|
Biển Lăng Cô, Phú Lộc - Vịnh biển đẹp thế giới |
Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn huyện Phú Lộc đạt được những kết quả đáng kể, phần lớn các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt cao và tăng so với cùng kỳ, trong đó, đáng chú ý là lĩnh vực thu ngân sách tại địa phương đạt cao so với kế hoạch (trên 67%). Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được nâng lên.
Tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế, đó là: công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo, quy hoạch ngành, vùng tuy đã có cố gắng nhưng vẫn còn bất cập, vấn đề môi trường chưa được xử lý triệt để, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp; kết quả thực hiện các đề án và chương trình trọng điểm trong 6 tháng đầu năm chưa đảm bảo tiến độ; hoạt động kinh tế hợp tác và hợp tác xã còn nhiều lúng túng; công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp phát triển nhưng chưa ngang tầm; tiến độ thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm so với kế hoạch. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2011, trong 6 tháng cuối năm, Phú Lộc sẽ tập trung triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định, phát triển nhanh và bền vững của địa phương:
Đẩy mạnh công tác quy hoạch
Trong 6 tháng cuối năm 2011, Phú Lộc tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn tập trung triển khai một cách đồng bộ, đảm bảo tiến độ các dự án quy hoạch trên địa bàn. Tổ chức công bố, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, tránh trường hợp quy hoạch treo; phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, tham gia quy hoạch chi tiết các khu chức năng, khu tái định cư.
Chỉ đạo các ngành, các địa phương trong công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư dựa trên các quy hoạch phát triển đã được duyệt; phát huy thế mạnh của từng vùng, gắn kế hoạch sản xuất với thị trường tiêu thụ; chuyển dần từ mục tiêu tăng sản lượng sang mục tiêu tăng giá trị.
Tập trung phát triển sản xuất
Phát huy mô hình du lịch cộng đồng dân cư cùng tham gia; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường. Cụ thể hóa các giải pháp trong chương trình phát triển dịch vụ với những chính sách, cơ chế thích hợp nhằm phát triển lĩnh vực dịch vụ một cách hiệu quả, bền vững. Tập trung kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, gắn phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với nông nghiệp toàn diện để từng bước hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến tạo nên mối quan hệ thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Tăng cường chỉ đạo, khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ đào tạo ngành nghề, chú trọng vấn đề xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường nhằm tạo chuyển biến trong phát triển ngành nghề ở khu vực nông thôn. Hoàn chỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; tạo môi trường thuận lợi để phát triển các cơ sở chế biến thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu một số sản phẩm truyền thống có lợi thế so sánh của địa phương.
Tập trung đầu tư chiều sâu, tạo bước chuyển về chất trong sản xuất nông nghiệp. Tăng chất lượng chương trình cải tạo cây, con đưa vào sản xuất. Nâng cao sản lượng hàng hoá nông nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tổ chức đánh giá các mô hình kinh tế trang trại trên vùng gò đồi, vùng cát nội đồng, mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao để chỉ đạo nhân rộng trong các năm sau. Có cơ chế khuyến khích, vận động nhân dân triển khai nhân rộng những giống cây, con đã qua thử nghiệm có kết quả tốt. Hoàn thiện cơ chế và các điều kiện vật chất, chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp đồng bộ trong công tác phòng chống cháy rừng, lũ lụt, hạn hán.
Tăng cường huy động vốn
Ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; nhất là các công trình trọng điểm về thủy lợi, giao thông, điện, nước. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp và môi trường để thu hút vốn đầu tư. Chủ động xúc tiến kêu gọi đầu tư, thực hiện đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài để tranh thủ công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Tuyên truyền, vận động, kêu gọi, khuyến khích cộng đồng người địa phương đang sinh sống ở trong nước và nước ngoài về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương.
|
Suối Voi - Điểm du lịch nổi tiếng của huyện Phú Lộc
|
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Nhằm đảm cho sự phát triển bền vững, công tác bảo vệ môi trường là yế tố quan trọng được các ngành, các cấp trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện. Trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình xử lý rác thải, nước thải công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, khu du lịch để chống ô nhiễm môi trường. Có quy chế tổ chức và cụ thể hóa chương trình bảo vệ môi trường đối với từng địa phương và có hướng dẫn cụ thể để nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp mua bảo hiểm môi trường.
Thực hiện nghiêm túc pháp luật bảo vệ môi trường; các chương trình bảo vệ tài nguyên vùng đầm phá; xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, hệ thống xử lý rác thải, bãi chôn lấp rác theo tiêu chuẩn chung; xây dựng quy chế quản lý chất thải, quản lý ô nhiễm. Tăng cường cán bộ có đủ trình độ am hiểu các vấn đề môi trường để thực hiện tốt công tác quản lý, phát hiện và xử lý các vấn đề về môi trường.
|