẩy triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm như: đường cao tốc đoạn La Sơn - Tuý Loan; nâng cấp QL1A đoạn Quảng Trị - Huế, Phú Bài - đèo Hải Vân; hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia; nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài đạt tiêu chuẩn; mở rộng khu đô thị Lăng Cô, các bến số 2,3 Cảng Chân Mây và đê chắn sóng.
Hoàn thành hệ thống giao thông kết nối đô thị động lực và các đô thị vệ tinh. Đẩy nhanh dự án mở rộng QL1A kết nối TP Huế với Tứ Hạ; Huế - Sịa, Huế - Thuận An, Huế - Bình Điền; tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 đường La Sơn - Nam Đông; xúc tiến thủ tục xây dựng mới cầu Vĩnh Tu qua phá Tam Giang. Tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang hệ thống giao thông nội thị. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang đô thị Huế, nhất là cửa ngõ phía nam, phía bắc TP Huế, chỉnh trang vỉa hè và chiếu sáng phía bắc; chỉnh trang công viên, sông Ngự Hà, hồ trong Kinh thành, điện chiếu sáng, các tuyến phố chính. Hoàn thành các dự án chỉnh trang 2 bên QL1A, các trục đường chính, tạo thay đổi về cảnh quan, môi trường các đô thị. Hoàn thành hệ thống giao thông kết nối Khu đô thị An Dương Vương với TP Huế - Phú Đa - Thuận An. Ngoài ra, đầu tư hệ thống cấp nước và xử lý nước thải đô thị; cải tạo hệ thống truyền tải, gắn với xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin trong các đô thị, khu dân cư theo hướng ngầm hoá, nâng cao chất lượng cung ứng điện và dùng chung hạ tầng mạng, đảm bảo mỹ quan môi trường đô thị và các khu dân cư.
Nỗ lực phấn đấu trên các lĩnh vực
Ưu tiên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án, công trình trước năm 2014: Cầu đường bộ Bạch Hổ qua sông Hương; đường vào Sân bay Quốc tế Phú Bài; đường La Sơn - Nam Đông; các tuyến QL49 Huế - Bình Điền và Thuận An - Tư Hiền; đường Chợ Mai - Tân Mỹ; hoàn thành đường Tự Đức - Thuỷ Dương - Thuận An; chỉnh trang một số tuyến nội thị Huế như: Điện Biên Phủ, Bà Triệu, Phạm Văn Đồng, Bến Nghé, Đống Đa...
|
Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm dịch vụ lớn và du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 13,5-14%/năm và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển nhanhcông nghiệp-xây dựng theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như thuỷ điện, xi măng, bia; các sản phẩm xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như dệt may, chế biến, khoáng sản... Phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển KT-XH vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt trên 30%; giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 15%. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao. Nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho các ngành công nghiệp, dịch vụ chủ lực và có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường liên kết trong nước và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Mở rộng liên kết cơ sở sản xuất với cơ quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học và các trường đại học nhằm đưa khoa học vào thực tế cuộc sống, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội, huy động các nguồn lực để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý đô thị trong tương lai; nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động mặt trận và các đoàn thể.
Bài, ảnh: Thanh Tâm (BaoThuathienhue)